Chị em sau sinh "lúc nhớ khi quên" là do "teo não" trong thời kỳ mang thai: Có bằng chứng khoa học rõ ràng!
Não của một người mang thai sẽ "teo" lại và mất khoảng 6 tháng sau sinh để trở lại kích thước như cũ.
Não giảm thể tích vào thời kì mang thai (cụ thể: chất xám) có thể kéo dài đến 2 năm sau sinh. Kết luận này có trong nghiên cứu "Pregnancy leads to long-lasting changes in human brain structure" được tạp chí khoa học uy tín Nature Neuroscience đưa ra.
Chất xám và suy giảm chất này có ảnh hưởng đến sản phụ sau sinh thế nào?
Trong nghiên cứu này, nhà khoa học Hà Lan Elseline Hoekzema và nhà tâm lý học Tây Ban Nha Erika Barba-Muller cho rằng hiện tượng suy giảm trí nhớ ở phụ nữ sau mang thai có liên hệ với hiện tượng "cắt bỏ liên kết não bộ" thường xảy ra với con người ở độ tuổi lên ba và thời kỳ thanh niên.
Theo nghiên cứu, ở phụ nữ mang thai, sự sụt giảm chất xám có khả năng giúp phụ nữ cải thiện năng lực cảm nhận suy nghĩ của người khác, rất hữu ích cho việc dự đoán và hiểu nhu cầu của trẻ sơ sinh. Nghiên cứu này phần nào giải thích hiện tượng não bộ của phụ nữ bị teo lại sau thời gian mang thai.
Các nhà khoa học đã quét não bộ của 25 phụ nữ sắp làm mẹ cùng 19 đối tác nam giới. Nhóm người này được chụp não trở lại khi quá trình mang thai kết thúc. Nhóm đối chứng gồm 20 phụ nữ chưa từng sinh con và 17 đối tác nam giới.
Các nhà khoa học không thu được bằng chứng về sự giảm sút ý thức ở những phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, sau sinh, họ biểu hiện kém hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ miệng. Hai năm sau, các nhà khoa học tiếp tục chụp não các bà mẹ chưa mang thai trở lại (11 người), phát hiện lượng giảm đi vẫn chưa phục hồi, ngoại trừ ở hồi hải mã ở não trước, vùng não có liên hệ với trí nhớ.
Những phụ nữ có bộ não thay đổi nhiều hơn dường như là những người có mối quan hệ khăng khít hơn với con cái.
Chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả cuốn sách "Làm mẹ không áp lực" cũng chỉ ra rằng: "Ts.Bs. Chandler, ĐH Nevada, Mỹ đã tiết lộ rằng: có mối liên hệ của sự gia tăng tiết hormone sinh dục estrogen trong kì 3 thai kì và sự mất trí nhớ tạm thời sau sinh, đặc biệt việc gặp khó khăn trong vấn đề quên từ, quên hành động, vật thể. Hormone này liên quan đến chức năng của tế bào thần kinh nằm trên HypothaLamus (não bộ) thông qua hoạt động các thụ thể của hormone estrogen. Các vấn đề hormone có thể sẽ được điều hòa ổn định sau sinh, nhưng cần thời gian.
Báo cáo của Gs.Bs. Matthew, BV Quốc gia Neurology and Neurosurgery, Anh Quốc đã nhấn mạnh: Thông thường nếu các bà mẹ sau sinh không gặp quá nhiều áp lực thì hormone sẽ trở lại bình thường và ít gặp nhiều vấn đề về trí nhớ, thường ở các bà mẹ có kinh nghiệm. Nhưng các bà mẹ trẻ thường có rất nhiều stress, thức khuya, ăn uống thất thường, sự thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc bé nên nhiều áp lực, thiếu sự cảm thông và chia sẻ của chồng.
Tất cả những nhân tố này làm tình trạng mất trí nhớ trở nên tồi tệ, tổn thương đến nhiều tế bào và chức năng não, nếu tổn thương nghiêm trọng đến chức năng nhận thức, họ có xu hướng trầm cảm, mệt mỏi, và việc chăm sóc bé trở nên không còn sáng suốt, các bé có mẹ quá nhiều áp lực thì tỷ lệ trầm cảm của các bé cũng gia tăng khi bé ở độ tuổi lớn hơn".
Lời khuyên cho người mẹ sau sinh
1. Giảm stress tối đa
- Dành thời gian đọc sách về chăm sóc con để hiểu hơn về cân nặng của bé, các bệnh thường gặp, các vấn đề dinh dưỡng...
- Lưu một số điện thoại của 1 chuyên gia về dinh dưỡng nhi để tư vấn khi có vấn đề. Đa phần không có vấn đề gì về bé khi bé ăn bú tốt, tăng trưởng bình thường. Việc đổ mồ hôi, rụng tóc, mọc răng là thông thường ở các bé dưới 1 tuổi.
- Học cách để bé tự lập khi vừa mới sinh ra, hãy cho bé thời gian để khóc, tự điều chỉnh hành vi, đừng quá áp lực và lo lắng khi nghe bé khóc. Chỉ lưu ý, nếu bé khóc quá nhiều, bỏ ăn bỏ bú, kèm sốt, mệt mỏi thì tư vấn chuyên gia sức khỏe ngay. Thông thường khóc là cách bé giao tiếp, bé cần yêu thương, không phải lúc nào khóc cũng là 1 vấn đề.
- Khi bé bước vào tuổi ăn dặm, phương pháp ăn dặm nào không quan trọng, điều quan trọng nên hiểu là: các bé dưới 1 tuổi là ăn theo nhu cầu của bé, không phải theo nhu cầu của mẹ. Hiểu về luật mama, baby, nguyên tắc chung là giới thiệu từng món một, từ ít đến nhiều, nên bắt đầu với cháo xay nhuyễn khi bắt đầu ăn dặm, không muối đường, nước mắm, ăn đúng lượng bé cần, ngồi trên ghế ăn. Làm tốt tất cả các điều này là bé không biếng ăn.
- Thường xuyên nói chuyện và chia sẻ công việc với chồng. Tôi nghĩ các ông bố cũng rất muốn chăm sóc con, nhưng có điều là họ không biết làm gì thôi, hãy chỉ họ cách làm và bé sẽ lớn mà không gặp nhiều vấn đề khi được cả cha mẹ cùng chăm sóc.
2. Phân bố chế độ dinh dưỡng
- Nguồn chất đạm nên chú ý: cá, thịt gà, đậu, thịt bò. Duy trì đủ 3 bữa/ngày, uống nhiều nước.
- Rau lá xanh giàu vitamin B6 và folate. Ít nhất 2 bữa súp (4 loại củ)/tuần.
- Một số thực phẩm có thể có lợi cho trí nhớ: Chất béo Omega; Hầu hết mọi loại trái cây; Gia vị như hành, tỏi, gừng; Các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt bí…
- Các loại thực phẩm cần tránh: Tránh chất béo bão hòa; Chất béo chuyển hóa từ thức ăn sẵn; các loại nước ngọt có ga hay không có ga.
3. Cho bé bú mẹ
Thường xuyên cho bé bú mẹ sẽ giúp bạn giảm stress vì mối liên hệ và tương tác da kề da là liệu pháp giúp cải thiện trí nhớ đã được báo cáo bởi Bs. Michelle.
Ngoài ra, phụ nữ sau sinh cũng cần và sớm:
- Tái lập lại mục đích của cuộc sống sau sinh.
- Thiết lập lại các mối quan hệ bạn bè và kết nối lại xã hội như trước sinh (Ví dụ: điện thoại trò chuyện với bạn bè/người thân).
- Thiết lập những mục tiêu và nhiệm vụ mới.
- Duy trì chế độ luyện tập thể dục sau sinh để có thể chất và tinh thần thoải mái.