Câu chuyện “Con học dốt nên bị xa lánh” nhận sự đồng cảm của nhiều người và sự thật cha mẹ cần nhìn lại
Học dốt nên bị các bạn xa lánh, không được tham gia các hoạt động của trường lớp… câu chuyện nữ sinh Hà Nội kể về 4 năm học cấp 2 khiến cha mẹ phải suy ngẫm lại.
Tâm sự buồn của nữ sinh bị 2/3 lớp xa lánh
Trong chương trình gala "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc", nữ sinh N.T.T, học lớp 12 tại một trường THPT ở Hà Nội đã khiến cả khán đài nín lặng lắng nghe câu chuyện buồn về 4 năm học cấp 2 của em.
T nghẹn ngào kể lại: "Trước đây con học cấp 2 tại một trường được coi là trường điểm tại Hà Nội. Cha mẹ kỳ vọng con theo lớp chuyên giỏi nhất khối. Các bạn ở đó thi đua cùng nhau học. Con cảm thấy mình kém cỏi và mọi người luôn nhìn với ánh mắt là một học sinh dốt".
Dù không được đánh giá cao nhưng T rất cố gắng học tập và điểm số năm lớp 8 của T đã vượt trội nổi bật. Tuy nhiên, chỉ vì thiếu 0,1 điểm mà T không được là học sinh giỏi. "Con cảm thấy buồn vì không ai thấy được sự cố gắng của con, không ai cho con thể hiện bản thân", T cho biết.
Trong câu chuyện của mình, T kể kỷ niệm không thể quên được là cô giáo chủ nhiệm gọi cho ban phụ huynh lớp nói rằng: "Con bé này học dốt, là học sinh cá biệt của lớp. Không nên cho các bạn giao du".
Em T buồn bã kể lại câu chuyện năm cấp 2 bị bạn bè xa lánh, ai cũng coi em là 1 người kém cỏi, học dốt.
T nghĩ rằng do mình học kém hơn so với các bạn nên mọi hoạt động trong trường, lớp đều không được tham gia. Suốt 4 năm học cấp 2, T. bị 2/3 lớp xa lánh. Kết quả buồn trong câu chuyện với T là: "Con không muốn cố gắng nữa, càng ngày con càng trở nên bướng bỉnh hơn. Sự bướng bỉnh ấy theo con lên học cấp 3".
Lời chia sẻ của T nhận được cả chục nghìn lượt yêu thích và bình luận bày tỏ sự đồng cảm từ cộng đồng mạng. Bạn D.N.L bày tỏ sự đơn độc: "Mình cùng hoàn cảnh như bạn, học dốt, bạn bè xa lánh, bị bắt nạt, mọi người khinh bỉ. Đi học mà không có nổi một ai để chơi cùng".
Bạn P.H.A cũng tâm trạng tương tự: "Cũng từng như bạn này vì học dốt, bạn bè không coi trọng, hay bị dè bỉu làm trò cười. Buồn nhất là miệt thị ngoại hình của mình nữa".
Trong khi đó, có người cho rằng, giáo viên có lỗi bởi cô phải là người giúp đỡ, động viên các em vươn lên chứ không phải cô lập học sinh.
Cha mẹ cần hiểu năng lực của con ở đâu
Lý giải về việc nữ sinh bị bạn bè xa lánh vì học kém, Thạc sĩ – Nhà giáo Phạm Phúc Thịnh cho biết: "Không phải học sinh kỳ thị nhau vì chuyện học lực mà học sinh giỏi thường thích trao đổi, nói chuyện với những bạn cùng tầm với mình. Vì vậy, em T ở trong lớp toàn các bạn giỏi mà mình kém hơn sẽ cảm thấy bị lạc lõng".
Thạc sĩ Thịnh bày tỏ quan điểm không đồng tình với cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của T: "Em T có thể học dở nhất lớp này nhưng qua lớp khác chưa chắc đã yếu kém. Ngoài chuyện học hành, T còn có những năng khiếu khác giỏi hơn các bạn. Giống như trong đội bóng rổ, các cầu thủ cao 1m9 thì người 1m85 là người lùn. Nhưng so với đa phần người Việt Nam thì chiều cao này lại là điều mơ ước.
Cô giáo đã không tạo điều kiện cho học sinh phát triển, không xây dựng sự tự tin cho các em và sai trong ứng xử sư phạm khiến học sinh mất động lực".
Nhiều bố mẹ kỳ vọng quá lớn ở con mà không biết con mình có đủ sức đáp ứng không (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh cũng chỉ ra thực tế nhiều cha mẹ cũng như các em học sinh như T. mắc phải: "Sự kỳ vọng của bố mẹ không sai nhưng bố mẹ sai vì không biết con có đủ sức đáp ứng kỳ vọng đó hay không.
T thi đỗ vào trường điểm theo mong muốn của bố mẹ nhưng thực tế em lại đuối sức so với các bạn ở lớp chuyên giỏi nhất khối. Trong trường hợp này, T nên thẳng thắn trao đổi với bố mẹ và có thể lựa chọn 'tiếp tục chiến đấu hoặc chuyển sang lớp khác'".
Sự kỳ vọng của bố mẹ vô tình tạo áp lực cho con mà không biết có thể con học với các bạn ngang tầm sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Thạc sĩ Thịnh cũng lấy dẫn chứng thêm, trong mấy ngày qua mọi người bàn luận rất nhiều về hình ảnh bố mẹ ôm con khóc vì không làm được bài sau khi thi vào lớp 10. "Hình ảnh không có gì nặng nề, ghê gớm, đó là cảm xúc chân thật. Tuy nhiên, nếu bố mẹ tinh tế sẽ không cần phải khóc cùng con. Việc làm này sẽ khiến con thấy sự việc thêm trầm trọng, con làm sai và làm cho bố mẹ buồn. Bố mẹ chỉ cần động viên: 'Có gì đâu phải khóc, con đã cố gắng hết sức rồi mà'".
Thi vào cấp 3 cũng như rất nhiều thử thách khác con phải chinh phục sau này. Con có thể không làm được bài, có thể trượt cấp 3 trường yêu thích nhưng còn nhiều trường khác phù hợp vẫn rộng cửa chào đón con.
Vì vậy "Cha mẹ đừng tự hào vì con học giỏi mà đơn giản hãy chúc mừng con thành công. Đó sẽ là động lực để con cố gắng thành công tiếp theo", thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh nhắn nhủ.