Cô gái chi gần 500 triệu đồng mua túi Hermès Birkin nhưng nhận về hàng fake liền gửi đơn kiện, tòa tuyên bố: Người bán phải bồi thường gấp 3
Sau khi bị phát hiện, người bán đã đổi cho nữ khách hàng chiếc túi khác, nhưng đó vẫn tiếp tục là một chiếc túi giả.
Tháng 6/2024, cô Vương ở Hàng Châu, Trung Quốc lướt mạng xã hội xiaohongshu và thích một chiếc túi Hermès Birkin 30 của một shop online trên nền tảng này. Vì trang chủ cửa hàng có rất nhiều lượt theo dõi và tương tác tốt, cô Vương tin tưởng nên đã liên hệ với chủ shop để đặt hàng.
Trước khi chuyển khoản, cô cũng đã nhiều lần yêu cầu người bán xác nhận lại rằng đây là hàng thật chính hãng. Đồng thời, chủ shop cũng gửi cho cô các giấy tờ và hóa đơn liên quan để chứng thực nguồn gốc của chiếc túi hiệu đắt đỏ. Tiếp đó, cô Vương thanh toán đủ 132.000 NDT (khoảng 460 triệu đồng) và chờ shop gửi túi về tận nhà cho mình.
Khi nhận được chiếc túi mới, cô Vương kiểm tra theo những hướng dẫn nhận biết hàng giả, hàng nhái trên mạng và nhận ra chiếc túi này thực sự không phải là hàng thật chính hãng của Hermès. Đáng nói, khi cô Vương nhắn tin cho chủ shop để hỏi, người này lại thừa nhận đó đúng là hàng giả và đồng ý đổi lại cho cô một chiếc túi khác.
Sau khi được đổi hàng, cô Vương vẫn cảm thấy lo lắng nên mang chiếc túi thứ 2 đến địa điểm thẩm định hàng xa xỉ chuyên nghiệp để xác thực. Cơ quan này đã kiểm tra và xác định chiếc túi của cô Vương không đáp ứng được những đặc tính thủ công của sản phẩm Hermès chính hãng. Quá tức giận vì bị lừa đến 2 lần gây tốn nhiều thời gian và công sức, cô Vương yêu cầu chủ shop online nói trên trả lại toàn bộ tiền mua túi và bồi thường thêm thiệt hại cho mình. Không đạt được thỏa thuận, cô Vương quyết định kiện người chủ này ra tòa.
Theo cô Vương, chủ shop họ Lý là một người chuyên buôn bán các loại túi hiệu secondhand nổi tiếng trên xiaohongshu. Lúc mua hàng, người này khẳng định với cô Vương hàng mình bán đều là đồ thật, bao gồm cả túi Hermès Birkin 30 đắt đỏ mà cô đã mua. Cô Vương không thể ngờ được rằng mình bỏ ra khoản tiền 132.000 NDT (khoảng 460 triệu đồng) chỉ để nhận về một món đồ giả. Hơn nữa, việc người chủ shop hứa với cô sẽ đổi lại một chiếc túi hàng thật, nhưng vẫn gửi túi giả chứng tỏ rằng người này cố tình thực hiện hành vi lừa đảo từ đầu.
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của cô Vương, Tòa án nhân dân quận Tân Giang, thành phố Hàng Châu xác định chủ shop họ Lý buôn bán các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng trên các nền tảng mạng xã hội để kiếm lợi nhuận nên phải chấp hành theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc. Giữa 2 bên có hoạt động mua bán hợp lệ, cô Vương cũng cung cấp được bằng chứng chứng minh bản thân đã mua hàng ở shop online nay và được người bán xác nhận đó là hàng chính hãng. Vì người họ Lý có hành vi bán hàng giả, cấu thành tội lừa đảo nên phải bồi thường cho người mua hàng theo quy định của pháp luật
Theo các quy định liên quan của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc, việc bán hàng giả, hàng nhái hoặc sai giá trị thực sẽ bị phạt bồi thường gấp 3 lần số tiền gốc mà người mua đã thanh toán. Trong trường hợp này, chủ shop không những phải hoàn trả lại 132.000 NDT (khoảng 460 triệu đồng) cho cô Vương mà còn phải bồi thường thêm 396.000 NDT (hơn 1,3 tỷ đồng).
Qua sự việc này, Tòa án nhân dân quận Tân Giang cũng nhắc nhở người dân nên cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến, đặc biệt là những giao dịch thông qua tin nhắn cá nhân mà không có sự bảo vệ của các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, đối với các mặt hàng có giá trị cao và các món đồ xa xỉ thì cần phải được kiểm tra kỹ hơn trước khi tiến hành thanh toán.
Khi thực hiện các giao dịch tương tự, người mua cần lưu giữ các giấy tờ, lịch sử tin nhắn hoặc cuộc gọi và bằng chứng liên quan để bảo vệ quyền lợi của bản thân nếu có vấn đề gì xảy ra. Bên cạnh đó, nếu thấy có vấn đề phải ngay lập tức trình báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết.
(Theo Baijiahao)