Cho con tiền tiêu vặt: Bài học tài chính "vỡ lòng" cha mẹ cần dạy con

Thủy Kiều,
Chia sẻ

Khi cho trẻ tiền tiêu vặt, bạn cũng phải dạy trẻ cách sử dụng. Đây chính là dạy trẻ cách quản lý tiền bạc.

Cho con tiền tiêu vặt: Bài học tài chính "vỡ lòng" cha mẹ cần dạy con - Ảnh 1.

Khái niệm về tiền bạc hay quản lý tài chính không phải là thứ xuất hiện trong các lớp học ở trường. (Ảnh: ITN).

Mục đích lớn nhất của chúng ta khi nuôi dạy con cái là mong con sẽ tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng để sau này có thu nhập khá và có cuộc sống ổn định, đủ ăn, đủ mặc. Chỉ có khả năng kiếm tiền thôi chưa đủ mà còn cần biết cách chi tiêu và tiết kiệm tiền.

Tuy nhiên, khái niệm về tiền bạc hay quản lý tài chính không phải là thứ xuất hiện trong các lớp học ở trường. Vì vậy, việc dạy trẻ kỹ năng quản lý tiền bạc đã trở thành vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Quan điểm của một số nhà giáo dục là cho trẻ tiền tiêu vặt không thể đơn giản được coi là quản lý tài chính. Về việc có nên cho trẻ tiền tiêu vặt hay không, cho bao nhiêu và khi nào, cha mẹ nên cân nhắc kỹ độ tuổi và nhu cầu thực tế của con.

Tiền tiêu vặt không phải là tiền để tiêu tùy tiện

Cho con tiền tiêu vặt: Bài học tài chính "vỡ lòng" cha mẹ cần dạy con - Ảnh 2.

Khi cha mẹ đưa tiền tiêu vặt cho con, họ cũng cần giải thích cách sử dụng tiền sao cho hợp lý. (Ảnh: ITN).

Khi P. còn nhỏ, bố mẹ thường chuẩn bị mọi thứ P. cần cho cuộc sống hàng ngày và việc học tập, bản thân P. cũng không cần phải bỏ tiền ra mua đồ nên mãi đến khi lớn lên P. mới có tiền tiêu vặt.

Đây có lẽ là trường hợp của những người ở độ tuổi 7X, 8X. Trên thực tế, cái gọi là tiền tiêu vặt chỉ được dùng để đối phó với những trường hợp khẩn cấp vượt quá nhu cầu thông thường.

Khi cha mẹ mua mọi thứ, trẻ thực sự không cần tiền tiêu vặt. Sau này, cơ cấu kinh tế và xã hội thay đổi. Hầu hết các bà mẹ đều đi làm, không còn ở nhà làm nội trợ. Vì không có thời gian chăm sóc các nhu cầu hàng ngày của con nên họ cho chúng tiền tiêu vặt để đi lại, ăn sáng, mua sắm đồ lặt vặt, văn phòng phẩm, v.v.

Khi xã hội ngày càng giàu có, trong vài thập kỷ qua, các gia đình trung bình dường như đã cho con cái nhiều tiền tiêu vặt hơn, vượt xa phạm vi tiền tiêu vặt thông thường.

Trong số đó, cũng có thể có yếu tố tâm lý, chẳng hạn như cha mẹ cảm thấy có lỗi vì quá bận rộn với công việc, không có thời gian dành cho con cái và muốn bù đắp bằng tiền.

Điều đáng tiếc là trẻ em ở các trường tiểu học, trung học cơ sở chưa có khả năng phán đoán để xử lý đúng tiền tiêu vặt nếu cha mẹ không giải thích cách sử dụng tiền và không giám sát kịp thời thì trẻ sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Ví dụ, một số trẻ chỉ thích tiêu tiền vào đồ ăn vặt và game.

Dạy trẻ tiêu tiền cũng là dạy trẻ quản lý tiền

Cho con tiền tiêu vặt: Bài học tài chính "vỡ lòng" cha mẹ cần dạy con - Ảnh 3.

Dù là tiền Tết do người lớn tuổi tặng thì con cũng nên hỏi ý kiến cha mẹ trước khi chi tiêu. (Ảnh: ITN).

Theo giới chuyên gia, khi cha mẹ đưa tiền tiêu vặt cho con, họ cũng cần giải thích cách sử dụng tiền sao cho hợp lý. Đây cũng là thời điểm cha mẹ dạy con cách quản lý tài chính.

Dù trẻ tiêu tiền như thế nào, ngay cả những khái niệm cơ bản nhất cũng không nên bỏ qua. Cha mẹ cũng cần cân nhắc hôm nay nên đưa bao nhiêu tiền cho con, tại sao lại cho con tiền, con có thể mua những thứ gì, cách giữ tiền thừa sau khi mua và hậu quả sẽ ra sao nếu con tiêu tiền bừa bãi.

Dù là tiền Tết do người lớn tuổi tặng thì con cũng nên hỏi ý kiến cha mẹ trước khi chi tiêu. Cha mẹ có thể tận dụng cơ hội này để giúp con mình phân loại. Tại sao bé lại muốn mua món đồ này? Giá cả có hợp lý không? Có thực sự cần thiết để mua không? Có cách sử dụng tốt hơn cho số tiền này không?

Mục đích của việc giáo dục trẻ quản lý tài chính là hình thành quan điểm đúng đắn về vật chất trong cuộc sống, bao gồm khả năng sử dụng tiền chính xác và khả năng kiềm chế ham muốn vật chất.

Trên thực tế, giáo dục phù hợp bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ và trước khi chúng nhận được tiền tiêu vặt. Một số trẻ ra đường đòi thứ mình thích, nếu không được thì khóc lóc, làm ầm ĩ trên đường. Cha mẹ chiều chuộng và nhượng bộ. Thời gian trôi qua, trẻ quen với việc đòi hỏi mọi thứ, và ham muốn vật chất của chúng đương nhiên ngày càng lớn hơn.

Khi gặp tình huống này, chính là lúc cha mẹ dạy trẻ khái niệm về tiền. Giải thích cho trẻ hiểu tiền là gì, cách kiếm tiền và cách sử dụng tiền. Hãy giúp trẻ dần dần thấm nhuần những khái niệm đúng đắn về tiền. Điều này chắc chắn có lợi cho tương lai của trẻ.

Theo cw.com.tw

Chia sẻ