Chiến lược thích hợp rèn thói quen gọn gàng, ngăn nắp cho trẻ
Để rèn luyện cho trẻ đức tính gọn gàng, ngăn nắp, phụ huynh cần kiên nhẫn, động viên và khích lệ con trong cả quá trình.
Hầu hết phụ huynh nào cũng mong con mình có lối sống ngăn nắp. Phòng ngủ là không gian riêng tư của mỗi người, việc sắp xếp đồ dùng trong phòng sẽ góp phần cho biết tính cách của mỗi người.
Sự chống đối của trẻ
“Phòng ngủ của con gái tôi hoàn toàn bừa bộn. Có vẻ như một cơn lốc vừa xuất hiện ở đây. Khi tôi lịch sự yêu cầu con gái dọn dẹp, cô bé lại phớt lờ hoặc nổi cơn thịnh nộ!”. Có lẽ, đây không phải là tình huống xa lạ đối với các phụ huynh.
Nhiều cha mẹ thường phàn nàn về việc phòng của con họ quá bừa bộn đến mức không thể đi qua được. Một số trẻ để quần áo bẩn chất thành đống trên sàn nhà. Trong khi đó, những bộ quần áo sạch sẽ không bao giờ được cất gọn gàng vào tủ. Đồ chơi và đồ đạc ở khắp mọi nơi. Giấy tờ, thậm chí cả rác thải vương vãi khắp sàn nhà.
Chắc hẳn, việc phải đối mặt với một đứa trẻ không chịu chăm sóc không gian của mình là điều vô cùng khó chịu.
Với hầu hết những đứa trẻ điển hình không chịu dọn phòng, nguyên nhân là do chúng không muốn làm điều đó. Những trẻ này thích làm việc khác hơn, như sử dụng thiết bị điện tử hoặc nhắn tin cho bạn bè. Một số trẻ say mê với một hoạt động cụ thể đến mức đó là tất cả những gì chúng muốn làm. Phụ huynh có thể nhìn theo cách này: Nếu được lựa chọn giữa làm điều gì đó thú vị và việc vặt, trẻ sẽ chọn điều nào?
Đôi khi, việc từ chối dọn dẹp là một phần của cuộc tranh giành quyền lực giữa cha mẹ và trẻ. Nếu vậy, trẻ không chỉ tránh việc dọn dẹp, mà còn chống lại phụ huynh và chống đối hầu hết mọi yêu cầu. Cha mẹ càng cố gắng kiểm soát những đứa trẻ này, chúng càng thu mình lại và từ chối. Sự thách thức của trẻ khiến cha mẹ cảm thấy kiệt sức, tức giận, thất vọng.
Trong tình huống đó, nhiều phụ huynh tự nhủ: “Chúng ta làm việc chăm chỉ để cung cấp cho con mình một ngôi nhà và căn phòng để ngủ. Điều tối thiểu chúng có thể làm là giữ cho không gian của mình sạch sẽ!”.
Song, theo các chuyên gia, cha mẹ hãy cố gắng đừng coi hành vi này ở trẻ là mang tính cá nhân. Hầu hết trẻ em đều trải qua giai đoạn lộn xộn, nhưng điều đó không liên quan gì đến phụ huynh hoặc phương pháp nuôi dạy con.
Hãy nhớ rằng, việc mặc kệ đôi khi là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý mà cha mẹ có thể thực hiện, đặc biệt nếu phụ huynh có nhiều vấn đề với những hành vi khác ở con mình. Suy cho cùng thì đó là mớ hỗn độn của trẻ. Nếu trẻ muốn sống như vậy, cha mẹ có thể cân nhắc để con làm điều đó.
Từng bước hướng dẫn trẻ
Tuy nhiên, việc cho phép trẻ có một căn phòng bừa bộn không phải lúc nào cũng thực tế, đặc biệt nếu con ở chung phòng hoặc căn phòng bẩn đến mức có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe như sự xâm nhập của vi khuẩn. Nếu việc dọn phòng của trẻ là một trận chiến mà phụ huynh chọn để chiến đấu, thì dưới đây là bốn chiến lược giúp cha mẹ thành công:
1. Giúp con bắt đầu
Trẻ có thể thực sự cần cha mẹ giúp để bắt đầu dọn dẹp. Nhiều đứa trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi nhỏ, không có kỹ năng tổ chức và điều hành tốt. Trẻ có thể gặp khó khăn khi bắt đầu nhiệm vụ. Trong những trường hợp này, phụ huynh có thể dành 15 đến 30 phút trong phòng với con. Tại đây, cha mẹ cần chỉ cho trẻ các bước cần thiết để dọn dẹp mọi thứ.
Ví dụ, cha mẹ có thể dạy con nhặt quần áo trên sàn, kiểm tra chúng và sau đó cho quần áo vào giỏ hoặc cất đi. Điều quan trọng là trẻ biết được mong đợi của phụ huynh. Trong một số trường hợp, trẻ biết cách thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, nhưng cũng có thể là không. Khi đó, trẻ cần sự giúp đỡ ngay từ đầu.
Các chuyên gia gọi đây là trợ giúp vượt rào. Sự hỗ trợ này cho phép cha mẹ hướng dẫn con mình đi theo cách mà không dẫn đến việc phụ huynh phải dọn phòng cho trẻ. Sự trợ giúp vượt rào giúp trẻ vượt qua trở ngại ban đầu, thường là khó khăn nhất.
2. Cho con tập trung vào một phần trong phòng tại một thời điểm
Phòng của trẻ có phải là một đống đổ nát hoàn toàn không? Phụ huynh hầu như không thể đi bộ xung quanh phòng? Nếu vậy, hãy chia phòng thành các góc phần tư và để con mình dọn dẹp từng góc phòng.
Ngoài ra, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ tập trung vào một góc trong phòng tại từng thời điểm. Ví dụ, lấy tất cả quần áo trước. Sau đó, nhặt đồ chơi và dọn rác sau.
Chia một nhiệm vụ lớn thành nhiều phần nhỏ hơn sẽ hữu ích cho bất kỳ đứa trẻ nào. Phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí của con và nghĩ xem chúng có thể nhìn nhận điều đó như thế nào. Trẻ có thể không biết bắt đầu từ đâu và đang nghĩ: “Chà. Mình sẽ không bao giờ có thể làm được việc này. Cố gắng có ích gì?”. Vì vậy, hãy chia nhỏ nhiệm vụ dọn dẹp ra cho trẻ. Sau đó, yêu cầu trẻ giải quyết vấn đề dần dần.
3. Phụ huynh không dọn phòng cho trẻ
Các chuyên gia khuyên rằng, nếu trẻ đủ lớn để tự dọn phòng thì phụ huynh đừng làm việc đó hộ con mình. Bởi, trẻ cần có ý thức tự dọn dẹp phòng riêng của mình.
Việc phụ huynh bước vào và dọn dẹp phòng của con thực sự là hành động không mang lại lợi ích. Hành động đó cho trẻ thấy rằng, phụ huynh không nghĩ chúng có thể tự mình làm được việc đó. Điều đó đồng thời cũng khiến trẻ có suy nghĩ là, nếu chống đối đủ, cha mẹ sẽ nhượng bộ và làm điều đó thay con.
Việc phụ huynh dọn phòng cho trẻ cũng sẽ gửi đi thông điệp rằng, con không cần phải làm theo những gì cha mẹ yêu cầu. Trẻ có thể hiểu lầm rằng, những gì cha mẹ nói không phải là điều phụ huynh muốn. Khi bọn trẻ không nghĩ những gì cha mẹ nói là nghiêm túc, thì quyền lực của phụ huynh đang bị “lung lay”.
Chắc chắn, việc cha mẹ dọn phòng giúp trẻ có vẻ là dễ dàng hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, điều đó chỉ góp phần khiến trẻ thiếu động lực làm công việc nhà. Nguyên tắc chung là khi trẻ học tiểu học, chúng có thể tự mình thực hiện hầu hết các công việc liên quan đến dọn dẹp phòng của mình. Việc phụ huynh cần làm là khiến trẻ phải chịu trách nhiệm.
4. Áp dụng hậu quả
Nếu trẻ không dọn phòng, hãy đảm bảo sử dụng những biện pháp kỷ luật hiệu quả thay vì trừng phạt. Hậu quả theo định hướng nhiệm vụ thường hiệu quả nhất.
Trẻ không làm việc nhà là tình huống cha mẹ cần đưa ra hậu quả theo định hướng nhiệm vụ. Nếu trẻ không dọn phòng, hãy tạm dừng đặc quyền của con cho đến khi hoàn thành một phần nhất định của nhiệm vụ. Ví dụ: Nếu cha mẹ quyết định rằng, hôm nay trẻ cần phải dọn dẹp tất cả quần áo, thì con hãy ngừng sử dụng thiết bị điện tử đến cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc, phụ huynh không nên để trẻ đi chơi với bạn bè khi chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Dù bằng cách nào, một khi hoàn thành việc dọn quần áo, trẻ sẽ lấy lại được đặc quyền của mình. Vì vậy, thời gian nhận hậu quả phụ thuộc hoàn toàn vào trẻ. Nói cách khác, trẻ có thể lấy lại đặc quyền của mình ngay lập tức nếu chọn thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng. Khi đó, các hình thức kỷ luật là không cần thiết.
Hậu quả có đảm bảo rằng, kể từ bây giờ trẻ sẽ tự mình giữ phòng sạch sẽ không? Câu trả lời là không. Tuy nhiên, việc sử dụng các hình thức khen thưởng và hậu quả một cách hợp lý sẽ giúp trẻ học được hành vi mong muốn theo thời gian.
Điểm mấu chốt là, đôi khi cha mẹ có thể cho trẻ mọi cơ hội để hoàn thành điều gì đó, nhưng chúng vẫn quyết định không thực hiện. Nếu vậy thì đó là lỗi của trẻ.
Cuối cùng, cha mẹ không chịu trách nhiệm về hành vi của trẻ. Công việc của phụ huynh là dạy, giáo dục và đặt ra giới hạn cho con mình. Trẻ em sẽ luôn đưa ra lựa chọn của riêng mình bất kể điều gì. Miễn là cha mẹ cùng con giải quyết vấn đề, sử dụng phần thưởng và hậu quả để động viên, buộc trẻ phải chịu trách nhiệm, đó là điều tốt nhất phụ huynh có thể làm. Nếu cha mẹ kiên trì, hành vi của trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực.
Theo Empowering Parents