Cảnh báo về hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ
Theo PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội phụ sản TP.HCM, những năm gần đây, tỷ lệ các ca sinh mổ ở nước ta chiếm gần 60% trong tổng số ca sinh ở nhiều cơ sở y tế.
So với trẻ sinh thường, hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ chậm phát triển và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện.
Thực trạng sinh mổ trên thế giới và Việt Nam
Sinh mổ, hay còn được gọi là mổ lấy thai, là một khái niệm không còn quá xa lạ với các mẹ. Một vài năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ chào đời bằng phương pháp này đã gia tăng nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2010, ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, sinh mổ chiếm tỷ lệ từ 30% đến 45%. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tỷ lệ này ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai lên đến 40% - 50% hay tại Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ sinh mổ còn cao hơn, xấp xỉ 50% - 60%.
Trẻ sinh mổ và một hệ miễn dịch kém phát triển
Tỷ lệ sinh mổ tuy gia tăng nhưng phần nhiều trong số trường hợp sinh mổ là do những ca chuyển dạ khó tiên lượng được nhiều biến chứng như bất xứng đầu chậu, suy thai cấp, ngôi bất thường, sa dây rốn… Mặc dù sinh mổ ngày nay an toàn hơn nhờ vào những tiến bộ của y học, nhưng có thể các bà mẹ vẫn chưa hiểu hết những tác động của việc sinh mổ đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là hệ miễn dịch.
Giải thích về vấn đề này, PGS.TS.BS. Vũ Thị Nhung cho biết: “Hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành và phát triển một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đường sinh tự nhiên của mẹ (âm đạo) vốn có chứa nhiều lợi khuẩn giúp kích thích hệ vi sinh đường ruột cho bé. Bé sinh mổ lại không đi qua đường âm đạo nên không được tiếp xúc với những lợi khuẩn này khiến hệ vi sinh đường ruột chậm kích hoạt hơn. Hơn nữa, mẹ sinh mổ thường lên sữa chậm và chỉ được tiếp xúc với bé sau khi sinh từ 4 đến 5 giờ nên bé sẽ được bú mẹ muộn hơn so với bé sinh thường, làm chậm việc tiếp xúc với các kháng thể trong sữa non của mẹ cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Những tác nhân trên là nguyên nhân chính khiến hệ miễn dịch của bé sinh mổ kém phát triển hơn và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện (6 tháng) so với bé sinh thường (10 ngày). Với một hệ miễn dịch chậm hoàn thiện hơn, bé sinh mổ dễ mắc một số bệnh hơn bé sinh thường như dị ứng, chàm sữa, hen suyễn... ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng phát triển lâu dài của bé từ những năm tháng đầu đời”.
Đối với trẻ sinh thường, quá trình đi qua ống sinh tự nhiên của mẹ với lực ép và co thắt mạnh sẽ giúp trẻ vắt sạch hết lượng nước ối từ phổi. Quá trình này không diễn ra khi mổ lấy thai, có thể gây ra tồn dịch trong phổi dẫn đến suy hô hấp cấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp sau này. Ngoài ra, môi trường bệnh viện vốn chứa nhiều loại vi khuẩn và mầm bệnh có hại cho sức khỏe. Trẻ sinh mổ, với một hệ miễn dịch chậm phát triển hơn cộng với việc phải nằm viện lâu hơn cũng làm tăng khả năng bị lây nhiễm các các loại bệnh khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Để chăm sóc trẻ sinh mổ, PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung khuyên mẹ cần cho trẻ bú càng sớm càng tốt vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, chứa nhiều kháng thể hỗ trợ cho hệ miễn dịch của trẻ.
Để giúp trẻ an toàn trước các tác nhân gây bệnh, mẹ hãy tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và khám định kỳ để chắc chắn rằng trẻ luôn được bảo vệ. Đặc biệt đối với mẹ cho con bú, nếu phải sử dụng thuốc giảm đau do vết mổ, mẹ phải tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo rằng tác dụng phụ của thuốc không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trong trường hợp được chỉ định dùng sữa bột, các loại sữa có công thức lcFOS và scGOS là lựa chọn rất tốt cho các mẹ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.