Chuyên gia cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ hiện tượng sa dây rốn
Sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn sau khi vỡ ối.
Thần tốc cứu sống thai nhi bị sa dây rốn
Cách đây không lâu, các bác sĩ tại khoa sản Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM đã kịp thời cứu sống mẹ con thai phụ Võ Thị Trang Đài - 22 tuổi, ở phường 10, quận 6, TP.HCM.
Theo các BS tại khoa sản chia sẻ, thai phụ nhập viện và khám sức khỏe thấy có nhiều biểu hiện bất thường. Thường nhịp tim trung bình của một thai nhi là vào khoảng 120 – 160 lần/ phút, thế nhưng, đối với trường hợp này, chỉ đo được nhịp tim chỉ có 65 lần/phút.
Nhận thấy tình cấp bách và quá nguy hiểm, bác sĩ Huỳnh Thiên Thảo đã nhanh chóng thông báo đến bác sĩ trưởng ca trực khi đó là TS.BS Hồ Viết Thắng, phó trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực xử trí kịp thời, phẫu thuật mổ bắt con ngay lập tức, cứu thành công cháu bé không may bị sa dây rốn từ trong bụng mẹ.
Thai phụ Võ Thị Trang Đài được phát hiện sa dây rốn và phẫu thuật cứu con kịp thời.
Bác sĩ Thắng cho biết thêm: "Từ khi phát hiện sự việc cho đến khi phẫu thuật bắt con chỉ diễn ra trong vòng 10 phút, cháu bé được cứu kịp thời là bé trai nặng 3kg, bị dây rốn cuốn cổ 4 vòng".
Chính bị dây rốn quấn cổ mà nhịp tim của em bé suy giảm bất thường do bị thiếu máu cung cấp. Khi vòng dây rốn bị kéo căng vì quấn quanh cổ, lượng oxy cung cấp cho em bé bị suy giảm, nhất là vào lúc mẹ chuyển dạ.
Cho nên, trong trường hợp này, chỉ có thể cứu sống cháu bé bằng việc mổ bắt con càng nhanh càng tốt, chậm trễ 5-10 phút có thể khiến bé tử vong.
Dây rốn của cháu bé dài khoảng 80cm, trong khi đó trung bình dây rốn của một thai nhi dài khoảng 60cm. Ngay sau khi chào đời, bé nhanh chóng được một ê kíp hồi sức chăm sóc đặc biệt, bé đã không còn phải thở máu, tình trạng sức khỏe đã ổn định.
TS.BS Hồ Viết Thắng cũng nhấn mạnh: "Dây rốn quấn cổ là một trong những tai nạn phổ biến của thai nhi. Dây rốn có thể quấn cổ, quấn chân. Nhưng nguy hiểm nhất là tình trạng dây rốn quấn chân, vì chân của bé cử động có khả năng siết chặt dây rốn lại, tăng nguy cơ tử vong cho em bé ngoài dự kiến.
Việc dây rốn quấn cổ thường xuất hiện vào khoảng thời điểm từ tuần 20 đến tuần 24. Và qua siêu âm, thai phụ có thể biết được tình trạng này".
Chuyên gia cảnh báo biến chứng sa dây rốn cực kỳ nguy hiểm
Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - nguyên trưởng khoa Nội 1 - BV Nhi Đồng 2, sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này cực nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm, dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ.
Trong trường hợp lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp, tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ mắc tổn thương não do thiếu oxy. Vì thế, khi phát hiện sản phụ mắc sa dây rốn, cần được cấp cứu kịp thời trong vòng 30 phút thì may ra mới cứu được trẻ.
Sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ.
Để trấn an tinh thần nhiều sản phụ, BS cũng bày tỏ, thai phụ khi biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ không nên quá hoang mang. Trong trường hợp cấp bách, BS sẽ thăm khám và đánh giá tình trạng lượng máu từ mẹ đến con có bình thường, ổn định không.
Thứ hai, trường hợp không có biểu hiện bất thường ra bên ngoài, BS sẽ tiến hành đo nhịp tim cho bé, để khi thai cử động có thể biết được bé khỏe mạnh hay không.
Từ những kết quả thăm khám sẽ có những chỉ định phù hợp được đặt ra. Thực tế đã cho thấy không phải thai nhi nào bị dây rốn quấn cổ cũng phải sinh mổ . Tùy vào từng trường hợp thai phụ có thể sinh thường đường âm đạo.
Y khoa cũng chứng minh, đa phần thai nhi thường bị dây rốn quấn cổ 1 vòng, còn trường hợp dây rốn quấn 4 vòng như bé của thai phụ Võ Thị Trang Đài trên khá ít.