Chấm điểm y phục phim cổ trang Việt: Team Tấm Cám xứng đáng với cơn mưa lời khen, Trạng Quỳnh lẫn Kiều lại bị chê tơi tả
Tạo hình của phim cổ trang Việt vẫn luôn là một bài toán khó, liệu những bộ phim này có "giải đề" thành công?
Phượng Khấu
Ê-kíp Phượng Khấu đã nỗ lực trong việc phục dựng trang phục cung đình triều Nguyễn. Áo có độ dài quá gối, cổ áo cao. Hoạ tiết thường được thêu đối xứng hoặc chính giữa áo một cách cân đối. Màu sắc trang phục chia tông nóng - lạnh theo đúng tính cách nhân vật, được in ấn rực rỡ. Đặc biệt, việc phục dựng mẫu áo nhật bình là điểm cộng lớn của bộ phim. Về phần trang điểm, các diễn viên nữ được đánh mặt trắng bệch nhưng hồng ở 2 gò má, son môi tô đúng chính giữa cho giống phong thái thời xưa.
Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể
Trang phục trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể lấy cảm hứng từ các mẫu áo cổ xưa của dân tộc, nhưng được cách điệu theo chất giả tưởng thần thoại, không mang nặng tính lịch sử. Đội thiết kế áp dụng một số kỹ thuật cổ truyền như thêu chỉ, thêu ruy băng. Màu sắc, họa tiết trên trang phục được làm mới, bắt mắt và rực rỡ, phù hợp với thị hiếu hiện đại. Một số chất liệu mang tính xu thế được dùng trong phim có thể kể đến như vải tweed, ren, lụa organza, nhìn chung khá bắt mắt và có thể coi đây là một trong những phim cổ trang Việt có y phục đẹp nhất.
Mỹ Nhân Kế
Mỗi nhân vật trong Mỹ Nhân Kế có màu sắc trang phục riêng biệt để thể hiện tính cách, đây là 1 điểm khá thú vị. Với Thanh Hằng, đó là sắc đỏ rực rỡ, phác họa hình tượng một vị thủ lĩnh quyền lực nhưng cũng đầy mê hoặc. Với Tăng Thanh Hà, đó là sắc trắng, diễn tả trọn vẹn nét thanh khiết, dịu dàng, sáng trong. Trang phục của Diễm My 9x có tông vàng - xanh vô cùng nhã nhặn, mát mắt. Điệu đà nhất phải kể đến Ngọc Quyên trong sắc áo hồng.
Thiên Mệnh Anh Hùng
2 nhân vật nữ trong Thiên Mệnh Anh Hùng đều có tạo hình tương đối ấn tượng. Vào vai một nữ kiếm thủ, trang phục chủ đạo của Midu là bộ tứ thân trắng nền nã, giản dị, với chiếc yếm lấp ló thu hút sự chú ý của khán giả. Đảm trách vai Tuyên Từ Thái hậu, Vân Trang khoác lên mình những bộ hoàng bào rực rỡ, cổ cao, ống tay rộng, thêu họa tiết cầu kỳ, toát lên vẻ quyền uy. Tuy nhiên, thiết kế này vấp phải chỉ trích do có nét tương đồng với trang phục của các hoàng hậu Trung Hoa.
Trạng Quỳnh
Trang phục trong Trạng Quỳnh bị đánh giá là pha trộn, lai tạp giữa nhiều loại kiểu dáng, màu sắc khác nhau, thậm chí thiếu nghiên cứu về mặt lịch sử. Bối cảnh phim ở vào khoảng cuối thế kỷ 17 nhưng đã có nhiều nhân vật nam mặc áo dài, trong khi phải đến gần giữa thế kỷ 18 mới bắt đầu có những ghi chép đầu tiên liên quan tới vấn đề này. Chưa kể, trang phục giữa các nhân vật trong phim đôi khi chẳng ăn nhập vào nhau, khiến khung hình trở nên tạp nham.
Kiều
Ngay từ khi công bố tạo hình, trang phục của các nhân vật trong phim Kiều đã gây tranh cãi, đặc biệt là của Kiều và Hoạn Thư. Kỳ lạ thay, chiếc áo mà nàng Kiều mặc lại có màu vàng tươi sáng rỡ, vốn dành màu dùng cho các bậc vua chúa. Không kém cạnh, Hoạn Thư khoác lên mình bộ cánh đỏ rực, phối cùng yếm đen. Tạo hình này bị chỉ trích là mang hơi hướng phong cách Nhật Bản.
Quỳnh Hoa Nhất Dạ
Dù chưa lên sóng nhưng loạt ảnh tạo hình của Thanh Hằng trong Quỳnh Hoa Nhất Dạ đã gây sự chú ý của netizen. Theo NTK Thủy Nguyễn, bộ trang phục của nàng Dương Vân Nga trong poster có khối lượng 9,5kg, gồm 5 lớp áo giao lĩnh lớn nhỏ (còn gọi là trường lĩnh), 2 lớp váy, tà áo kéo từ trái qua phải, cùng hàng nút sao được gắn tỉ mỉ giữa ngực. Áo có dáng thụng, tay rộng. Loạt chi tiết trên thể hiện chuẩn mực về vị trí tôn quý của người mặc trong xã hội thời bấy giờ.
Nguồn: Tổng hợp