Chị chồng khéo léo nấu cơm cữ vừa ngon vừa đủ dinh dưỡng cho em dâu
Nhìn thực đơn trong thời gian ở cữ của bà bầu, ai nấy đều tấm tắc vì cô có người chị chồng khéo tay.
Sau khi sinh con, người mẹ rất cần thời gian để hồi phục về cả sức khỏe lẫn tinh thần, đặc biệt thực đơn dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu được ăn uống đủ chất và ngon miệng sẽ giúp bà đẻ khỏe mạnh hơn. Hiểu rất rõ điều này, chị Lê Thị Ngọc Trân (42 tuổi, sống tại TP HCM) đã tự tay vào bếp nấu nướng cho em dâu những món ăn cực kỳ ngon miệng.
Chị Trân chia sẻ các bữa ăn thường được nấu trong 30 phút, trong đó rau nhà trồng được nên không mất thời gian ngâm rửa quá nhiều, đồ ăn cho mẹ sau sinh ít gia vị nên chị cũng không chế biến cầu kỳ, tuy nhiên phải đảm bảo độ tươi ngon.
"Bản thân mình là đầu bếp, từng đảm nhận dạy nấu ăn trên sóng truyền hình. Mỗi bữa ăn của em dâu mình đều hỏi ý kiến em thích ăn gì trước khi đi chợ ra món và đưa ra một số lời khuyên rút kết từ kinh nghiệm bản thân (mình đã có 2 bé 12 tuổi và 17 tuổi). Ví dụ như sinh mổ thì không nên ăn rau muống và nước tương sẽ làm sẹo lồi và thâm, còn ngoài ra không kiêng cữ gì cả, kiêng cữ quá không đủ chất cơ thể mệt mỏi dễ sinh stress sau sinh (bản thân mình từng bị stress sau sinh do kiêng cữ bé đầu tiên quá nhiều", chị Trân chia sẻ.
Mâm cơm cữ ngon lành của chị Trân làm.
Nhìn những thực đơn chị Trân nấu cho em dâu, ai nấy đều trầm trồ vì các bữa ăn đầy màu sắc, trông rất ngon miệng mà lại đầy đủ dinh dưỡng, đủ khẩu phần cho bà đẻ hồi phục sau sinh. Với chị Trân, những mâm cơm này luôn là kỷ niệm hạnh phúc của hai chị em.
Nói thêm về các bữa cơm cữ này, chị Trân cho biết thực đơn cho bà bầu đa số không có dầu mỡ, nêm nếm nhạt, ăn uống theo khoa học và hạn chế kiêng cữ. Một số món không nên ăn là rau muống, đồ chua, nhiều gia vị và nước tương thì chị sẽ không đưa vào thực đơn cho bà đẻ. Thêm vào đó, cần chú trọng sở thích và các triệu chứng của mẹ bỉm, ví dụ như em dâu chị Trân gặp thêm vấn đề bị táo bón thì nên ăn nhiều rau, ít cơm, nhiều canh và luôn có trái cây tráng miệng.
Các bữa ăn màu sắc và đầy đủ dinh dưỡng.
Em dâu chị Trân cũng rất thích và háo hức với các bữa ăn chị chồng chuẩn bị, lần nào cũng ăn rất ngon và sạch sẽ. Cũng vì vậy mà chị Trân có thêm động lực, bận thế nào cũng cố chăm cho em được ăn đầy đủ chất, em bé phát triển khỏe mạnh.
"Mình luôn yêu thương em và coi cháu gái như đứa con gái ruột của mình. Em đã làm dâu 4 năm nhưng tình cảm chị em chưa bao giờ sứt mẻ, không có bất kỳ mâu thuẫn nào. Em dâu mình là con gái Hà Nội chính hiệu, trong lần đi công tác duyên số đưa đẩy gặp em trai mình sinh ra trong gia đình Sài Gòn gốc. Sau khi cưới, em chuyển vào Nam sống cùng gia đình mình và tới nay em đã hoà nhập với lối sống gia đình thật nhanh và thậm chí rất tâm đầu ý hợp hòa thuận với tất cả mọi người", chị Trân tâm sự thêm.
Vì là đầu bếp và cũng là mẹ 2 con nên chị Trân có nhiều kinh nghiệm trong việc nấu nướng.
Quả thực, ai cũng khen ngợi khả năng nấu nướng của chị Trân và thầm ngưỡng mộ tình cảm mà chị dành cho em dâu của mình. Trong quá trình mang thai cũng như sinh nở, các mẹ đã mất khá nhiều năng lượng cho những hoạt động như: cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, sản xuất sữa non trong những tháng cuối của thai kỳ và tiết sữa để nuôi con ngay sau khi sinh, mất máu khi sinh... Do đó, nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng của các mẹ đang nuôi con bú là rất cao, thậm chí còn cao hơn so với thời kỳ thai nghén. Thế nên, việc được chăm sóc như vậy không chỉ đảm bảo sức khỏe mà còn giúp mẹ bỉm cảm thấy hạnh phúc, giảm stress sau sinh.
Chị Trân (đứng bên trái bế em bé) và em dâu cùng gia đình.