"Chuyện ấy" khi đang mang thai
Quan hệ tình dục khi mang thai là không an toàn; “cậu bé” của chồng có thể đụng chạm làm tổn thương em bé; có bầu rất mệt nên bà bầu không hề có ham muốn…
Đây là những giai thoại thường gặp khi nói về quan hệ tình dục (QHTD) khi mang thai. Đúng – sai như thế nào?
Nhiều người lo lắng chuyện “cha mẹ ham hố” gây mất an toàn cho thai nhi thành ra ít dám nghĩ đến quan hệ tình dục khi mang thai dù lắm khi cũng có "thèm"/"đói"/"nghén sex". Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội chia sẻ những lo lắng bạn có thể gặp phải khi muốn trải nghiệm quan hệ tình dục khi mang thai.
Thắc mắc thường gặp về sex trong thai kỳ
- Dương vật có thể đụng chạm làm tổn thương em bé!
Khi mang thai, cổ tử cung của người phụ nữ lập tức đóng lại. "Cậu nhỏ" của chồng không thể nào đi hết chiều dài của âm đạo, xuyên qua cổ tử cung để chạm vào bé. Nếu thai kỳ không có yếu tố bệnh lý thì cuộc yêu trong lúc mang bầu hoàn toàn không có vấn đề gì cả
- Có mẹ bầu ốm nghén tới mức không muốn quan hệ. Nhưng có trường hợp thấy ham muốn hơn trước khi có thai, điều này có bất thường không?
Cơn ốm nghén này làm đa số phụ nữ thấy kiệt sức. Nhưng một số khác lại cho biết mình cảm thấy rạo rực hơn. Tất cả vẫn là do sự thay đổi hormone và cách cơ thể mỗi người đáp ứng lại với sự thay đổi này. Tuần hoàn thông suốt hơn, nhiều máu hơn đến với âm vật và âm đạo giúp bạn cảm thấy dễ bị kích thích hơn. Thậm chí có người còn dễ lên đỉnh hơn so với bình thường.
- Nếu có thể duy trì nhịp sinh hoạt tình dục như bình thường thì “lên đỉnh” khi mang thai có những lợi ích gì?
Nếu bạn có thể duy trì nhịp sinh hoạt tình dục bình thường so với trước khi mang thai thì lợi ích đầu tiên sẽ là không phải hành hạ mình trong cảm giác ức chế vì phải kiêng khem. Quan hệ tình dục khi mang thai cùng với người mình yêu thương có thể giúp phụ nữ xả stress, cảm thấy dễ chịu hơn, sẵn sàng hơn để đón nhận một vai trò mới.
Và cũng có thể có những nguy cơ
Nếu không đủ kiên nhẫn, việc sinh hoạt tình dục dễ gây ra sự bất hòa. Vì trong giai đoạn này, chị em thay đổi nhiều về cả tinh thần và thể chất. Bạn có thể cáu gắt nhiều hơn, yêu cầu nhiều hơn, khó thỏa mãn hơn. Ngoài ra, các triệu chứng cơ thể như nôn ói, táo bón, kiệt sức cũng là một thử thách..
Về mặt tâm lý, nếu chưa có hiểu biết hay thảo luận kỹ càng cùng với nhau, các cặp đôi dễ rơi vào cái bẫy chịu đựng. Cảm giác xấu hổ, tội lỗi vì nghĩ “không ai làm như mình”. Cảm thấy khó chịu nhưng cố gắng chịu đựng để chiều lòng người còn lại… Để tránh tác dụng ngược, hãy quan hệ khi cả hai sẵn sàng và đều cảm thấy thoải mái.
Những nguy cơ có thể nhắc tới bao gồm: viêm nhiễm âm đạo, động thai, sảy thai, sinh non… Tuy rằng các trường hợp này rất hiếm xảy ra, nhưng vẫn cần được lưu ý.
Quan hệ tình dục khi mang thai – Làm thế nào cho đúng?
- Khi nào có thể?
Thường từ 3 tháng giữa thai kỳ, các triệu chứng ốm nghén sẽ bớt đi. Người mẹ đã quen với việc có một cơ thể khác bên trong cơ thể mình. Tâm trạng và cơ thể đều thoải mái hơn. Và đây là lúc người phụ nữ sẵn sàng hơn cho việc tận hưởng.
- Khi nào nên tránh?
Một trong hai người không cảm thấy thoải mái đối với việc quan hệ.
Đã từng có chảy máu trong khi mang thai. Việc quan hệ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là khi bánh nhau đóng thấp.
Đang mang song thai hoặc nhiều hơn
Có triệu chứng của tiền sản giật như phù, cao huyết áp
- Tư thế nào phù hợp nhất?
Các tư thế quen thuộc trước đây của hai bạn hầu hết đều an toàn. Miễn là bạn còn thấy thoải mái, hãy cứ tiếp tục với thói quen. Lưu ý tránh tình dục ở chỗ cao có nguy cơ té ngã.
Chuyện chăn gối vốn luôn cần sự hòa hợp của cả hai. Về mặt khoa học, quan hệ tình dục trong thai kỳ là an toàn trong hầu hết trường hợp. Hãy mạnh dạn lắng nghe cơ thể, lắng nghe nhau và cùng khám phá những cung bậc cảm xúc thi vị của chặng hành trình thai kỳ, bạn nhé. Còn tất nhiên không quan hệ trong lúc có thai cũng không hẳn là sai. Vì đây hoàn toàn là lựa chọn cá nhân và không ai ngoài hai bạn quyết định được./.