Chỉ với 2 viên kẹo, bạn đã có thể dạy con tính kiên nhẫn
Ngay từ bé, bố mẹ đã nên rèn luyện cho trẻ tính kiên nhẫn bởi nó có nhiều tác động tích cực đến trẻ khi lớn lên.
Ngày nay có rất nhiều người trẻ thông minh, sáng tạo và giỏi giang. Nhưng một điều mà nhiều bạn trẻ ngày nay không giữ được, đó là sự kiên nhẫn và đợi đến lượt. Tôi từng gặp nhiều người đã rồ máy xe chạy khi đèn đỏ còn 3 giây nữa, và hầu như ai cũng chạy khi còn đúng 1 giây, chỉ có 1 số ít người từ từ chạy khi đèn xanh bật tín hiệu.
Tôi cũng chứng kiến một bạn trẻ cố len vào quầy tính tiền, mặc dù mọi người đã xếp hàng trước đó. Cũng gần đến lượt anh này rồi, nhưng anh ta chen, đẩy hàng hóa người trên lên và xếp hàng hóa mình vào. Kết thúc là một sự tranh cãi và đánh nhau.
Vì sao cần dạy trẻ tính kiên nhẫn?
Tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi, có thời gian không gian cho trẻ suy nghĩ. Các bé 2,5 tuổi có thể suy nghĩ và so sánh giữa 2 lựa chọn. Tính kiên nhẫn còn giúp sự tư duy phát triển, tạo nên tính cách ôn hòa và chịu lắng nghe khi các bé lớn.
GS.Kumst, S., ĐH Maastricht, Hà Lan cho biết: Dạy tính kiên nhẫn cho các bé có thể bắt đầu bằng việc dạy bé biết tôn trọng sự thỏa thuận giữa bé và 1 ai đó. Ví dụ, bạn nên dạy bé thỏa thuận với bạn 1 điều gì đó mà cả bạn và bé phải tôn trọng thỏa thuận này để làm theo.
Trong 1 thí nghiệm đơn giản về 1 loại kẹo dẻo (Marshmallow), trẻ được giao kèo 1 thỏa thuận với cô giáo là sẽ được 2 viên kẹo nếu bé đợi đến khi cô vào phòng trở lại mà trẻ chưa ăn viên kẹo thứ 1. Trẻ có thể học cách giữ thỏa thuận, có không gian suy nghĩ về lựa chọn, có sự trì hoãn hành động để giữ đúng thỏa thuận.
Qua một thí nghiệm nhỏ, bố mẹ đã có thể dạy trẻ về tính kiên nhẫn.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể học hỏi tính kiên nhẫn từ chính bố mẹ của bé. Vì vậy, đừng làm trẻ mất kiên nhẫn vì sự mất kiên nhẫn của bạn.
Ứng dụng thỏa thuận để rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ
Khi ăn:
Trẻ cần được biết bạn có kiên nhẫn cho bé ăn. Nhưng bạn không nên nói với con rằng: "Mẹ bực lắm, nãy giờ con ăn gần 1 tiếng rồi, mẹ quá kiên nhẫn với con rồi". Thay vì vậy, cách đơn giản là bạn quy định 20 phút cho bữa ăn phụ, 30 phút cho bữa ăn chính và thỏa thuận với trẻ thời gian này, nếu con ăn không hết mẹ sẽ cất đi.
Khi chơi đồ chơi:
Vòi đồ chơi hoặc giành đồ chơi là biểu hiện thông thường ở trẻ con. Hãy thỏa thuận con sẽ được chơi trong 20 phút, sau đó đến lượt bạn. Nếu không giữ đúng thỏa thuận, con sẽ không được chơi món đồ chơi này nữa mãi mãi.
Bố mẹ cũng cần tập tính kiên nhẫn để con noi theo (Ảnh minh họa).
Khi đi ngủ:
"20 phút nữa, mẹ sẽ tắt đèn, mẹ nghĩ con có đủ thời gian hoàn tất vài trang truyện/sách con đang xem và có đủ thời gian "chúc ngủ ngon" gấu Tedy và Giầy Bum. Giao kèo vậy nhé!". Hãy thỏa thuận với trẻ như vậy để trẻ có thể đi ngủ đúng giờ.
Trong khi đi dạo
"Con có thể chạy chơi, nhưng không chạy quá cây cột kia xa tầm mắt mẹ", "Con có thể nghịch nước ở vòi, nhưng không đi gần cái hồ", "Con có thể hỏi mẹ những điều con không biết, nhưng không được hỏi mẹ lúc đang lái xe. Ta giao kèo vậy nhé!"... Đó là một số gợi ý cho bố mẹ giao kèo khi trẻ vui chơi.
Trong việc học hành
"Điểm 6 là một điểm không xấu, nhưng mẹ nghĩ con có thể lấy điểm 8 chỉ cần con học lại chỗ này",. "Mẹ không cần con có điểm 10, mẹ mong muốn con có 2 điểm 8, gia đình mình sẽ đi công viên cuối tuần nhé"....
Việc học hành là khá áp lực với các bé, đặc biệt các bé từng bị chê hoặc mất căn bản trong việc học, việc cha mẹ đưa ra những thỏa thuận nhỏ hơn, thực tế hơn và chỉ cho bé cần cố gắng chỗ nào, sẽ tốt hơn là thỏa thuận lớn.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".