Chuyên gia dinh dưỡng gợi ý các thực phẩm bố mẹ nên cho con ăn để không bao giờ bị ốm
Một trong những băn khoăn lớn nhất của các ông bố bà mẹ là làm thế nào để trẻ ít ốm đau nhất, có cách gì giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh? Nên lựa chọn những thực phẩm nào giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch?
Vai trò của thực phẩm đối với hệ miễn dịch của trẻ nhỏ
Hệ miễn dịch là 1 hệ phức tạp gồm các phản ứng lôi kéo các yếu tố miễn dịch làm công tác tấn công kẻ lạ xâm nhập. Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch đang trong giai đoạn học hỏi, do đó, rất dễ bị tấn công bởi những tác nhân bên ngoài.
Không tự nhiên cơ thể có những "yếu tố miễn dịch", cũng không tự nhiên cơ thể có thể có những "tín hiệu lôi kéo". Tất cả những điều này đều cần nguyên liệu từ thực phẩm. Có những thực phẩm được xem là cung cấp những hoạt chất được sử dụng ngay trong quá trình lôi kéo hoặc tuyển quân ngay vào "yếu tố miễn dịch".
Báo cáo gần đây của nhóm TS. Yehia tại Viện Hoàng Gia Nhi Khoa Anh cho thấy vai trò của những thực phẩm có quan hệ tích cực trong xây dựng hệ miễn dịch trẻ nhỏ. Đây là những thực phẩm mà TS.Yehia cho rằng chế độ ăn uống của trẻ nên được cha mẹ quan tâm để đa dạng, điều này sẽ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.
1. Nhóm hợp chất chống oxy hóa
Dựa vào màu sắc của thực phẩm để nhận diện các hợp chất chống oxy hóa. Sự phân bố hợp lý các loại thực phẩm chứa các phytochemicals này có thể giúp giảm các gốc tự do không tốt, tăng cường hoạt động miễn dịch, ngăn ngừa các tổn thương trên DNA (tích tụ các tổn thương này có thể tiềm ẩn bệnh ung thư):
- Rau củ có màu trắng - xanh sẽ cung cấp allyl sulphides, ví dụ như tỏi, hành tây, đoạn gốc hành lá. Nên sử dụng hàng ngày.
- Rau củ có màu xanh sẽ cung cấp sulforaphanes, indoles, ví dụ như bí xanh, rau xanh các loại, bông cải, bắp cải, chùm ngây, rau ngót... Tuần chỉ cần cho trẻ ăn 3 ngày. Riêng bông cải, bắp cải tránh dùng cho bữa tối.
Rau củ có màu xanh sẽ cung cấp sulforaphanes, indoles (Ảnh minh họa).
- Rau củ màu vàng - xanh sẽ cung cấp lutein, zeaxanthin, ví dụ như măng tây, rau chân vịt, xà lách, cần tây, cải búp. Tuần chỉ cần dùng 2 ngày.
- Rau củ có màu vàng cam sẽ cung cấp cryptoxanthin, flavonoids, ví dụ như bí đỏ, cà rốt, đu đủ, cam. Tuần chỉ cần dùng 3 ngày.
- Rau củ quả có màu tím - đỏ chứa anthocyanins polyphenols, ví dụ như trái cherry, việt quất, thanh long tím, nho tím. Tuần chỉ cần dùng 4 ngày.
- Rau củ có màu đỏ chứa lycopene, ví dụ như cà chua, bưởi tím, ổi đỏ, dưa hấu. Tuần chỉ cần dùng 2 bữa. Bỏ hạt khi dùng.
2. Nhóm cung cấp vi sinh vật có lợi cho đường ruột
Với những bằng chứng khoa học hiện tại, vi sinh vật đường ruột đã cho thấy chúng đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ miễn dịch ở trẻ. Hoạt động cân bằng các vi sinh vật tốt ở đường ruột như nhóm vi sinh vật LAB4, có thể ức chế và cạnh tranh sự phát triển của vi sinh vật có hại/gây bệnh.
Nên chọn loại sữa chua, sữa nước lên men loại không đường hoặc ít đường (Ảnh minh họa).
Giúp trẻ có cơ hội nhận đủ vi sinh vật có lợi cho đường ruột với khẩu phần có thực phẩm bổ sung men vi sinh có lợi như sữa chua, sữa nước lên men. Chỉ cần 4-5 ngày mỗi tuần. Chọn loại không đường hoặc ít đường sẽ tốt cho trẻ hơn.
3. Vitamin D
Những nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D không chỉ có vai trò trong xương khớp, mà vitamin D được xem là 1 yếu tố quan trọng và liên quan đến nhiều bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư nếu thiếu hụt. Do đó, tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc bổ sung vitamin D liều dự phòng 300IU/ngày được khuyên dùng, điều này cũng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Muốn trẻ khỏe mạnh, cần cho trẻ tích cực vận động ngoài trời (Ảnh minh họa).
Các thực phẩm trên sẽ cung cấp cho hệ miễn dịch của trẻ những nguyên liệu cần thiết để hoàn thiện. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần thời gian vận động ngoài trời, giảm thời gian trên màn hình TV, tham gia các hoạt động thể thao. Đó là yếu tố đủ để trẻ khỏe mạnh.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".