Clip: Bác sỹ tập thể dục cho trẻ như bạo hành khiến bố mẹ nào cũng sốc
Trong clip, một phụ nữ được cho là bác sỹ đã mạnh tay thực hiện các động tác thể dục với một em bé sơ sinh chỉ mới khoảng 2-3 tháng tuổi.
Clip bác sỹ tập thể dục cho trẻ khiến cộng đồng mạng phẫn nộ
Mới đây, một đoạn video dài hơn 3 phút quay lại bài tập được cho là đem lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh bắt nguồn một tài khoản weibo – trang mạng xã hội lớn nhất của Trung Quốc, đang lan truyền nhanh trên mạng. Trang facebook Shanghaiist đã đăng lại video đó kèm theo nội dụng: “Theo vị bác sỹ này, đây là bài tập đem lại nhiều ích lợi cho con bạn.” Nhưng những hình ảnh trong đoạn video đó đã ngay lập tức gây một làn sóng phẫn nộ, phản đối từ nhiều người.
Trong video em bé khoảng 2-3 tháng tuổi được bác sỹ cho tập một bài thể dục với các động tác như: cầm chân lộn ngược 180 độ, giật mạnh tay và chân, lăn qua lăn lại… Không những thế, theo lời bác sỹ thì người mẹ nên thực hiện mỗi động tác 100 lần để đảm bảo bài tập đạt được “hiệu quả” tốt nhất có thể.
Chỉ vài giờ sau khi được đăng lên, video này đã nhận được hàng ngàn lượt quan tâm, chia sẻ và hàng trăm lượt bình luận. Mọi người đều bày tỏ thái độ phẫn nộ, phản đối và "không thể hiểu nổi” với những gì “vị bác sĩ” trong đoạn video đang làm với một đứa trẻ sơ sinh.
Facebook có tên Xia Honey Wang bình luận: “Thử để những bác sỹ khác rung lắc và áp dụng bài tập này cho con của bác sĩ ngay trước mặt xem vị bác sỹ này sẽ phản ứng như thế nào. Không một quốc gia nào trên thế giới cho phép bác sỹ làm điều đó với một đứa bé sơ sinh.”
Một facebook khác có tên Karen O’Callaghan Dressler cho biết ý kiến: “Trời đất ơi thật là điên rồ. Đứa bé đó sẽ bị chấn thương ở cổ và gãy xương. Thậm chí hành động này có thể gây ra hội chứng rung lắc ở trẻ.”
Còn facebook Cher Hong lại bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành động này trong phần bình luận của mình: “Trời ạ! Mọi người đều biết rung lắc trẻ là điều cấm kỵ mà.”
Trong khi đó, facebook Ya-Ching Hoong-Chou lại bức xúc với chính người mẹ trong đoạn video nói trên: “Sao người mẹ kia lại có thể để việc này diễn ra cơ chứ? Chỉ nói ahh ahh thôi sao? Bản năng làm mẹ của cô ấy đâu rồi?”
“Đây không phải là một bác sĩ". – facebook tên SA Node phẫn nộ.
Một trong số các động tác của bài tập thể dục mà bác sỹ này giới thiệu với mẹ của em bé.
Bài tập thể dục thụ động cho trẻ sơ sinh
Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều cha mẹ đang áp dụng bài tập thể dục cho trẻ sơ sinh có tên là thể dục thụ động (passive exercise). Về lý thuyết, bài tập này nhằm duy trì sự linh hoạt và tính di động của các khớp nối xương và các múi cơ bên trong cơ thể để ngăn chặn dị dạng sớm ở trẻ nhỏ.
Một số động tác cơ bản của bài tập thụ động dành cho trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và thể trạng sức khỏe của từng đứa trẻ mà bài tập được thiết kế khác nhau. Vì vậy nếu muốn tập các bài tập thụ động này cho con, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn các bài tập cũng như thời gian tập phù hợp với từng trẻ. Các bài tập thụ động cho trẻ sơ sinh nhìn chung đều dựa trên các nguyên tắc sau:
- Luôn luôn đặt trẻ nằm để thực hiện các động tác này;
- Tránh không cầm vào khớp nối xương được thực hiện động tác;
- Di chuyển tay trẻ thật nhẹ nhàng. Đợi đến khi trẻ cảm thấy thực sự thoải mái mới tiếp tục di chuyển theo hướng mong muốn. Không di chuyển tay trẻ nếu cảm thấy gượng;
- Thực hiện mọi động tác thật chậm.
Các bộ phận thường được áp dụng bài tập này là khớp cổ, khớp bả vai, cổ tay, chân, cánh tay, cẳng chân… Trong một lần tập, mỗi động tác nên được thực hiện 10 lần, mỗi lần từ 3-5 giây và lặp lại các động tác vài lần trong một ngày.
Vì vậy, trước khi áp dụng một bài tập nào đó cho trẻ, bố mẹ cần tìm hiểu hết sức cẩn thận. Việc thiếu hiểu biết có thể cướp đi sinh mạng con bất cứ lúc nào mà bố mẹ không biết.
Hội chứng rung lắc ở trẻ (shaken baby syndrome – SBS) hay chấn thương đầu do bạo hành (abusive head trauma - AHT) là một loại tổn thương não bộ nghiêm trọng gây ra bởi hành động rung lắc, quăng quật trẻ trong khoảng thời gian ít nhất là 5 giây. Đó là một dạng thức của hành vi bạo lực trẻ em. Hội chứng nguy hiểm này thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở xuống, nhưng khả năng ảnh hưởng của nó tới trẻ nhỏ dưới 1 tuổi lại phổ biến hơn.
Hội chứng này thường xảy ra khi ngươi lớn rung lắc để dỗ trẻ khóc.
“Cơ chế” chung gây ra tổn thương phổ biến nhất của hành vi rung lắc trẻ đó là: rung lắc có thể khiến các mô não, mạch máu và các dây thần kinh của trẻ bị xé rách bởi não bộ của trẻ liên tục bị va đập vào thành bên trong của hộp sọ. Não bộ của trẻ có thể bị chảy máu trong và sưng tấy. Khu vực não bị sưng có thể gây ra áp lực lớn khi não chèn ép vào hộp sọ, đè nén lên các mạch máu não và làm cho chấn thương não ban đầu trở nên trầm trọng hơn. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất của hội chứng rung lắc bởi vì đầu trẻ thường to và nặng so với kích thước cơ thể; vùng cơ ở cổ khá yếu và khó có thể “giữ” được đầu; và mạch máu não của trẻ còn nhỏ và mảnh.
Não bộ của trẻ sơ sinh ở trạng thái bình thường khỏe mạnh.
Đầu trẻ liên tục ngả về trước và sau khi trẻ bị rung lắc gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho não bộ của trẻ.
Sự khác biệt giữa não bộ bình thường và não bộ bị thương tổn do hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh.
Trẻ bị chấn thương não thể nhẹ có thể:
- Quấy khóc, cáu kỉnh hoặc uể oải;
- Nôn mửa;
- Không có cảm giác đói.
Trẻ bị chấn thương nghiêm trọng có thể có những dấu hiệu:
- Co giật;
- Nhịp tim đập chậm
- Chức năng thính giác suy giảm;
- Xuất huyết bên trong một hoặc cả hai mắt.
Hội chứng rung lắc ở trẻ thường gây ra những thương tổn không thể phục hồi được. Những đứa trẻ qua khỏi cơn nguy kịch có thể phải chịu những di chứng suốt đời như mất khả năng thị giác và thính giác, co giật, chậm phát triển, suy giảm trí thông minh, gặp khó khăn về ngôn ngữ và học tập, không duy trì được sự tập trung, trí nhớ ngắn hạn và các ảnh hưởng tâm lý khác.
(Nguồn: Shanghaiist/webmd/kidshealth)