Chị em mặc áo yếm phô trọn lưng trần ra phố: Có đáng để bị quay lén và bêu riếu?
Chỉ từ cái áo yếm, một vấn đề nóng hổi lại được đặt ra: tại sao các chị em lại bị kiểm soát quyền mặc thứ gì ra phố bởi những người đàn ông xa lạ?
Để nói về nội y, trần đời này có hai món được ngợi ca biểu tượng đặc sắc nhất: corset của Tây phương và áo yếm của Á Đông. Chúng đều khởi điểm là thứ đồ mặc lót bên trong xiêm y phái đẹp, dần dà trở thành thứ thước đo: từ sự kín đáo e ấp cho tới phân chia giai cấp, lắm khi bao gồm cả chuẩn mực tiết hạnh. Tuy nhiên, so với chiếc corset như một dạng "gông xiềng" của phụ nữ phong kiến phương tây thì chiếc áo yếm phương đông có phần giản đơn, thoáng mát, thậm chí là... phong lưu hơn.
Và câu hỏi là: Liệu áo yếm đã thoát mác nội y vốn đeo bám từ trăm năm trước, sẵn sàng đi vào thường nhật cùng phụ nữ Việt Nam mỗi khi sải bước xuống phố hay chưa?
ÁO YẾM là ÁO YẾM. NỘI Y là NỘI Y.
Kỳ thực thì chiếc corset đã được giải phóng khỏi tầng tầng lớp lớp vải vóc cùng những chiếc tùng váy xòe to như lồng bàn từ rất lâu. Chị em ngày nay mặc corset ra đường ầm ầm, từ tây cho tới ta, chả ai bảo họ là lông nhông phản cảm trừ khi những phần cơ thể ý nhị nhất bị phô trương trắng trợn. Sàn diễn thời trang năm châu bốn bể mùa nào cũng có trăm mẫu corset mới mẻ, nữ quyền còn đang được kêu gọi tứ phương, vậy tội gì mà không mặc???
Tương tự như người bạn xa xôi, chiếc áo yếm giờ đây cũng chẳng thiết tha ghép đôi cùng mớ ba mớ bảy mới phải phép. Lượng vải để đẻ ra một cái áo yếm cũng không nhiều, xưa kia chỉ cần một khổ rộng 30-40cm là đủ, ngày nay sáng tạo thêm nhiều chi tiết nên cầu kỳ và tốn kém hơn một chút. Nhưng điểm chung của yếm thời nào cũng như nhau: giấu tiệt cả bầu ngực đi, khoe ra chút vòng bụng là cùng, phần lớn khoảng hở nằm ở phần lưng của chị em. Và nếu khoảng hở này khiến nhiều người xốn mắt thì thật sai trái quá!
Bởi các chuyên gia đã chỉ rõ, áo yếm được khai sinh để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Phái đẹp Việt nói riêng lẫn Á Đông nói chung vốn xa rời trường phái phồn thực, chỉ dám coi tấm lưng như cái duyên đặc trưng của tính nữ: vừa thơ ngây e ấp vừa mặn mòi quyến rũ, lại hội tụ đầy đủ bao đức hạnh của một người vợ, người mẹ.
Hình ảnh phụ nữ nước ta mang chiếc yếm vào thi ca - hội họa cũng rất nhiều, nhắc lại cũng bằng thừa, cốt chỉ muốn nói rằng thời nay có cô nào mặc yếm khoe lưng cũng là thường - không có gì trái với logic từ xửa xưa.
Và quan trọng hơn cả, áo yếm đâu còn là ĐỒ LÓT? Món đồ này đã vượt qua thời phong kiến, bỏ lại phía sau áo tứ thân và váy đụp chỉ để tạo nên sức sống riêng trong thời đại mới - đó là một sự "tiến hóa" mà không phải món thời trang nào cũng có cơ may. Cốt lõi của chiếc áo yếm vẫn y nguyên: che chỗ cần che, khoe chỗ cần khoe, lại quá đỗi sảng khoái khi được mặc trong những ngày nóng ngốt.
Thế nên áo yếm có ra phố cùng quần bò hay mini-juyp cũng là cái thú của thời hiện đại, chỉ cần tinh ý đến cặp "nhũ hoa" nép hờ sau lớp yếm mỏng là được. Suy cho cùng thì áo yếm không phải nội y, nếu không nói là việc chọn nội y phù hợp với áo yếm mới là điều đáng lưu tâm.
Mặc áo yếm ra phố có đáng để bị các anh quay lén và bêu riếu?
Thật lạ kỳ khi vài trăm năm trước chả ai bêu riếu áo yếm thì cớ sao đến năm 2022 này, chiếc áo nhỏ xinh vẫn khiến cánh đàn ông lăn tăn đến thế. Chuyện là mới đây có một cô gái Hà thành bị người đàn ông xa lạ quay lén cả một quãng đường, đăng tải kèm theo chất vấn: "Không hiểu vì sao nhiều ông lại để người yêu mặc thế này ra đường được?". Để trả lời chất vấn này thì có bốn điều cần lưu ý:
Trước hết, chiếc áo yếm này tuy có thiết kế khá táo bạo sau lưng nhưng kỳ thực mặt trước khá kín. Sự khiêu khích đến từ chi tiết dây đan chéo thay vì vòng 1 hay vòng 3 - những "vùng cấm địa" thật sự. Có thể nói thì xét về lý, phản cảm hay không phụ thuộc vào "trí tưởng tượng" của người nhìn.
Điều tiếp theo, tại sao một đại diện của phái đẹp lại phải được người yêu - bạn trai - hay thậm chí là chồng "cho phép" mình được mặc gì? Ăn mặc là sở thích cá nhân, được ứng dụng để làm thỏa mãn cái tôi của mỗi người. Khi phải xin phép để được mặc gì không khác nào bị tước đoạt đi cái tôi của bản thân - điều đáng sợ nhất trong cuộc sống này.
Có nhiều ý kiến cho rằng trang phục đẹp khi được mặc đúng hoàn cảnh, điều này có lý. Tuy nhiên không rõ hoàn cảnh cụ thể ở đây là gì ngoại trừ việc dạo phố. Nếu đây là trang phục hiện diện ở những nơi đòi hỏi sự nghiêm túc, kính cẩn thì đúng là cần lên án. Khổ nỗi hiện thực lại không chứng tỏ điều đó.
Cuối cùng là hành vi quay lén và bêu riếu - không có gì để bàn cãi về cái sai này. Khi đàn ông tự cho mình quyền phán xét phụ nữ thông qua những gì cô ấy mặc thì đây là biểu hiện rõ rệt nhất của sự nam tính độc hại. "Her body, Her choice" (tạm dịch: "Cơ thể của nàng, lựa chọn của nàng") là slogan đã phổ biến toàn cầu trong nhiều thập kỷ đổ lại đây. Đã đến lúc gạt bỏ những quan niệm khuôn mẫu về người phụ nữ!
Và tốt nhất: Không phải việc của mình xin đừng phán xét!
Việc nam giới nói riêng hay người lạ nói chung áp đặt lên quyền ăn mặc của cánh chị em vẫn là tiêu điểm nóng hổi của công cuộc đấu tranh nữ quyền. Và trong đó, chiếc áo yếm chỉ là một đại diện nhỏ bé giữa vô số gạch đầu dòng mà phụ nữ vẫn đang đấu tranh cho bản thân mình.
Vậy nên ứng xử sao cho phải phép với những chiếc áo yếm dễ gây tranh cãi trong đời thường? Trước hết, đừng quay lén hay mang một cô gái ra làm bia đạn của dư luận. Nếu bạn không thích, hãy làm ngơ và nhớ rằng: Cô ấy lựa chọn thứ đang mặc không phải để chiều lòng một người dưng như bạn.
Nếu chiếc áo của cô ấy thật sự "có vấn đề", sẽ luôn có những người gần gũi - có trách nhiệm với cô ấy góp ý thiết thực chứ không đến lượt bạn. Chỉ lên tiếng chừng mực khi trang phục đi kèm với những động thái khiếm nhã, gây tác động tiêu cực đến mọi người xung quanh. Đó là thái độ tôn trọng tối thiểu để chúng ta dành cho một người không-ảnh-hưởng-gì-tới-mình giữa cuộc sống bộn bề này.