Ngưỡng cửa tuổi lên 9: Cha mẹ mới là người bị khủng hoảng

A.D.,
Chia sẻ

Những bậc cha mẹ vẫn coi giai đoạn tuổi lên 9 của con là “khủng hoảng của trẻ con” và cố gắng tìm mọi cách dập tắt những khám phá về tự do tư duy của con trẻ lúc này, rất có thể sẽ tạo ra một đứa trẻ to xác hơn trong tương lai.

Ngưỡng cửa tuổi lên 9: Cha mẹ mới là người bị khủng hoảng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Afamily.

“Tý tuổi đầu đã yêu với thích”, “Sao nó lỳ thế hả trời”, “Nghịch gì mà nghịch lắm thế”, “Ai cho con đụng vào đồ trang điểm của mẹ”..., các bậc phụ huynh thường hay phát điên vì những hành vi của trẻ và gán cho chúng “tội danh”: “khủng hoảng tuổi lên 9”.

Trẻ em ở độ tuổi này có thể trở nên rất hay chỉ trích và tranh luận, hoặc rất thất thường và sống khép mình. Một số trẻ em cảm thấy như thể không ai ở trường thích chúng, những đứa trẻ khác đột nhiên trở nên tự ý thức về việc giàu, nghèo hoặc “khác biệt”.

Cha mẹ có thể bị buộc tội là không công bằng hoặc không hiểu. Đứa trẻ bị cho là hỗn hào khi lao ra khỏi phòng và đóng sầm cửa lại. Nhưng thực tế thì không phải những đứa trẻ đang ở giai đoạn khủng hoảng mà chính chúng ta bị khủng hoảng vì không hiểu rằng con mình đang ở trong một giai đoạn phát triển quan trọng nhất trong cuộc đời: giai đoạn phát triển tư duy độc lập.

Khi trẻ em lên 9, thường kích thước não của chúng đạt từ 93-95% kích thước não của người trưởng thành. Nhiều nghiên cứu thống nhất rằng về mặt kích thước, não sẽ ngừng phát triển vào năm 12 tuổi. Và năm 9 tuổi là lúc những thiên thần bé bỏng của chúng ta rời bỏ tuổi thơ ngọt ngào để bắt đầu trưởng thành.

Nhà triết học người Áo Rudolf Steiner, người thành lập hệ thống giáo dục Waldorf, cho rằng, 9 -10 tuổi là thời điểm mà một đứa trẻ đi ra khỏi thời thơ ấu thơ mộng. Đột nhiên, trẻ em nhận thức được bản thân là một cá nhân, tách biệt với thế giới.

Vào năm lên 9, đứa trẻ thực sự trải qua một sự biến đổi hoàn toàn về bản thể, cho thấy một sự chuyển đổi quan trọng của đời sống tâm hồn và những trải nghiệm về thể chất của nó.

Nhà tâm lý học trẻ em Jean Piaget gọi đó là "thời kỳ công nghiệp" khi một đứa trẻ bắt đầu nhận biết nhiều hơn với các nhóm bên ngoài gia đình, mâu thuẫn nội sinh giữa mong muốn độc lập và nhu cầu được cha mẹ hướng dẫn và bảo đảm.

Ở tuổi lên 9, trẻ em đã sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi lớn khi đến tuổi vị thành niên. Tuổi dậy thì có thể bắt đầu từ 8 đến 12 tuổi đối với các bé gái và 9 và 14 tuổi đối với các bé trai.

Thời điểm lên 9 tuổi là thời điểm chấm dứt quá trình học tập, tư duy theo kiểu bắt chước, làm theo những gì người lớn bảo từ lúc lọt lòng cho đến những năm đầu đi học. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời vì lần đầu tiên, những đứa trẻ sẽ tư duy một cách độc lập để trải nghiệm bản sắc của chính mình - để trở thành một cá thể riêng biệt, đương đầu với thế giới bên ngoài.

Trẻ 9 tuổi sẽ bắt đầu kiểm soát cơ bắp mạnh mẽ hơn và khéo léo hơn, cho phép chúng mở rộng giới hạn thể chất và sở thích của mình. Chúng cũng sẽ độc lập hơn và đặc biệt hơn trong cách quản lý vệ sinh cá nhân và chải chuốt. Trẻ chín tuổi cũng có thể ủ rũ, và có thể khó chịu một phút rồi ổn sau đó. Và chúng cũng sẽ quan tâm hơn đến mối quan hệ giữa con trai và con gái.

Ở tuổi lên 9, trẻ có khả năng xử lý xung đột tốt hơn. Sự độc lập ngày càng tăng của chúng sẽ khiến chúng tìm kiếm các mối quan hệ độc lập với gia đình. Nhiều trẻ 9 tuổi sẽ có mong muốn mạnh mẽ được thuộc về một nhóm nào đó và xác lập vị trí của chúng trong trật tự xã hội ở trường học. Kết quả là, nhiều trẻ sẽ trở nên dễ bị áp lực từ bạn bè bởi vì chúng muốn gây ấn tượng với nhóm của mình.

Ở tuổi lên 9, trẻ có khả năng đảm nhận nhiều công việc và trách nhiệm hơn trong nhà nên sẽ muốn bắt đầu tham gia vào các quyết định trong gia đình. Những đứa trẻ 9 tuổi có thể là những hình mẫu của mâu thuẫn. Mặc dù hầu hết muốn mở rộng vòng kết nối xã hội của mình, chúng vẫn sẽ tìm kiếm nơi nương tựa với gia đình nếu cảm thấy bất an. Ở tuổi lên 9, trẻ em vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ của chúng.

Trẻ em 9 tuổi cũng nhận thức rõ hơn về những nguy hiểm và thảm họa trong thế giới thực. Nỗi sợ hãi về các sự kiện như tội phạm hoặc bão tố hoặc lo lắng về việc cha mẹ qua đời một ngày nào đó có thể thay thế nỗi sợ hãi mà chúng có thể có khi còn nhỏ, chẳng hạn như quái vật.

Ở lứa tuổi này, trẻ cần sự nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo của cha mẹ đồng thời cần được khuyến khích để chịu trách nhiệm lớn hơn. Và các bậc làm cha, làm mẹ lại dễ bị khủng hoảng hơn cả những đứa con của mình chỉ vì họ đang không hiểu, hoặc không thể chấp nhận rằng: đã đến lúc chuyển từ việc làm cha mẹ sang làm bạn với con mình.

Các nhà tâm lý học đã có nhiều khuyến cáo cho các bậc cha mẹ rằng những đứa trẻ có bố, mẹ thực sự quan tâm đến giai đoạn phát triển quan trọng này của con trẻ và biết cách thúc đẩy những thay đổi đó theo chiều hướng tích cực sẽ có nhiều lợi thế hơn những đứa trẻ khác, khi bố mẹ chúng vẫn muốn chúng ngoan ngoãn nghe lời và làm theo chỉ dẫn như trước kia.

Xây dựng mối quan hệ mới với con

Ở thời điểm này, trẻ muốn được tôn trọng như người lớn và có thể có những hành động để chứng minh mình không còn là trẻ con nữa. Cha mẹ cần phải quan tâm sâu sát đến trẻ bởi lúc này trẻ cần được giúp đỡ do nhu cầu muốn được làm người lớn mâu thuẫn với khả năng thực tế khiến trẻ rất dễ phạm sai lầm. Nên tận dụng tối đa cơ hội mà con bạn năm 9 tuổi mang lại.

Cần nghiêm túc đảm bảo rằng chúng là một thành viên tích cực trong gia đình bạn thông qua những công việc mà chúng được tự thực hiện hoặc quyết định. Và tất nhiên, hãy đảm bảo rằng con bạn cảm thấy được yêu thương, quý trọng và thấu hiểu.

Các mối quan hệ xây dựng bây giờ sẽ giúp ích nhiều cho con trẻ trong những năm tháng tuổi thanh xuân nhiều sóng gió phía trước. Hãy gần gũi và xem con như bạn, đừng áp đặt con theo ý mình. Nếu không, trẻ sẽ không bao giờ muốn trò chuyện với bạn nữa. Và như vậy, trẻ sẽ ở ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ.

Khuyến khích tự chủ

Một khía cạnh khác của sự tự chủ là khả năng xử lý sự thất vọng và đối phó với xung đột. Giờ đây, con bạn có thể hiểu rằng việc giải quyết xung đột không cần thiết phải liên quan đến thể chất hoặc gây khó chịu. Khuyến khích chúng nói về bất kỳ vấn đề nào, nhất là những vấn đề trong gia đình mà chúng gặp phải với bạn với tư cách là trọng tài, càng lâu càng tốt, thay vì dùng đến các phương pháp giải quyết thiếu văn minh và không công bằng.

Đừng cố gắng dập tắt mọi cảm xúc tiêu cực

Đặc biệt là đối với những bậc cha mẹ bây giờ, chúng ta đã quen với việc có thể nhanh chóng xoa dịu con mình bằng dỗ dành, phần thưởng hoặc tệ hơn là mắng át đi trong những năm trước khi trẻ còn bé. Nhưng vào thời điểm này, điều quan trọng là trẻ phải cảm nhận được cảm xúc của chúng, ngay cả khi chúng sợ hãi hoặc khó chịu và học cách tự vượt qua. Chỉ cần đảm bảo rằng chúng biết rằng bố mẹ lúc nào cũng sẵn sàng có mặt khi chúng cần đến.

Hòa mình với thiên nhiên

Khuyến khích con bạn sáng tạo và dành thời gian ở ngoài trời. Ra ngoài và khám phá thế giới tự nhiên. Tìm cơ hội để trẻ khám phá xung quanh, làm việc trong nông trại, du lịch trong rừng, tìm hiểu về tự nhiên. Khuyến khích con bạn làm mọi thứ và thể hiện bản thân một cách sáng tạo. Thời gian tự nhận thức mới này là thời gian để con bạn tư duy về những lý do tại sao và làm thế nào chúng ta biết những gì chúng ta biết. Và Mẹ thiên nhiên chính là người thầy vĩ đại nhất để con bạn có thể học được mọi điều từ đó.

Vậy đấy, đứa trẻ lên 9 tuổi chính là một bài kiểm tra quan trọng đối với các bậc làm cha, làm mẹ rằng họ có thực sự có đủ kiến thức để làm cha, làm mẹ hay không. Những người có khả năng song hành với con trong giai đoạn này sẽ rất hạnh phúc khi thấy thành quả của mình trong những năm sau.

Còn những bậc cha mẹ vẫn coi đó là “khủng hoảng của trẻ con” và cố gắng tìm mọi cách dập tắt những khám phá về tự do tư duy của con trẻ lúc này, rất có thể sẽ tạo ra một đứa trẻ to xác hơn trong tương lai.

Chia sẻ