4 lợi ích bất ngờ khi cha mẹ đối xử dịu dàng với con mình

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Con cái nhận được rất nhiều lợi ích khi được cha mẹ đối xử dịu dàng, quan tâm.

Cách cha mẹ đối xử dịu dàng với trẻ nhỏ có thể tạo ra cảm giác an toàn và phát triển tâm lý lành mạnh. Thí nghiệm của Mary Ainsworth chứng minh rằng, sự quan tâm của mẹ ảnh hưởng lớn đến cảm xúc và hành vi của trẻ. Trẻ nhỏ sống trong môi trường căng thẳng dễ mắc các bệnh về da và có hành vi nổi loạn. Những lợi ích từ việc cha mẹ thấu hiểu và chăm sóc trẻ là không thể phủ nhận.

Nếu trẻ sống trong một môi trường luôn căng thẳng, đầy những áp lực vô hình, chúng sẽ thể hiện sự không hài lòng của mình bằng cách nổi giận, không nghe lời, khóc lớn... Những hành vi này được người lớn đánh giá là nổi loạn.

Cảm xúc của trẻ bị ảnh hưởng từ điều gì?

- Cha mẹ quá căng thẳng khiến trẻ bị ảnh hưởng

Trước hết, cha mẹ nên quan sát những thay đổi về cảm xúc của trẻ, cố gắng tìm ra trong những tình huống nào trẻ thường biểu hiện những cảm xúc khác nhau.

Ví dụ, mỗi khi ăn cơm, trẻ tỏ ra đặc biệt căng thẳng, cha mẹ nên chú ý xem liệu trẻ có ghét về việc ăn cơm hay không, hoặc có không thích một số loại thức ăn nào đó không? Hay là trẻ căng thẳng khi ăn cùng một thành viên nào đó trong gia đình? Sau khi tìm ra nguyên nhân, cha mẹ hãy từ từ giải quyết.

4 lợi ích bất ngờ khi cha mẹ đối xử dịu dàng với con mình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

- Trẻ cảm nhận áp lực từ kỳ vọng của người lớn, do đó sợ thất bại

Nhiều bậc phụ huynh đặt kỳ vọng của mình lên con cái, mong muốn con đạt được những thành tích mà bản thân không thể đạt được.

Ví dụ, cha mẹ muốn con mình chơi đàn piano giỏi, vì vậy từ nhỏ đã cho con học piano. Việc cha mẹ đặt giấc mơ của mình lên con như vậy vô tình làm tăng áp lực lên trẻ, khiến trẻ không thể bày tỏ cảm xúc của mình một cách chính xác, cũng không thể phát huy hết tiềm năng của bản thân.

Trong trường hợp này, cha mẹ nên dành cho trẻ nhiều sự hỗ trợ và thấu hiểu hơn, để trẻ có thể tự do phát triển sở thích và tài năng của mình, thay vì áp đặt kỳ vọng của mình lên chúng.

Thí nghiệm của Ainsworth chứng minh hành vi của mẹ ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ.

Một trong những thí nghiệm tâm lý nổi tiếng nhất là "Thí nghiệm tình huống xa lạ của Ainsworth" (Ainsworth's Strange Situation Experiment), được tiến hành bởi nhà tâm lý học Mary Ainsworth vào năm 1970.

Thí nghiệm này nhằm nghiên cứu mối liên kết cảm xúc giữa mẹ và con, cũng như ảnh hưởng cảm xúc của cha mẹ đến cảm xúc và hành vi của trẻ. Trong thí nghiệm, trẻ sơ sinh và mẹ được đặt trong một môi trường xa lạ, quan sát sự tương tác giữa họ và phản ứng của trẻ. Người thực hiện thí nghiệm quan sát phản ứng của trẻ khi mẹ rời đi rồi quay trở lại để đánh giá cảm giác an toàn và hành vi gắn bó của trẻ.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi mẹ đối xử với trẻ bằng lời nói dịu dàng, sự quan tâm và ôm ấp yêu thương, trẻ thường thể hiện cảm xúc và hành vi ổn định. Cách đối xử dịu dàng này được coi là sự khích lệ đối với tiềm năng bản thân của trẻ và giúp xây dựng mối liên kết an toàn.

Thí nghiệm của Ainsworth đã có ảnh hưởng sâu rộng đến việc hiểu về mối liên kết cảm xúc giữa cha mẹ và con, tầm quan trọng của hành vi gắn bó và trở thành một trong những thí nghiệm kinh điển trong lĩnh vực xử lý cảm xúc và phát triển tâm lý.

4 lợi ích bất ngờ khi cha mẹ đối xử dịu dàng với con mình - Ảnh 2.

Những lợi ích khi cha mẹ đối xử dịu dàng với con mình

Việc cha mẹ có sự đồng cảm, chăm sóc trẻ với thái độ thấu hiểu và quan tâm mang lại những lợi ích sau:

1. Xây dựng cảm giác an toàn

Sự thấu hiểu, quan tâm của cha mẹ giúp trẻ cảm thấy được chấp nhận và trân trọng, từ đó xây dựng nên cảm giác an toàn. Cảm giác an toàn này giúp cho sự phát triển cảm xúc của trẻ được lành mạnh và cân bằng tâm lý.

2. Thúc đẩy mối liên kết tình cảm

Khi trẻ cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, chúng sẽ càng thêm tin tưởng cha mẹ, đồng thời xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn.

3. Xây dựng nhận thức bản thân và phát triển cảm xúc

Khi cha mẹ đáp ứng nhu cầu, cảm xúc của trẻ bằng thái độ thấu hiểu và dịu dàng, trẻ sẽ có thể tự điều chỉnh cảm xúc của mình tốt hơn và phát triển khả năng điều chỉnh cảm xúc lành mạnh hơn.

4. Nuôi dưỡng khả năng giao tiếp tốt

Khi cha mẹ tương tác với trẻ bằng thái độ mềm mỏng và khiêm tốn, trẻ cũng sẽ học theo và bắt chước cha mẹ, sử dụng thái độ tương tự để bày tỏ nhu cầu và cảm xúc của mình.

Sự thấu hiểu, thái độ dịu dàng của cha mẹ rất quan trọng đối với sự phát triển và khả năng quản lý cảm xúc của trẻ. Thái độ này có thể xây dựng cảm giác an toàn, thúc đẩy mối liên kết tình cảm, phát triển nhận thức bản thân và cảm xúc lành mạnh, đồng thời nuôi dưỡng khả năng giao tiếp tốt.

Chia sẻ