Cha mẹ cần nêu gương khi dạy con tính kiên nhẫn

Ngọc Trang (ghi),
Chia sẻ

Theo chuyên gia, cha mẹ cũng cần học cách kiên nhẫn cùng với trẻ. Bởi hầu hết trẻ học kỹ năng và biến chuyển từ chính cha mẹ.

Cha mẹ cần nêu gương khi dạy con tính kiên nhẫn - Ảnh 1.

Đôi khi trẻ chờ giải pháp của người lớn để biết cách sử dụng kỹ năng kiên nhẫn. Ảnh minh họa.

Thêm thời gian để làm gì đó

Chuyên gia Anh Nguyễn, Trung tâm Phục hồi chức năng & Trị liệu ngôn ngữ VinaHealth chia sẻ trên trang cá nhân: Có một câu nói rất hay về đức tính kiên nhẫn, tạm dịch là “Không có sự kiên nhẫn, chúng ta sẽ hiểu ít hơn. Chúng ta sẽ nhìn thấy ít hơn. Chúng ta sẽ cảm nhận được ít hơn. Chúng ta sẽ nghe được ít hơn”.

Điều này hoàn toàn đúng không chỉ trong cuộc sống của chúng ta, mà còn là rất cần thiết khi bạn bắt đầu làm mẹ.

Điều mà tôi thường gặp trong các buổi tư vấn, nhất là với những người mẹ trẻ thường cảm thấy khó hiểu và lúng túng về tiếng khóc của trẻ nhỏ, liệu trẻ khóc có phải đang đói không? Càng khó hiểu hơn, mặc dù cho bé bú bé vẫn khóc.

Mỗi khi gặp trường hợp như vậy tôi thường khuyên họ hãy kiên nhẫn hơn bằng cách mỗi khi gặp trường hợp như vậy thay vì bạn cảm thấy khó hiểu, bực tức thì hãy đếm từ 1 đến 5 và suy nghĩ về 3 câu hỏi: Tại sao trẻ có hành vi đó? Giải pháp của bạn là gì? Liệu giải pháp đó sẽ gây ảnh hưởng đến trẻ ra sao?

Chúng ta thường suy nghĩ sai về “kiên nhẫn”. Khi ai đó bảo bạn kiên nhẫn, tự chúng ta gắn với “chờ đợi”, tự suy ra với “lâu, cần mất thời gian”, khi chúng ta gắn ép như vậy não bộ chúng ta mặc định kiên nhẫn để đợi, đợi cái gì đó, đợi kết quả nào đó...

Cảm giác đợi chờ là cảm giác não bộ tự cho nó tạm nghỉ, nhưng nghĩa thực sự là “thêm thời gian để làm gì đó”.

Bây giờ chúng ta nghĩ lại thử với nghĩa mới là “thêm thời gian để làm gì đó”, vậy khi kiên nhẫn, ta sẽ có thêm thời gian. Có câu nói rất hay của người Anh: “Kiên nhẫn không phải là thời gian đợi, mà là bạn làm gì trong thời gian đó”.

Thực ra, nếu là tình huống giao tiếp thì kiên nhẫn là bạn có “thêm thời gian để suy nghĩ” về lời nói của bạn, để đánh giá liệu nó có làm tổn thương ai đó hoặc nó có thể mang đến kết quả hài lòng cho ai đó.

Thời gian đó, chúng ta nên đếm từ 1 đến 5. Mục đích để bạn có thêm thời gian để suy nghĩ cách hiểu trẻ, đưa giải pháp và đánh giá hành động. Bạn nghe có vẻ phức tạp, nhưng đó là cách để bạn là người mẹ, người bạn tốt của trẻ. Hơn nữa, điều quan trọng hơn, chính thời gian này cũng sẽ cho trẻ thêm thời gian để hiểu giải pháp của bạn. Đây là một ví dụ rất thường gặp ở trẻ:

“Trong nhà, trẻ luôn đòi điện thoại từ người dễ hơn, ví dụ từ bố, vì mỗi lần trẻ đòi bố luôn cho trẻ. Khi lúc nào đó bố của trẻ đang nói chuyện trẻ lại đòi, bố đưa trễ cho trẻ vài phút trẻ sẽ phản ứng rất dữ dội. Tuy nhiên, cậu bé lại ít hoặc không đòi điện thoại của mẹ bởi vì mẹ ít cho cậu chơi điện thoại. Khi trẻ đòi mẹ chỉ cần nói một tiếng trẻ sẽ không đòi nữa, nhưng khi có bố thì chắc chắn tập trung luôn hướng về bố”.

Cha mẹ cần nêu gương khi dạy con tính kiên nhẫn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Hãy dành thời gian để trả lời câu hỏi

Hầu hết trẻ học kỹ năng biến chuyển từ chính cha mẹ. Một trong đó là kỹ năng kiên nhẫn để hiểu giải pháp của cha hoặc mẹ. Nếu bạn là người cha, chưa kịp kiên nhẫn để hiểu - đánh giá - đưa giải pháp, mà đáp ứng một cách vô thức thì trẻ cũng không kiên nhẫn dành thời gian nhận giải pháp của cha.

Dù xảy ra 100 lần, trẻ vẫn không nhìn thấy quy trình để cho giải pháp và biết giải pháp của cha là gì. Do đó, trẻ không có bất cứ kiên nhẫn nào để đón nhận giải pháp của cha.

Ngược lại, mẹ có suy nghĩ để lựa chọn giải pháp, đồng nghĩa cũng cho trẻ rèn luyện dần sự kiên nhẫn để nhìn vào quy trình lựa chọn giải pháp của mẹ và đón nhận nó. Đó là cách trẻ học một kỹ năng nào đó.

Còn với ví dụ tiếng khóc của trẻ. Thực tế, tiếng khóc lúc đói, lúc buồn ngủ, lúc muốn mẹ âu yếm sẽ khác nhau nếu người mẹ đáp ứng đúng, trẻ rất hạnh phúc và nghe lời. Nhưng, người mẹ thiếu kiên nhẫn chịu lắng nghe, cứ thấy bé khóc thì cuống lên cho bé bú ngay, nhưng gặp lúc bé đã no rồi, tiếng khóc chỉ muốn mẹ âu yếm cậu bé thôi thì bé vẫn khóc, mẹ vẫn mệt mỏi.

Bạn thử đặt mình vào cậu bé, liệu bạn có chịu bú hay không khi mẹ không hiểu nhu cầu của mình. Vấn đề nằm ở cả hai không kiên nhẫn để dành thêm thời gian hiểu nhau. Trong cuộc chơi này, bạn cần là người chủ động dạy trẻ về kiên nhẫn.

Khi đếm tới 5, nghĩ về 3 câu hỏi như ở trên, bạn sẽ tìm ra giải pháp tương ứng với tình huống trẻ có. Trẻ cũng có thời gian đón nhận giải pháp của bạn. Đừng cuống lên mà phản ứng vô thức. Nó đang lấy mất thời gian của bạn!

Do đó, cha mẹ hãy bắt não bộ làm việc, đồng nghĩa là bạn đang cho chính mình thêm thời gian. Khi đếm tới 5 bắt đầu suy nghĩ rằng: Tại sao trẻ có hành vi này? Nên hay không nên? Cho hay không cho? Cho như thế nào? Quyết định cuối cùng của bạn là gì? Quyết định đó kiên định như thế nào? Nếu gặp phản kháng thì làm sao để nó vẫn kiên định xảy ra?

Trẻ con chỉ cần được dạy kỹ năng, các bé sẽ tự biết sử dụng kỹ năng đó. Đầu tiên, trẻ cần chờ giải pháp của bạn. Càng về sau, trẻ biết sử dụng kỹ năng kiên nhẫn này. Đừng nghĩ rằng trẻ quá nhỏ để hiểu cả quy trình. Trẻ không học lí thuyết, trẻ nhìn vào hành động của bạn trong cả quy trình để học. Khi bạn không có quy trình gì để trẻ nhìn, dù bạn có la mắng, giáo điều hay phạt mắng… tất cả chỉ là không ý nghĩa và chỉ làm tình huống thêm phức tạp.

Đứa trẻ ngoan với ai đó, hoặc không nghe lời với ai đó. Tại sao lại có đứa trẻ không ngoan với ai đó! Điều này không phải lỗi hoàn toàn ở trẻ, phải chăng đó là lỗi ở người đó, lỗi ở cách hành động, cách dùng lời - nói chung là do lỗi xảy ra trong cả quy trình hoặc người đó thiếu quy trình để hiểu và dạy trẻ.

Chia sẻ