Cha mẹ tranh luận lành mạnh: Bí quyết nuôi dạy con cái thành người sáng tạo
Bạn sẽ bất ngờ khi biết được rằng, cha mẹ bất đồng quan điểm với nhau đôi khi cũng có lợi cho sự phát triển của con cái.
Bạn có muốn con mình trở thành những người tư duy độc lập và sáng tạo? Nghiên cứu mới cho thấy, những cuộc tranh luận lành mạnh trong gia đình có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ.
Adam Grant là một nhà tâm lý học tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ gần đây đã chia sẻ một podcast nói về những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ thường xuyên tranh luận, có thể trở thành những người trưởng thành sáng tạo hơn.
"Những đứa trẻ như vậy cũng có thể trở nên kiên cường hơn về mặt tinh thần", Grant đã viết trong một bài luận trên trang New York Times vào năm 2017. Sự kiên cường này là đức tính mà những người thành công được trui rèn sớm.
Nói về việc cha mẹ thường xuyên tranh luận với nhau, Grant cho biết đó không phải là việc 2 bên la hét với nhau. Thay vào đó, điều mà ông muốn nhấn mạnh là cha mẹ đang làm gương cho con cái về những cuộc thảo luận mà cả 2 bên tham gia vào cuộc trò chuyện, lắng nghe ý kiến của đối phương, sau cùng đạt được một sự đồng thuận.
"Lớn lên trong một gia đình với sự căng thẳng mang tính xây dựng như vậy, con cái sẽ nhận ra rằng, những cuộc tranh luận giữa 2 bên với nhau không nhất thiết phải gây ra xung đột, mà đó là cách để giải quyết vấn đề", Grant nói.
Khi 2 người có thẩm quyền khác nhau mà lại không đồng ý với nhau, điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nó cũng có thể giúp đứa trẻ trở nên dũng cảm hơn khi thách thức những quy tắc, chuẩn mực hiện tại, bởi vì không có một câu trả lời đúng duy nhất.
Cách tranh luận mang tính xây dựng có thể thúc đẩy sự sáng tạo ở trẻ
Nghiên cứu cho thấy những bất đồng mang tính xây dựng giúp định hình những đứa trẻ sáng tạo theo nhiều cách.
Một nghiên cứu như vậy đã yêu cầu những người trưởng thành ở độ tuổi 30 viết "câu chuyện giàu trí tưởng tượng" và nhận thấy những bài viết sáng tạo nhất tương quan với việc tiếp xúc với xung đột cha mẹ trong thời thơ ấu của họ.
Một nghiên cứu khác cho thấy các kiến trúc sư và nhà khoa học sáng tạo nhất đã trải qua một số lượng nhất định sự ma sát trong gia đình của họ.
"Nếu không bao giờ tranh cãi, bạn không có khả năng từ bỏ những cách làm cũ, chứ đừng nói đến việc thử những cách mới", Grant viết. "Bất đồng là thuốc giải độc cho tư duy nhóm ... không có thời điểm nào tốt hơn thời thơ ấu để học cách đưa ra ý kiến của bản thân".
Xây dựng sự sáng tạo không nhất thiết phải hy sinh cảm giác an toàn của trẻ. Một nghiên cứu năm 2009 đã quan sát 235 gia đình và nhận thấy rằng, trẻ em từ 5 đến 7 tuổi cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc hơn khi có cha mẹ tranh luận mang tính xây dựng. Khi quan sát lại 3 năm sau, họ thể hiện sự đồng cảm lớn hơn và thân thiện hơn ở trường.
"Một cuộc tranh luận tốt không phải là một cuộc chiến. Nó thậm chí không phải là một cuộc kéo co, nơi bạn có thể kéo đối thủ về phía mình nếu bạn kéo dây đủ mạnh. Nó giống như một điệu nhảy chưa được biên đạo... Nếu bạn có thể thích nghi với động tác của họ và khiến họ làm điều tương tự, bạn có nhiều khả năng kết thúc theo cách ổn thỏa nhất", Grant nói.
Tóm lại, cách mà cha mẹ thể hiện sự bất đồng với nhau trong ý kiến không phải lúc nào cũng mang tác động xấu, ngược lại nếu điều này xảy ra trong tình trạng không phải "cuộc chiến" gay gắt như cãi nhau, con cái sẽ học hỏi được nhiều thứ.