Cha mẹ mắt thâm quầng mòn mỏi dỗ con khóc dạ đề, thử cách của bác sĩ khoa sơ sinh xem sao!

K.Chi ,
Chia sẻ

Khóc dạ đề là hiện tượng quấy khóc nhiều giờ ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện vào các buổi chiều, tối hoặc ban đêm, trong giai đoạn từ trẻ được 2- 3 tuần đến 3 tháng tuổi.

Cả nhà khổ sở vì con khóc dạ đề

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh (25 tuổi, Thành phố Thái Bình) than thở rằng suốt 2 tháng qua niềm vui được làm cha mẹ của họ không át được sự mệt mỏi vì con khóc dạ đề.

Chị Minh sinh con vào ngày 16/12/2020. Vì bé là cháu đầu tiên trong gia đình nên ai cũng vui mừng mong đợi. Tuần đầu tiên từ viện về thấy con ăn ngon, ngủ kỹ cả nhà ai cũng mừng “trộm vía” con ngoan.

Sang tuần thứ 2, bé bắt đầu quấy khóc nhiều. Cứ 18h trở đi khi cả nhà ăn tối là cháu bắt đầu khóc không ngừng khiến cả nhà sốt ruột không ai nuốt nổi cơm. Cả nhà chia nhau bế bé truyền tay, dỗ dành đủ kiểu đều không có ích.

Biết cháu sẽ dịu cơn hờn dỗi vào tầm 21h nên cả nhà cố gắng "chịu trận" đợi thời gian trôi nhanh.

Bối rối không biết cách nào chữa khóc dạ đề cho cháu, bà nội của bé còn hoang mang tìm tới thầy cúng. Thầy cúng bảo bé bị "hành", phải làm lễ cúng để thần thánh không quở trách. Tuy nhiên, dù gia đình đã làm lễ nhưng tình trạng quấy khóc của bé vẫn không thuyên giảm.

Vợ chồng chị Minh đưa con đến bệnh viện khám xem con có mắc bệnh tật gì không thì bác sĩ cũng không xác định rõ nguyên nhân bé khóc. Bởi lẽ ngoài lúc khóc, bé vẫn ngủ tốt, tăng cân đều.

Cha mẹ mắt thâm quầng mòn mỏi dỗ con khóc dạ đề, thử cách của bác sĩ khoa sơ sinh xem sao! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chị Đỗ Minh Nga (ở trọ tại Nguyễn Xiển, Hà Nội) cũng ám ảnh vì tình trạng con khóc dạ đề. Con trai của chị hiện đã được 6 tháng tuổi.

Chị Nga nhớ lại quãng thời gian mà bản thân vô cùng stress, mắt thâm quầng vì mất ngủ khi con khóc dạ đề lúc 2 - 4h sáng.

Vì ở nhà trọ nhỏ không tiện nhờ ông bà hỗ trợ, hai vợ chồng chị Nga chỉ còn cách thay phiên nhau dỗ con trong đêm. Nhiều buổi con khóc, chị Nga cũng khóc theo, vừa lo dỗ con vừa lo ảnh hưởng tới hàng xóm.

Ai cũng bảo khóc dạ đề sẽ tự hết nên vợ chồng chị Nga chỉ còn biết kiên trì chờ đợi. May mắn là từ tháng thứ 4 bé đã không còn quấy khóc nửa đêm mà ngủ ngoan hơn.

Cách xử lý khóc dạ đề như thế nào?

Theo BS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, tình trạng trẻ sơ sinh từ 6 tuần tuổi khóc nhiều vào ban đêm mà gia đình không lý giải được vì sao gọi là khóc dạ đề. Với các gia đình có trẻ nhỏ, tiếng khóc dạ đề luôn là nỗi ám ảnh.

Đặc điểm của khóc dạ đề là không khiến trẻ sút cân, sau khi khóc trẻ vẫn ăn, ngủ bình thường.

Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng giải thích nguyên nhân trẻ khóc nhiều giờ đồng hồ và chưa có phương pháp điều trị triệt để. Vì chưa tìm được nguyên nhân nên có một số giả thiết được đặt ra như:

Chế độ ăn của mẹ: Một số đồ ăn có thể khiến bé khó chịu như bắp cải, súp lơ, củ hành,... Mẹ có thể loại bỏ các thực phẩm trên trong chế độ ăn để xem bé có đỡ khó chịu hơn không.

Một số chất kích thích như nicotin, rượu, bia: Nếu bố hoặc người thân trong gia đình hút thuốc, hơi thở có mùi thuốc lá có thể khiến bé khó chịu.

Khóc dạ đề thường thiên về lý do tiêu hóa của bé: Em bé có thể đầy hơi, chướng bụng do không hợp sữa. Cũng có thể do em bé quá nhạy cảm, chỉ cần hơi chướng bụng mặc dù không ảnh hưởng nhiều nhưng bé không quen cũng có thể khó chịu dẫn đến khóc lâu. Khi này ba mẹ nên chờ đợi, để bé tự thích nghi.

Lời khuyên của BS. Quỳnh Hương là ba mẹ có thể massage giúp giải tỏa, giảm căng thẳng cho bé, giúp bé ngủ ngon hơn. Xoa dầu massage và một chút nhạc du dương sẽ giúp bé thoải mái.

Khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh không cần chữa trị đặc hiệu, trừ khi các bà mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của bé như khóc kéo dài gần 4 giờ, khóc kèm theo sốt, nôn ói, tiêu chảy, tiểu ra máu, sình bụng, trẻ có biểu hiện mệt lả... thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Ngược lại, sau những cơn khóc kéo dài, bé trở lại bình thường, vui, khỏe, bú tốt thì các mẹ cần tự nhủ với mình là mọi việc dần sẽ ổn và cố gắng trấn tĩnh chờ cho 3 tháng đầu đời của bé dần trôi qua. Ba mẹ nên hỗ trợ lẫn nhau, tránh để mẹ căng thẳng, có thể dẫn đến mất sữa.


Chia sẻ