Chống 'sốc' cho con khi chuyển nhà mới

Ngọc Trang,
Chia sẻ

Kỹ năng thích nghi rất quan trọng đối với sự phát triển và lớn khôn của trẻ, trong đó có việc làm quen với môi trường sống thay đổi.

Chống 'sốc' cho con khi chuyển nhà mới - Ảnh 1.

Cha mẹ hãy dành thời gian đưa con đi thăm xung quanh nhà mới để con quen dần. Ảnh minh họa: INT.

Thích nghi hoàn cảnh

Khi chuyển nhà, không chỉ cần quan tâm đến việc dọn dẹp, sắp xếp và đóng gói đồ đạc mà cha mẹ còn cần chú ý đến tâm lý của con cái. Bởi những thay đổi có thể ảnh hưởng đến thái độ của chúng trong tương lai.

Trẻ sẽ thắc mắc và lo lắng khi phải rời xa bạn bè, trường lớp và làm quen với nhiều người lạ. Vì vậy, cha mẹ nên tìm hiểu và tạo sự hứng khởi cho con trước khi dịch chuyển.

Chị Nguyễn Thu Huyền (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do công việc thay đổi nên gia đình chị quyết định chuyển sang nơi ở mới. Nghĩ rằng trẻ con không biết gì, ở đâu cũng được miễn là có bố mẹ nên chị không để ý đến tâm lý của con. Thời gian rất ngắn sau đó, gia đình chị nhận thấy con càng ngày càng ít nói, không vui vẻ, cứ lầm lũi ở trong phòng. Sau đó, chị mới biết con bị sốc tâm lý do chuyển đổi nơi ở.

Cùng hoàn cảnh với chị Huyền, anh Nguyễn Huy Hùng (Hưng Yên) chia sẻ, khi gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống, con gái 7 tuổi khóc lóc cả tháng trời không chịu đi học vì phải xa những người thân quen nhiều năm, trong đó có những người bạn thân.

Lên thành phố, con cũng không quen ai, nên không thể hòa nhập với nơi ở mới. Gia đình mua đồ chơi mới con cũng không chịu, nhất định đòi về quê với bà.

Theo ThS Nguyễn Thị Vui, nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), nhằm bảo vệ sức khỏe và giúp cho trẻ được phát triển một cách toàn diện, các bậc phụ huynh nên xây dựng và rèn luyện kỹ năng thích nghi cho trẻ từ khi còn nhỏ.

Bố mẹ nên hình thành cho trẻ khả năng phát triển trong mọi điều kiện sống. Tức là, trẻ có thể tồn tại và lớn khôn dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù điều kiện thiếu thốn hay dư đủ.

Trong trường hợp chuyển nhà, thay đổi môi trường sống, cha mẹ hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ thật tốt. Theo đó, trước chuyển nhà vài tháng hãy nói cho con biết về việc di chuyển sắp tới.

Trong cuộc trò chuyện, khéo léo nhắc đến những khía cạnh tích cực để trấn an, giúp trẻ cảm thấy bình tĩnh khi nghĩ tới những thay đổi mới sắp xảy ra. Ví dụ như nhà mới đẹp hơn, tiện nghi hơn, có thêm nhiều người bạn mới. Ngay cả sự thay đổi nơi ở có thể là tệ hơn so với hiện tại thì hãy tìm những ưu điểm khác biệt mà con thích để nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho trẻ “ngấm”.

Một điều nữa là bạn hãy dành chút thời gian dẫn con đi thăm khu vực xung quanh nhà mới để con quen dần. Đồng thời đảm bảo rằng, nhà mới phải được chuẩn bị kỹ càng trước khi đón trẻ về.

Đặc biệt, dù bận rộn tới cỡ nào thì cha mẹ phải luôn dành thời gian ở bên con, lắng nghe, an ủi, giúp đỡ những vấn đề của con. Việc này rất có lợi cho tinh thần và sức khỏe của trẻ.

Sau khi chuyển về nhà mới hãy dạy con nhớ địa chỉ mới của nhà bạn đề phòng nếu chẳng may trẻ lạc đường. Hãy khuyến khích con làm quen với những bạn hàng xóm mới để hòa nhập hơn.

Chống 'sốc' cho con khi chuyển nhà mới - Ảnh 2.

Hãy cho trẻ “nhập cuộc”

ThS Nguyễn Thị Vui cũng gợi ý, cách hiệu quả nhất để “chống sốc” cho trẻ khi thay đổi môi trường sống là hãy cho trẻ “nhập cuộc” càng nhiều càng tốt. Nếu trẻ cảm thấy mình là một phần trong quá trình tìm nhà hay trường mới thì những thay đổi sắp tới sẽ ít ảnh hưởng đến tâm lý của chúng hơn.

Nếu gia đình chuyển nhà nằm trong khu vực thành phố thì bố mẹ nên cho trẻ thăm nhà mới cũng như làm quen với những hàng xóm mới. Nếu nhà mới quá xa, hãy thường xuyên kể về ngôi nhà mới cho trẻ hay hoặc có thể về thành phố, đất nước sẽ chuyển đến.

Phụ huynh cũng nên nhấn mạnh kể về những nơi thú vị mà trẻ có thể tham gia các hoạt động ưa thích của mình như công viên, sở thú, cung văn hóa... Bố mẹ cũng có thể chụp hình về ngôi nhà mới, trường mới để trẻ có một ấn tượng tốt hơn về môi trường sẽ sinh hoạt.

Những trẻ dưới 6 tuổi thì tâm lý chuyển nhà dễ dàng cho bố mẹ hơn, nhất là khả năng cảm nhận về thay đổi của trẻ còn hạn chế. Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ một cách rõ ràng, đơn giản. Nếu nhà mới gần thì bố mẹ nên dẫn trẻ đến thăm trước khi chuyển nhà và dọn đồ tới đó. Nên giữ những đồ dùng cũ, những thứ mà trẻ cảm thấy thoải mái ngay cả trong ngôi nhà mới, tránh tạo ra những thay đổi quá nhiều trong khi chuyển nhà.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy con kỹ năng thích nghi với đám đông. Để có thể hỗ trợ cho quá trình phát triển sau này, kỹ năng này rất cần thiết cho trẻ. Việc bố mẹ huấn luyện, giáo dục và tạo điều kiện cho con trẻ được nói chuyện trước đám đông sẽ giúp ích rất nhiều trên con đường học tập và làm việc, kể cả việc thay đổi nơi ở.

Trẻ sẽ thoải mái bày tỏ quan điểm cá nhân, tự chịu trách nhiệm với việc mình đã làm. Các thành viên trong gia đình có thể giúp đỡ bằng cách cho trẻ thực hiện các hoạt động xã giao với người ngoài như cầm tiền trả cho người bán, nhận hàng đơn giản…

“Ngoài việc chăm sóc về mặt tinh thần, bạn cũng phải chú ý tới vấn đề thể chất. Trẻ thường rất nhạy cảm nên chỉ cần thay đổi nhỏ đã mắc bệnh. Hãy cho trẻ ăn uống đầy đủ để chúng luôn được sống khỏe mạnh và vui vẻ”, ThS Nguyễn Thị Vui nhấn mạnh.
Chia sẻ