Chuyện người mẹ cấm con xem tivi vì chưa làm bài tập và 3 sai lầm tệ hại khi dạy con
Từ trường hợp của bà mẹ này, chắc hẳn các phụ huynh sẽ rút ra bài học "xương máu" cho mình khi dạy con.
Khi mệt mỏi, áp lực, các phụ huynh rất dễ nổi cáu với con. Có 1 bà mẹ cũng gặp phải trường hợp tương tự: Tâm trạng của mẹ ngày hôm ấy rất tệ, vừa đi làm về đã thấy con đang xem tivi. Mẹ hỏi: “Con làm xong bài chưa?”, con thản nhiên đáp: “Lát nữa ạ”. Lúc sau, để con chuyên tâm học bài, mẹ tắt tivi đi nhưng con không chịu vì đã đến giờ chiếu bộ phim hoạt hình mà con yêu thích.
“Con đã xem xong đâu.” – con vừa nói vừa chạy đi bật lại tivi.
Mẹ lớn tiếng quát con: “Con mà bật tivi lên thì đừng ăn cơm nữa. Về đến nhà chỉ có xem tivi, bài tập cũng chưa làm, con càng ngày càng hư rồi đấy!”.
Con mặt đỏ gay gắt, tay cầm khư khư chiếc điều khiển tivi, gào lên hỏi mẹ: “Ngày nào ăn cơm con cũng xem phim sao mẹ không nói, sao tự nhiên hôm nay lại quát con?”.
Cách phạt con không thỏa đáng khiến con không phục mẹ (Ảnh minh họa).
Mẹ giật điều khiển trên tay con, trừng mắt nói: “Mọi ngày là con làm xong bài rồi, con xem làm gì có con nhà ai ăn cơm được phép xem tivi? Con xem bạn con kia kìa, không những điểm cao mà bố mẹ cũng chẳng bao giờ phải lo lắng về bài vở chứ đừng nói đến chuyện xem tivi lúc ăn cơm. Làm gì có ai giống như con! Hôm nay con dám mở tivi lên thì đừng ăn cơm nữa!”.
“Không ăn thì không ăn! Con muốn xem tivi!” – con vùng vằng đáp.
Mẹ tức giận đánh 2 phát vào tay con: “Để xem con có còn dám cãi nhau với mẹ không. Ăn cơm nhanh lên còn học bài không thì đừng trách mẹ!”.
Bé không phục mẹ, xoa xoa đôi tay ửng đỏ, vừa khóc vừa đi vào phòng nói: “Mẹ nói không lại nên mới đánh trẻ con!” rồi đóng cửa rầm một cái.
Câu chuyện này là 1 ví dụ điển hình cho việc tâm trạng không tốt gây nên mâu thuẫn. Khi con không nghe lời, cha mẹ đương nhiên cần dạy bảo nhưng đôi khi, con cũng không cố ý. Giống như bé trong câu chuyện trên, từ nhỏ đã có thói quen vừa ăn cơm vừa xem tivi. Thì ra khi nào con làm xong bài tập hoặc bố mẹ vui vẻ thì sẽ không quá lưu tâm đến việc này nhưng một khi 2 điều kiện trên không xảy ra, mẹ cảm thấy tức giận.
Khi cáu giận, bố mẹ hay mắng phạt con (Ảnh minh họa).
3 sai lầm nghiêm trọng khi dạy con
Cách dạy con quá bạo lực
Cách hành xử của mẹ như cáu giận, giật điều khiển, đánh con vài cái như trong câu chuyện trên được coi là hành vi bạo lực và nguyên nhân chỉ bởi tâm trạng xấu. Cách dạy bảo này sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ. Cứ gặp chuyện không vui xảy ra là bố mẹ lại tức giận với con, thậm chí là dùng cả bạo lực, như vậy không chỉ làm tổn thương người khác mà còn dung túng cho tính “bạo lực” trong trẻ phát triển.
Hình phạt không thỏa đáng với lỗi lầm
Cô bé nói trên có lỗi vì chưa học bài đã xem TV thế nhưng mẹ lại nói: “Con muốn xem TV thì đừng ăn cơm nữa!”. Đây là một ví dụ điển hình cho việc trừng phạt không tương ứng với lỗi sai, đúng hơn đó là một hình thức uy hiếp, dọa nạt của mẹ.
Cha mẹ thời kỳ trước thường hay dùng câu nói này để dạy con. Khi ấy, cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, bị dọa không được ăn cơm là một hình phạt rất có tác dụng. Thế nhưng nhu cầu ăn mặc no đủ của trẻ em thời hiện đại không còn cấp thiết nữa nên cách dọa nạt này dường như không hiệu quả. Các bé sẽ chỉ có suy nghĩ là: “Không ăn thì không ăn!”.
Vậy như thế nào mới là hình phạt thích hợp? Trong trường hợp con chưa làm bài tập mà vẫn muốn xem TV, hãy nói với bé: “Được! Nhưng lát nữa con phải làm thêm bài”. Đầu tiên cha mẹ hãy cứ đáp ứng mong muốn của con, sau đó mới đưa ra hình phạt, như vậy sẽ hiệu quả hơn.
So sánh con với "con nhà người ta"
Đối với một đứa trẻ bướng bỉnh, thái độ của mẹ là điều rất quan trọng (Ảnh minh họa).
Đây có thể xem như cách “khích” con của các bậc phụ huynh. Cha mẹ nào cũng thích con ham học, thành tích tốt, hiểu chuyện nhưng trẻ con cũng như người lớn, không thể trở thành người hoàn hảo được. Lấy điểm tốt của đứa trẻ khác để công kích điểm xấu của con mình, đó là điều không công bằng với chúng.
Nghiêm trọng hơn cả, những gia đình thường xuyên so bì con với người khác sẽ khiến trẻ mất tự tin, tố chất tâm lý kém, đặc biệt trẻ sẽ có gánh nặng háo thắng sợ thua trong các kỳ thi lớn, các cuộc đua…
Thói quen của bố mẹ tác động trực tiếp tới tính cách của con
Dù là do tâm trạng hay do tính cách, người lớn cũng không nên nóng giận với một đứa trẻ.
1. Khi chúng ta quen chối đẩy trách nhiệm, con cái sẽ học được cách bới móc cái sai của người khác mà không xem lại mình.
2. Khi chúng ta thường xuyên kiểm soát việc học hành, sinh hoạt thậm chí mọi việc của con, trẻ sẽ có xu hướng lười biếng, hèn nhát, suy sụp và thiếu tính độc lập vì mọi thứ luôn có bố mẹ lo sẵn.
3. Khi chúng ta luôn thờ ơ và vô tâm với mọi người, trẻ cũng sẽ không thể bồi dưỡng được nhiệt huyết và tình cảm với thế giới này. Trẻ sẽ mặc nhiên cho rằng, bên ngoài chỉ toàn bạo lực, giả dối và tranh chấp.
Mỗi lời nói hay hành động của trẻ đều là tấm gương phản chiếu thói quen, hành vi mà bố mẹ chúng từng thể hiện (Ảnh minh họa).
4. Khi chúng ta thường xuyên không lắng nghe con cái, trẻ cũng sẽ thiếu đi sự tôn trọng và lắng nghe người khác.
5. Khi chúng ta quen với việc nói dối, lừa đảo, giả tạo với người khác, trẻ sẽ trở nên nhạy cảm, có tính đố kỵ và không thật lòng với chính bản thân.
6. Khi chúng ta trách phạt mọi lỗi lầm, sai sót của con, trẻ dần dần sẽ không tâm sự với cha mẹ nữa mà tự nhốt mình vào sự cô đơn, buồn chán của bản thân.
7. Khi chúng ta xem con là cục cưng, muốn gì chiều nấy, trẻ sẽ có tính ích kỷ, độc đoán và luôn coi mình là trung tâm.
8. Khi chúng ta luôn kỳ vọng ở con quá nhiều, đặt ra những yêu cầu quá cao với con, trẻ sẽ thiếu sự cầu tiến, không nỗ lực vì nghĩ rằng mình có cố gắng thế nào cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của bố mẹ.
9. Khi chúng ta sớm tối đắm chìm trong tiệc tùng, vui chơi, trẻ cũng sẽ bị lôi kéo vào những mối quan hệ, thú vui qua mạng để giải tỏa sự trống vắng trong lòng.
Nguồn: ntdtv