Chi phí một năm đầu nuôi con nhỏ chỉ tốn vỏn vẹn 29 triệu của bà mẹ trẻ

Thảo Nguyên,
Chia sẻ

Nhờ chi tiêu khá tiết kiệm, lại được bà trông con giúp kể từ khi đi làm nên trong năm đầu tiên, bà mẹ trẻ này chỉ tiêu tốn khoảng gần 30 triệu tiền nuôi con.

Trước đây, khi mới làm đám cưới, chị Nguyễn Hải Hà, 26 tuổi (Nguyễn Lương Bằng, HN) cũng biết khi có con nhỏ sẽ chi tiêu tốn kém hơn. Song chị không ngờ được, nuôi con nhỏ lại tốn kém đến vậy.

Chị tâm sự: “Sau đám cưới, vì vợ chồng đã có công việc ổn định nên cả 2 đứa quyết định sinh con liền. Mình chỉ nghĩ đơn giản, lúc đó ông bà nội, ngoại còn đang khỏe, nếu sinh bé ngay thì có ông bà trông giúp. Để 2-3 năm nữa sợ ông bà già rồi thì không trông con tốt. Nào ngờ từ ngày sinh con ra, chi tiêu trong nhà eo hẹp hẳn vì phải mất một khoản tiền không nhỏ trong việc nuôi con năm đầu tiên này”.

Theo bà mẹ 1 con này tính toán: “Không biết các mẹ khác nuôi con đầu lòng chi phí nuôi con bao nhiêu. Chứ mình nuôi con dù đã tiết kiệm nhất có thể vẫn mất gần 29 triệu triệu đồng/1 năm. Đấy là chưa kể con hàng ngày đã được bà nội chăm sóc nên đi làm yên tâm và bớt được 1 khoản thuê giúp việc hay tiền gửi con đi trẻ như nhiều bé khác”.

Cụ thể, các khoản chi tiêu tiền nuôi con trong năm đầu của mẹ Hà như sau:

1. Tiền sữa + dụng cụ vệ sinh: 7,5 triệu đồng

6 tháng đầu, chị Hà nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Bởi thế, con trai chị vừa có sức đề kháng tốt còn bản thân vợ chồng chị lại tiết kiệm được một khoản tiền sữa do không phải mất tiền mua sữa công thức như nhiều mẹ nuôi con nhỏ khác.

Tiền nuôi con nhỏ
Từ khi đi làm, chị Hà phải tốn thêm tiền mua sữa công thức cho con (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, từ khi chị Hà đi làm trở lại, bé nhà chị bắt đầu uống thêm sữa công thức và được bà cho ăn dặm: “Mình thường cho con uống sữa bột Nan: 2 hộp/ 900gr x 300k = 600k/tháng. Tính ra như vậy, một năm uống sữa của con khoảng 7,2 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm đầu tiên mình cũng thay 2 lần núm vú, dụng cụ vệ sinh bình sữa. Tổng số tiền thay núm vú, dụng cụ vệ sinh này hết 300 ngàn đồng/năm” - chị Hà nhẩm tính.

2. Tiền thức ăn dặm: 2,4 triệu

Khi con được gần 6 tháng, chị Hà bắt đầu cho con trai tập ăn dặm. Khi mới ăn dặm, chị mất 1 tháng đầu mua bột ngọt ăn dặm cho con. Khi ấy, con mới tập ăn nên bột ăn dặm chị mua của ngoại khá đắt đỏ. Thường lúc ấy, chị chỉ cho con ăn 1 bữa sau đó mới tăng dần lên 2 bữa. Chị nhớ khi ấy mất khoảng hơn 400 ngàn đồng tiền mua bột ngọt pha theo công thức có sẵn cho con ăn.

Khi con được 7 tháng, sau thời gian ăn bột ngọt thì chị bắt đầu tự nấu bột dinh dưỡng mặn cho bé. Bột mặn cũng giống như bột ngọt nhưng có thêm thịt, cá, trứng, cua… Thông thường, nhà ăn gì chị lại cho con ăn thực phẩm hoặc rau củ đó. Nếu tính chi li thì tiền mua thực phẩm để nấu cháo ăn dặm cho con ước tính khoảng 2 triệu/năm.

3. Tiền mua dầu ăn: 350 ngàn đồng

Là một bà mẹ, chị Hà biết trong mỗi khẩu phần ăn hàng ngày của con, cần có đủ 4 nhóm thức ăn sau: nhóm đường bột hay ngũ cốc, nhóm chất đạm, nhóm chất béo và nhóm rau xanh. 

Trong 4 nhóm kể trên, nhóm chất béo đóng vai trò rất quan trọng trong dinh dưỡng của con vì giúp dẫn và hòa tan các vitamin, đẩy nhanh quá trình hấp thụ các vitamin trong cơ thể. Do đó, chị thường chọn dầu ô liu loại nguyên chất cho bé, giá một chai 250ml khoảng 150 ngàn đồng và trong 6 tháng ăn dặm của năm đầu tiên, chị ước chừng số tiền mua dầu ô liu khoảng 350 ngàn đồng.

4. Tiền sữa chua, váng sữa, phô mai, trái cây: 3,6 triệu đồng

Khi con từ 6 tháng tuổi, chị Hà cũng cho con ăn thêm sữa chua, phô mai, trái vây và váng sữa. Để tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh, chị Hà thường tự làm sữa chua, váng sữa cho con ăn.

Riêng phô mai và trái cây thì chị phải mua ở siêu thị. Chi phí cho các khoản tiền này khoảng 300 ngàn đồng/tháng. Tính ra, 1 năm chị hết khoảng 3,6 triệu đồng.

5. Tiền tã bỉm: hơn 5 triệu đồng

Lúc mới sinh, con trai chị Hà dùng rất tốn bỉm. Lý do vì con đi ị phân su và đi ngoài, tè liên xoành xoạch. Có thời điểm chị phải dùng 10 chiếc bỉm/ngày. Tuy nhiên, sau đó giảm dần số lượng và sang tháng thứ 2, con chị chỉ phải dùng 3-4 chiếc/ngày. Và hiện nay, do con chị được 1 tuổi nên chỉ dùng 1 chiếc bỉm vào ban đêm, còn ban ngày chị tập cho con đi vào bô.

“Từ 0-12 tháng tuổi, con mình dùng bỉm dán ban ngày cho tiết kiệm và bỉm quần ban đêm, loại bình thường nên ước khoảng 450 nghìn/tháng, tính cả năm khoảng hơn 5 triệu tiền tã bỉm/năm. Giờ thì con đã 1 tuổi, mình chuyển sang dùng loại 7k/chiếc, ngày mất 1 chiếc buổi tối nên không tốn như trước” - Chị Hà cho biết.

6. Tiền quần áo cho con: 4 triệu đồng

Là một bà mẹ trẻ cũng khá thích mua sắm nhưng do ở với mẹ chồng nên chị Hà cũng không vung tay quá trán trong việc sắm quần áo cho con. Thường thì mỗi mùa, chị sắm cho con vài bộ đồ đẹp để mặc khi đi chơi hoặc khi cần ăn diện. Còn lại, hầu hết là đồ ở nhà, chị mua đồ Made in Việt Nam và chỉ mua vừa mặc cho bé nên không tốn kém.

Trong 1 năm đầu tiền mua sắm quần áo cho con của chị Hà chỉ khoảng 4 triệu đồng. Số tiền này đã bao gồm hết tiền sắm cho bé các bộ đồ mặc đi chơi, ở nhà, tất chân tất tay, giày dép, mũ kính cho bé.

7. Tiền mua đồ chơi: 1 triệu đồng

Ý thức được tiền mua đồ chơi cho con trai cũng chiếm một khoản kha khá nếu không biết tiết kiệm. Do đó, chị Hà quyết không bao giờ bị quyến rũ bởi các loại đồ chơi đầy màu sắc, nhất là hàng giảm giá mà dễ dàng rút “hầu bao”. 

Chị cho biết: “Con trai mình nhận được nhiều đồ chơi là quà của người thân tặng dịp sinh nhật, ngày Tết thiếu nhi, Tết trung thu... Do đó, mình thường xuyên phải tự nhủ phải kiềm chế để không khuân thêm về nhà đồ chơi. Thế nên mình tiết kiệm được một khoản kha khá. Có khi cả năm đầu nuôi con, mình mất khoảng 1 triệu tiền mua đồ chơi cho bé thôi”.

Tiền nuôi con nhỏ
Nhờ nuôi con bằng sữa mẹ và tiêm chủng ở phường nên chị Hà đã tiết kiệm được một khoản tiền nuôi con khá lớn.

8. Tiền mua các vật dụng khác: 3,4 triệu đồng

Từ ngày có con nhỏ, chị Hà cũng mua riêng sữa tắm, dầu gội, phấn rôm cho bé. Số tiền này tính ra một năm cũng mất tổng khoảng 500 ngàn đồng.

Ngoài ra, chị cũng mua một chiếc xe đẩy có giá 2 triệu đồng và một chiếc địu bé có giá gần 9 trăm ngàn đồng để tiện di chuyển bé.

9. Tiền tiêm phòng, chích ngừa: 0 đồng

Hiện bé nhà chị Hà đã vừa tròn 1 tuổi nên chị đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib. 

Mình hay cho con đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã phường nên  được tiêm chủng miễn phí các vắc xin trên. Khi đi tiêm, mình chỉ cần nhớ mang theo sổ tiêm chủng của con để cán bộ y tế kiểm tra và có chỉ định thích hợp cho con. Theo mình, các mẹ chẳng nên tốn tiền tiêm dịch vụ cho con làm gì” – chị Hà thừa nhận. 

10. Tiền khám chữa bệnh: 1,7 triệu đồng

Trộm vía, trong 1 năm qua, nhờ được bà nội chăm sóc cẩn thận nên con trai chị Hà chỉ duy nhất 2 lần phải đi khám bác sĩ. Một lần con trai chị bị viêm phổi và một lần bị rối loạn tiêu hóa. 2 lần đi khám, chi phí mua thuốc và thăm khám cho con chỉ hết 1,7 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhà chị Hà lúc nào cũng có 1 khoản dự phòng khoảng 20 triệu để phòng xa những lúc con ốm đau.

Tổng tiền nuôi con/năm: 28.950.000 đồng

Nói về khoản tiền nuôi con 1 năm chỉ hết gần 29 triệu đồng, bà mẹ này cười nói: “Mình nuôi con bằng sữa mẹ và tiêm chủng ở phường nên đã tiết kiệm được 1 khoản lớn rồi. Nói chung, nuôi con 1 tháng bao tiền mình nghĩ tùy thuộc vào mức sống, mức thu nhập của mỗi vợ chồng trẻ. Với nhà mình thì chi phí nuôi con như vậy là vừa phải”.
Chia sẻ