Clip: Chứng kiến quá trình gây tê tủy sống trước khi sinh mổ, chị em bảo nhau: “Thôi cố gắng đẻ thường!”
Gây tê tủy sống là một bước không thể thiếu và vô cùng quan trọng trong quy trình sinh mổ mà bất cứ sản phụ nào mổ lấy thai cũng phải trải qua.
Sinh mổ là phương pháp mổ lấy thai trong đó em bé sẽ chào đời không qua đường âm đạo của người mẹ như thông thường mà được các bác sĩ đưa ra khỏi tử cung của người mẹ thông qua một cuộc phẫu thuật. Sinh mổ thường được thực hiện trong trường hợp các bác sĩ thấy rằng có khả năng sẽ xảy ra rủi ro cho người mẹ và em bé nếu mẹ sinh thường theo đường âm đạo. Hiện nay, sinh mổ được xem là một phương pháp cực kỳ an toàn với tỷ lệ tử vong rất thấp. Trước khi bắt đầu mổ lấy thai, người mẹ sẽ được tiêm mũi gây tê, phổ biến là gây tê tủy sống, nên vẫn tỉnh táo, không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình phẫu thuật và có thể nhận biết, nhìn hay bế em bé ngay sau khi bé vừa chào đời.
Tuy nhiên, có nhiều mẹ vẫn còn thắc mắc về quy trình gây tê tủy sống được thực hiện như thế nào để người mẹ không còn cảm giác đau đớn nhưng vẫn tỉnh táo đến vậy. Đoạn video này trực tiếp ghi lại 1 ca gây tê tủy sống cho người mẹ trước khi sinh mổ sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về quy trình này.
Cận cảnh các bước gây tê tủy sống trước khi sinh mổ
Cụ thể quy trình gây tê tủy sống được thực hiện như sau:
Quá trình chuẩn bị trước khi gây tê
Trước khi gây tê, bác sĩ sẽ chuẩn bị các dụng cụ cần thiết và cho sản phụ truyền dịch và đặt ống thông tiểu (Ảnh minh họa).
- Các y bác sĩ sẽ chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết như máy đo nhịp tim, đo huyết áp, các công cụ, dụng cụ và thuốc phục vụ cho quá trình cấp cứu và gây tê tủy sống.
- Giải thích quy trình gây tê và ổn định tinh thần cho sản phụ. Sau đó tiến hành bắt mạch, đo huyết áp và đặt kim truyền dịch để duy trì cho cơ thể không bị mất nước, và một ống thông vào niệu đạo để dẫn thoát nước tiểu cho người mẹ.
- Xác định vị trí chính xác để chọc kim bằng cách dùng tay kiểm tra, sau đó dùng bút đánh dấu vị trí khe giữa 2 đốt sống L3-4.
- Bác sĩ gây tê rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, lau khô rồi đeo găng tay y tế, đội mũ, mặc áo để tiến hành gây tê.
Quá trình thực hiện gây tê
Khi thấy dịch chảy ra thì tiến hành từ từ bơm và bơm với áp lực thấp thuốc gây tê tủy sống cho sản phụ (Ảnh minh họa).
- Bác sĩ sẽ dùng cồn để sát trùng tại vùng chọc kim 2 đến 3 lần, sau đó lau khô và phủ khăn lỗ lên trên.
- Lấy dụng cụ kim tiêm thuốc, kim dẫn, thuốc gây tê bupivacaine 0.5% tiêm tủy sống, thuốc gây tê tại chỗ lignocaine.
- Bắt đầu tiêm thuốc gây tê tại chỗ lignocaine vào dưới da.
- Sau đó gắn kim dẫn vào đúng vị trí đã xác định trước đó, dây chằng vàng bên trong sẽ giữ chặt kim dẫn này.
- Luồn kim có gắn ống dò qua kim dẫn vào bên trong cơ thể người mẹ, rồi nhẹ nhàng hướng đầu kim lên trên về phía đầu sản phụ.
- Rút nòng kim nếu thấy dịch não tủy chảy ra tức là kim đã ở trong khoang dưới màng nhện.
- Khi thấy dịch chảy ra thì tiến hành từ từ bơm và bơm với áp lực thấp thuốc gây tê tủy sống cho sản phụ.
- Sau khi tiêm thuốc xong thì rút kim tiêm và kim dẫn ra đồng thời, cất gọn ra bên ngoài và hoàn tất.
Quá trình sau khi tiêm thuốc gây tê
Bác sĩ sẽ kiểm tra phản xạ và cảm giác của người mẹ sau khi tiêm thuốc ở cả vùng bụng và hai chân sau khi tiêm thuốc (Ảnh minh họa).
- Đặt người mẹ nằm ngửa trở lại, chân duỗi, có thể kê miếng đệm dưới hông.
- Tiếp tục theo dõi các chỉ số của mẹ như nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, bão hòa oxy trong máu. Sau khi tiêm thuốc, một số mẹ có thể bị nôn do tác dụng phụ của thuốc gây tê.
- Bác sĩ sẽ kiểm tra phản xạ và cảm giác của người mẹ sau khi tiêm thuốc ở cả vùng bụng và hai chân.
- Nếu không có vấn đề gì thì bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai ngay sau đó.
Nếu không có vấn đề gì thì bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai ngay sau đó (Ảnh minh họa).
Gây tê tủy sống thường để lại một số tác dụng phụ người mẹ cần lưu ý như đau đầu, đau lưng, ngứa, nổi mề đay, tê tay chân, thậm chí nhiều trường hợp nặng còn có thể bị nhiễm trùng quanh cột sống, tê liệt toàn thân. Để tránh những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra trong quá trình hậu sinh, mẹ nên nghỉ ngơi, tập luyện thể thao nhẹ nhàng, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu khi xương còn chưa hồi phục sau quá trình gây tê.
Nguồn: Baby, NCBI, Youtube, Academic