Cách nuôi con của mẹ Việt có rất nhiều điểm cộng

Hải An,
Chia sẻ

Minh Trang - mẹ Việt ở nước ngoài cho biết, cách nuôi con của mẹ Việt có rất nhiều ưu điểm, từ việc cho con ăn dặm đến chuyện bỏ bỉm sớm cho con.

Là tác giả của một blog có tên là “Mẹ Vui”, Minh Trang thu hút bởi những câu chuyện làm mẹ nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng thấm thía, giống như được chia sẻ những tâm sự đầy cảm thông của một người bạn thân thiết. Có lẽ vì thế, từ hai người chưa từng quen biết, chúng tôi tìm được một lý do để xích lại gần nhau hơn, đó là “công việc làm mẹ” của mỗi người.

Những suy nghĩ và trải nghiệm làm mẹ của Trang sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm, mỉm cười vì có thể sẽ nhìn thấy hình ảnh của chính mình thấp thoáng đâu đó trong từng câu chữ.

Profile:

Mẹ: Dương Minh Trang từng là MC, Biên tập viên của VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện đang sống và làm việc tại Chicago, Illinois (Mỹ).

Hai con: Bé Nhố, 4 tuổi và Bé Nhí, 2 tuổi.


Mẹ Việt có nhiều điểm cộng khi nuôi con

Trong thời gian sống ở Mỹ có khi nào Minh Trang nhận được lời khen hoặc đề nghị chia sẻ kinh nghiệm từ các mẹ Mỹ chưa? Các bà mẹ Mỹ ấn tượng nhất với mẹ Châu Á nói chung và mẹ Việt Nam nói riêng ở điểm nào?

- Trong một lần mình đưa con gái đi khám sức khỏe định kỳ lúc tròn 1 tuổi, bác sỹ của bạn Nhí (con gái út của Minh Trang) hỏi về thức ăn hiện tại của bạn Nhí là gì, mình đã trả lời là bạn Nhí chủ yếu ăn các món ăn Việt Nam và do mẹ tự tay nấu. Bác sỹ của bạn Nhí khi đó vẻ mặt rất vui và nói rằng: “Tôi tin rằng bạn đã có lựa chọn rất tốt cho việc ăn uống của con, đủ chất và các món ăn Châu Á thì tốt cho sức khỏe hơn là các món ăn ở Mỹ”. (Vì ở Mỹ nhiều người sử dụng đồ ăn sẵn cho con hoặc các đồ ăn ở đây thường chứa nhiều chất đạm, chất béo). Mình nghĩ đó cũng là lời khen chung cho các bà mẹ Châu Á, chịu khó dành thời gian nấu đồ ăn dặm bổ dưỡng cho con.

Thêm một điều nữa mình nhận thấy khi đọc các sách báo về chăm con, đó là ở Việt Nam trẻ em thường không phải dùng bỉm lâu như trẻ em ở Mỹ. Độ tuổi bỏ bỉm, tã ở Việt Nam từ 1-2 tuổi (?) thì ở Mỹ tuổi trung bình bỏ bỉm lên đến 3-4 tuổi. Bởi vì hầu như các sách hướng dẫn rèn bé tự đi vệ sinh ở Mỹ đều khuyên nên bắt đầu từ 18 tháng với bé gái và 2 tuổi với bé trai, khi các bé đã có dấu hiệu sẵn sàng. Tuy nhiên mình nhận thấy ở Việt Nam các bé được bố mẹ “xi” từ sớm (vài tháng tuổi) và được “thoát” khỏi bỉm, tã nhanh hơn. Đó cũng là điểm cộng trong cách nuôi con của các bà mẹ Việt Nam.

Cách nuôi con của mẹ Việt có rất nhiều điểm cộng 1
Phấn đấu trở thành một người mẹ tích cực là một trong những "mục tiêu" làm mẹ lớn nhất của Minh Trang.

Blog cá nhân của Trang có tên là “Mẹ Vui”, có phải đó cũng là “phong cách làm mẹ” của Trang?

- Thực ra tên blog là Mẹ Vui ra đời vào những ngày mình đang cảm thấy tiêu cực và bế tắc nhất, để tự động viên chính mình. Mình luôn lo lắng rằng khi mẹ rơi vào trạng thái mất cân bằng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các con và không khí của cả gia đình, nên mình chỉ muốn giữ lại trạng thái “vui” và phấn đấu trở thành một người mẹ tích cực. Thế nên mình đã viết blog Mẹ Vui để ghi lại hành trình lớn lên cùng con và chia sẻ những niềm vui nhỏ bé của mình, vì cảm xúc là thứ dễ lây lan nhất. Mình luôn mong những người mẹ đi ngang qua trang nhật ký của mình, dù lòng nặng trĩu, cũng cảm thấy vui lây!

Khó khăn lớn nhất mà những mẹ Việt như Trang gặp phải khi nuôi con ở xứ người là gì?

- Việc sinh và nuôi con nhỏ ở Mỹ với mình có hai khó khăn lớn nhất, một khó khăn mình nghĩ đã qua được rồi, nhưng còn một điều thì vẫn đang trăn trở.

Khó khăn thứ nhất là những ngày tháng sinh em bé đầu tiên, đó là giai đoạn chuyển giao lớn về vai trò, tâm sinh lý và sức khỏe của mẹ; nhưng mình không có gia đình lớn bên cạnh hỗ trợ, mà chỉ có hai mẹ con cứ loay hoay với nhau cả ngày. Những chuỗi ngày thiếu ngủ kéo dài mệt mỏi cùng với tâm sinh lý thay đổi, hay buồn hay tủi thân làm cho mình xuống dốc về tinh thần và sức khỏe nhanh. Mình thường tham khảo các thông tin chia sẻ trên các diễn đàn từ những bà mẹ Mỹ cũng đang nuôi con như mình, để vững tâm hơn và thấy mình không “đơn độc”! Để giải tỏa tinh thần mình hay cùng con ra ngoài chơi, nhìn thấy cảnh vật và người xung quanh tinh thần cũng phấn chấn hơn. Ngoài ra mình cố gắng đưa con vào nếp sinh hoạt ổn định để bản thân mình cũng sắp xếp được thời gian nghỉ ngơi và làm các công việc khác.

Thứ hai, mình luôn mong các con sẽ nói và viết thành thạo Tiếng Việt. Tuy nhiên các con đều đã đi học nhà trẻ nên có xu hướng muốn sử dụng Tiếng Anh nhiều hơn, mặc dù nói bằng Tiếng Việt các con vẫn hiểu hết. Duy trì dạy con Tiếng Việt là điều mình vẫn luôn trăn trở. Hiện tại, nhà mình đang áp dụng phương pháp OPOL (one parent one language) - mỗi bố mẹ một thứ tiếng, có nghĩa là mẹ nói chuyện với các con bằng Tiếng Việt, còn bố nói chuyện với các con bằng Tiếng Anh, để các con có thể thông hiểu cả hai ngôn ngữ đồng thời. Và dự định tiếp theo là trước khi các con chính thức đi học tiểu học, mình sẽ dạy các con biết đọc biết viết Tiếng Việt trước.

Cách nuôi con của mẹ Việt có rất nhiều điểm cộng 2
Minh Trang luôn mong muốn các con của mình sẽ yêu và nói, viết thành thạo tiếng Việt.

Chọn sách làm đồ chơi hàng ngày cho con

Là mẹ của một bé trai và một bé gái, Trang thấy “vai trò làm mẹ” với hai con có khác nhau giữa bé trai với bé gái không?
 
- Sự khác nhau trong việc nuôi dạy con của mình không xuất phát từ giới tính mà từ sở thích và tính khí của các con. Bởi khi làm mẹ của hai bé rồi mình mới nhận thấy mỗi đứa trẻ đều rất khác nhau, vì thế không nên dùng một “công thức” hay “định kiến” nào để áp dụng lên các con. Mình tin sự thấu hiểu con sẽ mở rộng con đường cho hành trình làm cha mẹ.

Trong suy nghĩ của mình chưa bao giờ có ý niệm: “Con gái thì phải thế này, con trai thì phải thế kia”. Mình mong các con lớn lên không mang những định kiến về trách nhiệm theo giới tính. Mọi quyết định trong tương lai đều sẽ do các con tự do lựa chọn. Có lẽ vì thế mà gia đình không có sự phân biệt nào trong việc nuôi dạy Nhố và Nhí cả. Đó cũng là điều mình quan sát được và đồng tình trong cách giáo dục ở Mỹ. Trong các lớp học của các con mình đều có các loại đồ chơi như nhà búp bê, các bé trai cũng có thể tập chăm sóc em bé; hay bộ đồ chơi nhà mộc, cả các bé gái cũng gõ búa, vặn tua vít, cưa gỗ rất hăng say... Không có ai ngăn cản, không có ai so sánh, không có ai đánh giá những điều đó cả. Các bé luôn được tự do phát triển, khám phá xung quanh và chơi những thứ các bé cảm thấy hứng thú.

Cách nuôi con của mẹ Việt có rất nhiều điểm cộng 3
"Mình mong các con lớn lên không mang những định kiến về trách nhiệm theo giới tính".

Trong rất nhiều các “mục tiêu” nuôi dạy con (ví dụ, sức khỏe, trí tuệ, cảm xúc, an toàn…), mối quan tâm lớn nhất của Trang dành cho các con là gì?

- Mình nghĩ mục tiêu nuôi dạy con của cha mẹ là gì thì con sẽ phát triển theo hướng đó. Nên mối quan tâm lớn nhất của mình là sự phát triển cân bằng của con cả về thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Chính vì thế mình rất thích đọc các tài liệu tìm hiểu từng giai đoạn phát triển của con cả về thể chất, tâm lý và khă năng lĩnh hội kiến thức để dễ dàng đồng hành với con, không “bỏ lỡ” cơ hội của con hoặc không thúc ép con quá đà.
 
Để có sức khỏe tốt, mình cố gắng đưa con vào nếp sinh hoạt điều độ gồm ba hoạt động: ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ và vận động đủ. Mình học hỏi được từ chương trình ở lớp của con là 1 ngày các con sẽ được ra sân chơi 2 lần (sáng và chiều) để rèn luyện thể chất và thích nghi khí hậu. Khi được vận động đầy đủ con sẽ ăn ngon miệng và ngủ sâu giấc hơn. Mình cũng chú trọng giúp con hiểu và gọi tên được các loại cảm xúc, và cách giải tỏa những cảm xúc không tốt. Các hoạt động phát triển trí tuệ mình không đặt nặng việc dạy nhồi nhét dạy con thật nhiều kiến thức từ sớm, mà để con tiếp xúc một cách tự nhiên với mọi thứ xung quanh thông qua quan sát, rồi ghi lại suy nghĩ và trải nghiệm bằng tranh vẽ, bằng cách trò chuyện và cuối cùng là đọc nhiều sách cho con.

Nếu được chọn 03 món đồ chơi duy nhất cho các con, thì mẹ Trang sẽ chọn những đồ chơi gì và vì sao?

- Ba món đồ mà hai con của mình luôn ưu ái “sờ” đến hàng ngày là sách, lego, và bút màu-giấy vẽ. Các con thích sách có lẽ là do thói quen được cô giáo ở lớp và bố mẹ ở nhà đọc cho hàng ngày, nên ngay cả những lúc tự lọ mọ chơi một mình cả hai đều thích lấy hết quyển này đến quyển khác, lật giở từng trang, rất chăm chú xem tranh như là đang “nghiên cứu” vậy. Với lego và bút giấy vẽ các con được thỏa sức “sáng tác” các “tác phẩm”. Chính vì thế mà ngày nào cũng chơi những món đồ đó các con cũng không chán!  

Cách nuôi con của mẹ Việt có rất nhiều điểm cộng 4
"Ai chơi với con nhiều hơn thì “được” nhiều hơn chứ, nên hai vợ chồng mình hay nhắc khéo nhau: “Bố mẹ tranh thủ yêu con đi, chơi với con đi!"

Trang và ông xã "phân công" vai trò, nhiệm vụ trong việc nuôi dạy con như thế nào? Có lúc nào mẹ cảm thấy "thiệt" vì phải dành nhiều thời gian bận rộn với con cái hơn bố không?

- Nhà mình việc phân công không rõ ràng lắm, nên ai cứ thấy có việc gì thì làm thôi. Ở nhà mình vẫn hay đùa nhau: “Mẹ là trung tâm ăn uống còn bố là trung tâm giải trí” tức là mẹ chăm ăn, bố chăm chơi cho các con. Nhưng thời gian nào bố bận thì mẹ đảm nhiệm cả hai, còn khi nào mẹ bận thì đương nhiên cờ lại trao vào tay bố. Chỉ có mỗi việc tắm cho con là được phân công rõ ràng nhất, bố tắm cho con trai, mẹ tắm cho con gái để tiện dạy các con việc chăm sóc vệ sinh cá nhân.

Còn việc thiệt hơn mình lại nghĩ, ai chơi với con nhiều hơn thì “được” nhiều hơn chứ, nên hai vợ chồng mình hay nhắc khéo nhau: “Bố mẹ tranh thủ yêu con đi, chơi với con đi, không hai đứa lớn vù lên không thèm chơi với mình nữa đâu”. Hạnh phúc tràn đầy của mình là giản dị hàng ngày, thấy con ăn ngoan, ngủ yên giấc, chơi đùa đến mệt nhoài, là nghe những “phát biểu” ngộ nghĩnh không có một chút gì bị giới hạn trong suy thức của con. Đó là những điều tuyệt vời nhất mà mình đang tận hưởng của việc làm mẹ!
Chia sẻ