Mẹ Việt chia sẻ kinh nghiệm dạy 3 con tại nhà theo kiểu Mỹ

Linh Nhi,
Chia sẻ

Khác với nhiều bậc cha mẹ khác, đến tuổi là cho con đi học, chị Keziah Hương (hiện đang sinh sống tại Hà Nội), mẹ của 3 cô con gái đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để áp dụng mô hình dạy con tại nhà từ nhỏ.

Tuy nhiên, chị chỉ homeschool hoàn toàn cho các con đến 6 tuổi. Khi vào lớp 1, thấy chương trình homeschool của Mỹ quá hay và giúp cho nhận thức cũng như kĩ năng ngôn ngữ tiếng Anh của các con phát triển tốt mà không tốn kém nên chị tiếp tục chọn lọc một phần để dạy con ở nhà thay vì đến Trung tâm Anh Ngữ hay đi học thêm. 

Cùng trò chuyện với chị Keziah Hương để hiểu rõ hơn về phương pháp dạy con tại nhà mà gia đình chị đã áp dụng.

Lý do gì khiến gia đình chị quyết định dạy 3 con ở nhà từ nhỏ thay vì cho các bé đến trường giống như các bạn đồng trang lứa?

Mình biết đến homeschool từ khi còn học Đại học. Sau này, khi có dịp làm việc cùng một vài người bạn nước ngoài, họ là giáo viên trường quốc tế nhưng vẫn homeschool cho các con khi sống tại Việt Nam. Từ đó mình áp dụng cho các con từ rất nhỏ. Theo mình homeschool nên hiểu như việc cha mẹ tự dạy con ở nhà, có nên theo hoàn toàn hay theo một phần điều đó phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình và sự đáp ứng của chính con cái họ.

Chị đã bắt đầu việc này như thế nào?

Thay vì gửi con đến các trường mẫu giáo giáo dục sớm, mình dành thời gian dạy các con tại nhà. Mình nghĩ giai đoạn 0-6 tuổi là lúc các con học bằng trực quan: quan sát và bắt chước là chính nên cần người làm gương thì cha mẹ là tấm gương lý tưởng nhất. Mình đã mời được 7 gia đình tham gia thành một nhóm cho các con cùng học, cùng sinh hoạt như một lớp học thu nhỏ, tạo cho con nhóm bạn vui chơi và giao lưu, hoạt động cộng đồng thường xuyên để các con học cách giải quyết những va chạm từ mức độ đơn giản đến phức tạp.

Dạy con tại nhà
Các bé tham gia đóng kịch cùng nhau.

Các bé nhà mình giai đoạn trước 6 tuổi được chơi tự do rất nhiều, thậm chí đồ chơi toàn các con tự chế. Mình tận dụng tất cả những gì tự nhiên nhất trong cuộc sống hàng ngày để tương tác với các con.

Chương trình homeschool Abeka của Mỹ mà mình áp dụng được thiết kế cho các con từ 4 tuổi. Nhà mình có ba con gái nên mình không thể có thời gian kèm cho từng bạn học cùng lúc, bởi vậy mình tìm đến giải pháp và công cụ giúp con tự học là chính.

Ngoài việc cho con khám phá thiên nhiên và trải nghiệm thật nhiều trong cuộc sống cùng cha mẹ, mình cũng cho con xem những bản nhạc nổi tiếng thế giới và cảm thụ nghệ thuật qua các vở kịch, vẽ tranh, làm quen với một số nhạc cụ như piano, ghita. Trước 6 tuổi mình không ép con học chữ, làm toán, vẽ tranh, tập đàn kiểu kĩ thuật.

Trong thời gian homeschool từ sớm, mình thường xuyên cho con đi giao lưu với các nhóm bạn có cùng sở thích như học tiếng Anh và nghệ thuật. 

Chồng chị phản ứng ra sao trước quyết định dạy các con tại nhà của vợ?

Chồng mình rất ủng hộ vì anh ấy cũng làm về lĩnh vực quản trị và đào tạo nên đã giúp đỡ mình rất nhiều trong việc định hướng, dẫn dắt con cái tự giác làm việc và học tập. Anh ấy là con người của cộng đồng nên đã hướng các con tham gia nhiều hoạt động xã hội lắm.

Giờ học ở nhà của các con chị hàng ngày diễn ra như thế nào?

Do chương trình homeschool Abeka của Mỹ được thiết kế hoàn toàn bằng tiếng Anh và có rất nhiều hoạt động cho các con, họ đã soạn sẵn giáo án nên mình áp dụng theo khung của họ luôn. 

Hôm  nào các con cũng được chơi ngoài trời ít nhất 1 tiếng và nghe một câu truyện về nhân cách trong Kinh Thánh của người Do Thái bằng tiếng Anh. Nhiệm vụ của các cha mẹ và giáo viên mà các mẹ mời đến dạy các con là tạo ra sự tò mò để các con tự làm học cụ liên quan đến bài học, tự khám phá, trải nghiệm và thuyết trình lại điều mình đã học. Học theo cách tiếp cận nội dung của Mỹ hay Do Thái đều không hề "nhồi sọ" kiến thức mà thực hành rất nhiều nên các con nhớ bài học một cách vui vẻ.

Chương trình các con học có toán logic, có khoa học và địa lý - lịch sử - xã hội, có cảm âm và phát triển ngôn ngữ…  nói chung là dựa trên khung chương trình của các trường ở Mỹ. Nếu học hết Grade 1 của họ thì con có thể nghe hiểu rất nhiều lĩnh vực xoay quanh đời sống bằng tiếng Anh và đọc các văn bản bằng tiếng Anh thành thạo với ngữ điệu chuẩn. Các con vừa học vừa làm việc nhà nên phát triển kĩ năng phục vụ bản thân và gia đình rất tốt. 

Dạy con tại nhà
Các con học ở nhà được thực hành rất nhiều nên luôn học một cách rất vui vẻ.

Chị có sợ rằng các học ở nhà bé sẽ thiếu các kĩ năng xã hội khác mà các bạn cùng trang lứa học được ở trường không?

Nhiều ý kiến cho rằng trẻ học tại nhà thường gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng. Thực tế, homeschool không phải vì con đặc biệt hay do con không theo được chương trình học ở trường, chỉ là bố mẹ và con có mục tiêu khác với trường học nên mới tổ chức một hình thức họp khác cho phù hợp.

Các bé nhà mình dù áp dụng homeschool nhưng đều được tham gia hoạt động cộng đồng theo nhóm vào mỗi sáng chủ nhật để con tự tin hơn trong giao tiếp. Mình cũng tích cực tìm kiếm những nơi phù hợp để con có môi trường giao tiếp xã hội nhiều hơn. 

Ngoài ra mình cũng chủ động trao cho con quyền tự giải quyết khó khăn, xung đột trong cuộc sống, tự bảo vệ bản thân nơi công cộng từ trong gia đình đến những nhóm nhỏ. Vì vậy, mình hoàn toàn yên tâm về các kĩ năng xã hội cũng như khả năng hòa nhập cộng đồng của các con. Bé thứ 2 khi vừa vào lớp 1 được một tháng, cô chủ nhiệm nhận xét cháu hòa nhập rất tốt, tự giác và rất kỉ luật. Cô rất nhàn khi hướng dẫn cho bạn ấy.

Chị đánh giá thế nào về các bé nhà mình so với các bạn cùng tuổi?

Mình cảm thấy rất vui vì có thời gian gần gũi con nhiều nên các con đều phát triển thể chất và tình cảm lành mạnh, có ý thức, sự tự lập và nề nếp. Con gái lớn nhà mình biết rửa bát và dọn dẹp bếp thành thạo sau bữa tối từ năm học lớp 3. Bé thứ hai hiện 6 tuổi nhưng đã biết vạch ra những mục tiêu và lên kế hoạch thực hiện các mục tiêu từ nhỏ. Bé cũng có thể đọc tiếng Anh trôi chảy với ngữ điệu rất chuẩn. Cháu vào lớp 1 đã có khả năng tự học và mình không cần phải kèm cặp gì cả. Các con đều biết tự lo việc của mình. Về trí tuệ thì nhận thức khá nhanh và về năng khiếu thì cô giáo nhận xét con cảm âm rất tốt. Nên mình thấy ít nhiều cách giáo dục này đã góp phần phát triển tố chất cho con.

Từ trải nghiệm bản thân chị thấy dạy con tại nhà gặp những khó khăn gì?

Với những gia đình bố mẹ làm công chức Nhà nước thì sẽ rất khó áp dụng homeschool cho các con vì phụ thuộc thời gian, các gia đình làm việc tự do sẽ dễ thực hiện hơn. 

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất đối với các gia đình theo đuổi phương pháp này đó là xây dựng cộng đồng cho con giao lưu, kết bạn, kết hợp với việc phát triển thể chất, năng khiếu cho các con. 

Mình có một nhóm các cha mẹ hỗ trợ nhau trong việc homeschool nhưng vẫn chưa dám áp dụng hoàn toàn khi con vào lớp một mà chỉ áp dụng một phần để bù đắp những thứ không có ở trường học. Các mẹ trong nhóm thường chia nhau nghiên cứu tài liệu, cùng nhau học hỏi, giám sát việc học của các con. Mẹ nào làm sư phạm thì chịu trách nhiệm nhiều hơn, có mẹ giỏi thủ công, có mẹ lại giỏi các trò chơi, hoạt động dã ngoại… nên thường chia nhóm để giúp đỡ các con hết tâm huyết của mình. Thời gian còn lại các mẹ tìm kiếm những nơi rộng lớn hơn cho các con giao lưu trong cộng đồng để tập các con thích nghi với áp lực cao hơn. 

Dạy con tại nhà
Các bé được trải nghiệm rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo chị, điều gì là quan trọng nhất trong chăm sóc và nuôi dạy con? Chị mong muốn các con lớn lên sẽ trở thành người như thế nào?

Theo mình dù học theo phương pháp nào thì điều quan trọng hơn cả vẫn là giúp con hình thành nhân cách và dạy con biết yêu thương. Mình không kỳ vọng con lớn lên sẽ thành thiên tài này nọ, mình chỉ có một mong ước lớn lao là con được hạnh phúc, biết phục vụ chân thành và biết cống hiến, càng giúp được nhiều người càng hạnh phúc.

Dành bao nhiêu năm qua để dạy con ở nhà, chắc hẳn chị đã phải hy sinh rất nhiều?

Những thứ mình phải bỏ ra chẳng thể tính được bằng tiền. Mình đã lặn lội sang nước ngoài tham dự các buổi hội thảo về giáo dục, mua rất nhiều sách của các chuyên gia tâm lý giáo dục, tự học nghiêm túc hàng ngày và bỏ thời gian nghiên cứu nhiều hơn rất nhiều so với thời học Đại học sư phạm ngoại ngữ. Mình thấy cái mình nhận được nhiều nhất là con người mình thay đổi, dạy con là dạy chính mình nên không thể gọi là “hy sinh”. Đó là sự đầu tư quan trọng nhất cuộc đời – đầu tư vào sự phát triển của con người.

Dạy con tại nhà
Chị  Keziah Hương quan niệm dù dạy con theo phương pháp nào thì điều quan trọng hơn cả vẫn là giúp con hình thành nhân cách và dạy con biết yêu thương.

Được biết chị đang quản lý một group “Homeschooling in Vietnam” trên mạng xã hội và ngày càng có nhiều mẹ muốn học hỏi cách học tiếng Anh cho trẻ em hiệu quả mà không tốn kém theo phương pháp homeschool của Mỹ. Chị có lời khuyên nào với các bố mẹ muốn áp dụng homeschool cho con?

Có mấy vấn đề mà các bậc phụ huynh phải lưu ý nếu quan tâm tới mô hình giáo dục này, đó là:

- Phải xác định rõ mục tiêu và mong ước khi chọn phương án homeschool cho con và cũng nên lượng sức xem mình có đủ tâm huyết và thời gian để nâng cấp chuyên môn thì mới có thể giúp con được. 

- Cha mẹ là người hiểu con hơn hết nên nếu để ý quan sát con, tìm tòi học hỏi những kiến thức liên quan đến con thì cha mẹ hoàn toàn có thể chọn được những chương trình phù hợp để con phát triển tốt nhất.

- Tận dụng môi trường thực tế để sáng tạo ra những bài học thực tiễn giúp con xây dựng thói quen tốt.

- Nên tích cực tham khảo kinh nghiệm homeschool của những gia đình đã từng áp dụng thành công trên thế giới.

- Cũng không nhất thiết phải homeschool hoàn toàn, hiện nay nhiều cha mẹ đến với phương pháp homeschool của Mỹ chủ yếuđể bù đắp vấn đề nhận thức theo cách tiếp cận mới trong giáo dục và khả năng tiếng Anh của các con ở trường học mà họ thấy không hiệu quả lại tốn kém.

- Xây dựng mối liên hệ tình cảm tốt với con giúp con phát triển toàn diện.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa. Chúc gia đình chị luôn hạnh phúc, các bé ngoan ngoãn, học tập tốt!
Chia sẻ