Cha mẹ thả nổi, con tự “bơi”

Theo Dân Việt,
Chia sẻ

"Nếu em hỏi đến chuyện con trai là mẹ lại mắng át đi. Nói em phải học tập chứ nứt mắt ra đã nói chuyện bậy bạ. Sau này em chẳng dám hỏi mẹ gì nữa. Em chỉ làm như phim có mấy lần. Mới thế sao có em bé được?..."

“Các gia đình nông thôn vẫn đang sống bằng “kinh nghiệm”. Cha mẹ không được hướng dẫn về SKSS nên lúng túng, xấu hổ, không biết cách chia sẻ với con”- BS Nguyễn Thị Hoài Đức - Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết.

Tình dục như “ngáo ộp”

15 tuổi, cô bé Hoa con chị Chẩm (Quế Võ, Bắc Ninh) phổng phao hơn hẳn bạn bè cùng lứa nhưng chị Chẩm vẫn nghĩ con còn thơ dại, lại mải học hành thì yêu đương gì. Chỉ đến lúc con béo bất thường, hay nôn ọe, chị tưởng con bị giun nên mới đưa lên Trạm y tế xã khám. Bác sĩ khám ra… cái thai gần 4 tháng.
 
Người yêu của Hoa là cậu Trí - hàng xóm, cũng mới 16 tuổi. Hoa và Trí thường sang nhà nhau học nhóm, ra đụng vào chạm rồi... thật lúc nào không biết. “Nếu em hỏi đến chuyện con trai là mẹ lại mắng át đi. Nói em phải học tập chứ nứt mắt ra đã nói chuyện bậy bạ. Sau này em chẳng dám hỏi mẹ gì nữa. Em chỉ làm như phim có mấy lần. Mới thế sao có em bé được?” - Hoa nức nở.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức nhận định, để bảo vệ con cái tránh khỏi các nguy cơ về tình dục không an toàn, các bậc cha mẹ thường áp dụng biện pháp răn đe, cấm đoán, thậm chí coi việc răn đe là “giáo dục giới tính”.

Các bà mẹ thường giáo huấn con gái rằng: Yêu đương sẽ khiến con gái thiệt thòi, mất mát, nhục nhã. Sự dọa nạt theo kiểu “ngáo ộp” khiến các em gái bị ức chế, dằn vặt, thậm chí hoang mang lo lắng nếu có tình cảm khác giới. Điều này khiến các em gái đã có quan hệ tình dục và bị bạn trai bỏ rơi cảm thấy xấu hổ ê chề và muốn hủy hoại bản thân.
 

Đối với con trai thì cha mẹ lại lo lắng mắc vào các tệ nạn xã hội hơn là các vấn đề liên quan đến tình dục. Nhiều em bày tỏ: "Cha mẹ thường cấm em cờ bạc, rượu chè, đánh bài chứ chưa bao giờ nói với em về dậy thì và tình dục". Vì vậy, nhiều em có thái độ thờ ơ, vô cảm và vô trách nhiệm với SKSS của mình và của bạn tình sau này.

Bà Nguyễn Thu Giang – Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho biết: “Chính sự thiếu hiểu biết, thiếu chia sẻ của cha mẹ, thậm chí áp đặt, quy kết đã khiến nhiều trẻ vị thành niên rơi vào khủng hoảng, lo lắng. Điều này sẽ đẩy các em xa bố mẹ và tự đưa ra quyết định sai lầm”.

Cha mẹ thiếu kiến thức

Khi cán bộ y tế xã trách bố mẹ không quan tâm tới con, chị Chẩm tấm tức: “Xưa nay tôi có được ai nói về chuyện trai gái, yêu đương gì bao giờ. Cứ nghĩ con gái lớn lên, đến lúc có cưới hỏi rồi mới ngủ nghê. Ai biết nó lại sớm làm bậy thế”. Đa số các bậc cha mẹ hiện nay là "sản phẩm" của thời kỳ bưng bít thông tin về SKSS và tình dục, vì thế nhiều người không hiểu hết chính cơ thể và các vấn đề SKSS của mình, nói gì đến hướng dẫn cho con.
 
Nghiên cứu “Vai trò và trách nhiệm của nam giới trong gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản” của Tổ chức Path Canada đối với 600 hộ tại 3 huyện của tỉnh Bắc Ninh cho thấy: Tuy 64,5% cha mẹ có nói chuyện với con về chăm sóc SKSS nhưng nội dung hay cách thức trao đổi vẫn xa xôi, không trực tiếp. Rất ít cha mẹ đề cập thẳng đến vấn đề tình dục an toàn (6,5% với con trai và 3,1% với con gái). Có tới hơn 30% cha mẹ chỉ dừng ở hướng dẫn chung chung như “giữ tình bạn trong sáng”. Đặc biệt có đến 87,3% nam thanh niên không được gia đình hướng dẫn về tình dục và quan hệ tình dục.
 
Bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội nhận định: “Khi nhu cầu tình dục của thanh niên bị hiểu sai lệch thì dư luận sẽ chỉ hướng vào việc lên án hành vi tình dục của thanh niên. Điều này làm gia tăng hành vi lệch lạc tình dục của thanh niên (quan hệ tập thể, mại dâm, HIV) và hạn chế cơ hội tiếp cận kiến thức cần thiết để có một đời sống tình dục an toàn, lành mạnh…”.
Chia sẻ