Câu nói "Con cái là tài sản quý giá của cha mẹ": Nghe chất chứa yêu thương nhưng giải thích ai cũng giật mình
Rất nhiều cha mẹ kỳ vọng con cái sẽ viết tiếp giấc mơ dang dở của mình mà không quan tâm đến việc chúng có thực sự muốn như vậy không.
Trong cuộc đời này, con cái chính là cả cuộc đời người mẹ. Nếu có hạnh phúc cũng là vì con, bình yên cũng là vì con. Bao nhiêu gian nan vất vả, cực khổ cơ hàn người phụ nữ cũng vượt qua được hết vì con. Thế nhưng đôi khi vì tình yêu đó quá lớn mà cha mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng, thậm chí là áp lực lên đứa con của mình. Họ mong muốn con sống khỏe mạnh, hạnh phúc cũng không quên mong mỏi con giỏi giang, giàu có trong tương lai.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học Việt Nam, nguyên là hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ chúng ta không nên nói câu "Con cái là tài sản quý giá của cha mẹ" bởi tình yêu thương không phải là áp lực, mà là để con được sống cuộc đời của chính nó.
Ngưng nói "Con cái là tài sản quý giá của cha mẹ". Nguồn: TikTok hungvovn01
"Có 1 câu quảng cáo nhan nhản trên truyền hình khiến mỗi lần tôi nghe lại bực mình. Đó là "Con cái là tài sản quý giá nhất của cha mẹ". Sao con cái lại là tài sản được, smartphone hay laptop, xe hơi mới là tài sản chứ. Sao người ta không nói đơn giản rằng "Con cái là điều quý giá nhất đối với cha mẹ".
Bởi một khi mình quan niệm con cái là tài sản thì nó thuộc về mình, biến nó thành công cụ để thực hiện những mục tiêu của cuộc đời mình mà bản thân mình không thực hiện nổi nên giờ kỳ vọng vào con thực hiện ước mơ dang dở của mình.
Tại sao lại đặt trên vai con gánh nặng quá sức như thế mà nó sống là cho cuộc đời của nó chứ đâu phải để thực hiện ước mơ của mình. Nếu cha mẹ bình tâm suy nghĩ lại, tình yêu thương là có thật nhưng mà mình phải biết đang yêu thương kiểu gì.
Đứa nhỏ rất hiểu chuyện, có đứa trẻ 3-4 tuổi khi nghe mẹ nói "mẹ la con vì muốn tốt cho con" thì nó nói lại rằng "nhưng mà con không muốn tốt cho con". Tức là điều mà mẹ cho rằng tốt thì con lại không hề muốn. Ít nhất mình nên hiểu và kiểm soát cảm xúc của con, nếu sai thì từ từ điều chỉnh. Con nghĩ là đi ngủ sớm là không tốt nhưng thật ra nó rất tốt bởi vì... Nghĩa là phải trao đổi, thương lượng, thuyết phục chứ không có áp đặt. Đứa nhỏ 2-3 tuổi còn không thể áp đặt thì đương nhiên 29-30 tuổi áp đặt cực kỳ khó", Tiến sĩ Bùi Trân Phượng chia sẻ.
Cô Phượng chia sẻ rằng cha mẹ ngày nay nên nhận thức, điều chỉnh hành vi cư xử của mình. Cha mẹ hiện nay rất thương con, có điều kiện để tìm hiểu kiến thức, nên nhìn xã hội chung quanh và tiếp thu kiến thức mới. Nhiều người không hiểu bạo lực, đánh con gây hại như thế nào đến tâm lý của con về sau chứ không phải chỉ tổn thương lúc đó.
"Bây giờ mình nên tiếp thu để dạy con tốt hơn. Mình điều chỉnh mình trước. Thực ra không phải cha mẹ nào cũng ở trong hoàn cảnh điều chỉnh mình được. Có những cha mẹ từng bị tổn thương trong quá khứ, không hề có chăm sóc về tổn thương tâm lý. Trong trường hợp đó, người trẻ phải đứng ra chia sẻ giúp đỡ cho cha mẹ mình", Tiến sĩ Phượng nhấn mạnh.