Cháu gầy trơ xương vì bà lo... tiết kiệm

Thanh Hằng,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Dù sữa ngoại đắt tiền, đồ ăn tươi sống như cá hồi, hoa quả nhập khẩu được gửi về thường xuyên nhưng anh chị vẫn buồn rười rượi vì Xu mãi chẳng chịu lớn.

Tưởng con sinh ra... đã yếu

Sau vài tháng ở cữ, chị Trúc (Mỹ Đình, Hà Nội) phải trở lại với công việc. Chị mừng húm khi mẹ chồng đồng ý từ quê lên chăm cháu cho các con yên tâm công tác. 

Vợ chồng chị đều làm ở hàng không nên kinh tế khá dư dả, anh chị còn thuê thêm 1 người giúp việc để còn phụ giúp bà việc cơm nước, chăm sóc con. 

Thế nhưng, chẳng cô giúp việc nào trụ được ở nhà chị quá 2 ngày. Lúc thì bà bảo “con bé đó trẻ quá”, lúc thì “bà kia già rồi, đi còn chậm nói gì đến giúp mẹ”, ai bà cũng ý kiến không đồng ý. 

Bà cứ vỗ vai các con và khẳng định: “Cứ để mẹ, mẹ nuôi cả 3 thằng con đều ngon lành, ra trò nữa là một thằng cháu”. 

Đi công tác liên miên, chị chỉ còn biết trông cậy vào một mình mẹ. Cứ vài ba hôm, anh chị lại về nhà chơi với Xu một lần. "Nghĩ cũng thương con, bé xíu đã phải xa mẹ nhưng nếu bây giờ ở nhà thì sau này lấy tiền đâu ra mà chăm con", chị tâm sự.

Dù sữa ngoại đắt tiền, đồ ăn tươi sống như cá hồi, hoa quả nhập khẩu được gửi về thường xuyên nhưng anh chị buồn rười rượi vì Xu mãi chẳng chịu lớn, chẳng béo tròn như những đứa con nhà đám bạn. 

Cháu gầy trơ xương vì bà lo... tiết kiệm 1
 Dù sữa ngoại đắt tiền, đồ ăn tươi sống như cá hồi, hoa quả nhập khẩu được gửi về thường xuyên nhưng Xu mãi chẳng chịu lớn (Ảnh minh họa)

Bé lúc nào cũng xanh xao, gầy yếu. Thời tiết hơi thay đổi, bé lại ho hắng, chảy nước mũi, ốm yếu. Chị Trúc buồn vô cùng. 

Được một người bạn khuyên nhủ, chị đưa Xu đi khám dinh dưỡng, tại đây, bác sĩ khẳng định bé bị suy dinh dưỡng nặng, Xu 1 tuổi nhưng chỉ cao và nặng như một em bé 7 tháng tuổi. 

Chị chẳng biết phải làm gì ngoài xót xa và liên tục tìm kiếm thông tin về sữa tăng cân cho con, chị tự nhủ chắc do con sinh ra đã mang một sức khỏe yếu. Mãi tới một ngày được nghỉ phép, chị ở nhà chứng kiến công đoạn làm cháo ăn dặm cho cháu của bà, chị mới tá hỏa. 

Cháu suy dinh dưỡng vì bà tiết kiệm

Cháo bà làm cho Xu đầy đủ các chất như gạo pha nếp, tẻ; thịt, cá; rau... tuy nhiên chất thì đủ nhưng lượng lại quá ít. 3 bữa cháo mà bà chỉ lấy một nhúm cá hồi bé bằng hai đầu ngón tay để nấu cho cháu. Nhìn nồi cháo loãng choèn choẹt mà chị đắng cả lòng. 

Chị kiểm tra tủ lạnh thì bao nhiêu chai dầu thực vật omega, sữa chua, váng sữa tốt cho sự phát triển của con vẫn nằm nguyên đai nguyên kiện ngay ngắn trong tủ lạnh. Chị thắc mắc thì bà còn khuyên chị đem bán lấy tiền cho đỡ tốn kém và bảo thêm:”Ăn dầu mỡ tốt lành gì hả con, chỉ tổ béo ú thôi”.

Hóa ra, bé suy dinh dưỡng là do bà tiết kiệm. Chị nghẹn ngào: “Chất béo thực vật, sữa chua vô cùng tốt cho con, cho sự phát triển của não bộ và cơ thể đang phát triển của con, vậy mà bà lại…”.

Để chắc chắn cho sự nghi ngờ của mình, hôm sau chị Trúc cũng ở nhà, chị hoang mang và xót xa khi hôm đó thấy bà ngại nấu cháo hay tiết kiệm thì không rõ, bà không nấu cháo mà chạy ra đầu ngõ mua cháo dinh dưỡng cho Xu ăn. 

Sự việc dừng lại ở đó sẽ dễ chấp nhận hơn nếu bà không pha thêm cả lít nước để cháo loãng hơn cho Xu ăn được nhiều bữa một ngày. Nhìn con ăn khó khăn, chị trách mình vô cùng. 

“Có phải mình tiết kiệm đồ ăn, tiền bạc đưa cho bà đâu mà bà lại làm như thế. Hóa ra đây chính là nguyên nhân khiến Xu bị suy dinh dưỡng”, chị than thở. 

Để ý kỹ hơn, chị còn thấy bà tiết kiệm pha sữa cho cháu. Bình thường một bữa Xu ăn được một bình gồm 5 thìa sữa và 150ml nước. Chị khóc thét khi chứng kiến bà thản nhiên lấy 2 thìa sữa và một cốc nước tú hụ lắc lấy lắc để cho cháu uống.

Chị nhớ lại, thảo nào trước đây, cứ khi nào anh chị về nhà thì bà lại chạy ra bảo: “thôi, từ rày về sau đừng phung phí tiền nữa, Xu bé thế này thì ăn nhiều làm sao tiêu hóa được”. 

Chị Tú (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Cứ khi nào chị đi công tác vài tuần là y như rằng bé Bon hết ốm đến giảm cân. 

Vợ chồng chị sống riêng nhưng cứ khi nào chị phải đi công tác xa nhà (có khóa học chị phải đi tu nghiệp đến 3 tháng) thì hai bố con anh lại chạy về nhà nội “lánh nạn”.

Chị biết anh cứ kể rằng: “Về đó cho mình đỡ phải làm, có bà phục vụ” nhưng bữa ăn nào có gì. 

Với chị, anh Trung - chồng chị thì lớn rồi, anh đói thì anh vẫn có thể ra ngoài ăn tạm cái gì nhưng Bon mà đói lại thêm cái tính khảnh ăn thì bé sẽ bị giảm cân phải biết. 

"Có lần mình đi công tác có 1 tuần mà về thấy con xanh xao, mệt mỏi, bắt nó nhảy lên cân thì hỡi ơi, tụt những 2 cân thịt. Mình nuôi lên thì nhích những vạch mà sao lại giảm nhanh như thế”, chị than thở.

Hỏi con, chị xót vô cùng khi biết bà suốt ngày mua bánh gio về cho con ăn thay cơm. Ăn ở nhà bà, có nghĩa là trường kỳ con sẽ được ăn đậu phụ, thi thoảng lắm mới có vài miếng thịt mỏng như tờ giấy polime điểm xuyết. “Ngày nào cũng bánh gio, bảo sao con không tụt cân cho được”, chị nói. 



Nhiều chị em rất mệt mỏi vì bà can thiệp quá sâu trong cách dạy con

Cháu gầy trơ xương vì bà lo... tiết kiệm 2
Chia sẻ