Chanel tăng giá ở xứ Hàn chỉ vì hai chữ 'công bằng'?
Quyết định tăng giá của Chanel đã dấy lên nhiều tranh cãi.
Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ lớn thứ 7 thế giới. Bên cạnh Trung Hoa đại lục, xứ Hàn là đất nước chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu hàng cao cấp vượt mức vào năm 2019. Bởi thế mà quốc gia này cũng đã "lọt mắt xanh" các thương hiệu thượng cấp, điển hình là Chanel.
Theo trang Korea Herald, Chanel mới có một quyết định khiến dân Hàn "đau ví". Cụ thể, hãng tăng giá của chiếc túi Chanel's Mini Flap Bag lên 7% (từ hơn 103 triệu đồng lên hơn 111 triệu đồng), còn mẫu Chanel's Classic Large Flap Bag tăng 6% (từ 249 triệu đồng lên gần 265 triệu đồng). Các phụ kiện của Chanel cũng tăng giá từ 7 đến 8% tùy vào mẫu mã.
Trong năm nay, Chanel đã liên tục tăng giá ở thị trường Hàn Quốc vào tháng 1, tháng 3 và tháng 8. Đại diện thương hiệu cho hay: "Chúng tôi đã áp dụng việc tăng giá tại các cửa hàng của mình theo chính sách giá của công ty trên toàn cầu bắt đầu vào năm 2015. Điều này để đảm bảo sự công bằng cho khách hàng và giảm chênh lệch tỷ giá giữa các khu vực".
Tuy nhiên, truyền thông xứ củ sâm lại không nghĩ như thế. Báo giới cho rằng giá bán sản phẩm Chanel ở quốc gia này quá cao so với những nơi khác. Ví dụ: Chiếc túi Chanel's Mini Flap Bag ở Hàn Quốc được bán ra với giá hơn 111 triệu đồng dù rằng tại Mỹ, nó có giá 104 triệu đồng. Thậm chí, thiết kế này chỉ được bán với giá chưa tới 100 triệu đồng tại Anh.
Sau những lần hãng tăng giá chóng mặt, nhiều khách hàng cam đoan sẽ không bỏ một xu mua hàng Chanel. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn bày tỏ sự không hài lòng về dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà tạo mốt. Một số cáo buộc cho rằng Chanel đã đầu cơ tích trữ các mặt hàng bán chạy, chờ đến khi giá tăng mới mang ra trưng bày.
Chanel đã không ít lần khiến giới tiêu dùng Hàn Quốc phật ý bởi các chính sách của mình. Hồi tháng 10/2021, Chanel đưa ra chính sách mỗi khách hàng chỉ có thể mua một túi nắp gập Timeless Classic và một túi xách Coco Handle mỗi năm.
Tới tháng 3/2022, khách hàng cần cung cấp số điện thoại và lý do vào cửa hàng để được sự cho phép mua sắm. Dẫu rằng đây là động thái nhằm ngăn chặn vấn nạn mua đi bán lại của các "cò túi", song Chanel vẫn không được lòng một bộ phận lớn các "thượng đế" xứ kim chi.