Cách giúp trẻ vượt qua nỗi đau mất người thân
Người thân đột ngột ra đi vì những yếu tố khách quan, bệnh tật, sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý trẻ.
Lưu ý từng độ tuổi của trẻ
Mất mát và nỗi đau có tác động đáng kể đối với con người về mặt tâm lý. Mất mát thường được gắn với những thứ có thể lấy lại được.
Trong khi đó, nỗi đau có thể liên quan tới những điều mang tính vĩnh viễn, như ly dị hay người bạn hoặc thành viên trong gia đình qua đời.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường không hiểu rằng cái chết là vĩnh viễn và có thể hỏi liệu người mới qua đời có trở về hay không? Trẻ có thể có các hành vi khác như níu lấy người chăm sóc hoặc thể hiện hành vi rút lui, né tránh như tè dầm. Những hành vi này rất phổ biến và sẽ dừng sau một khoảng thời gian nhất định.
Trẻ trong độ tuổi từ 6 tới 11 bắt đầu hiểu rằng cái chết là mãi mãi mặc dù một số trẻ 6 tuổi có thể vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu khái niệm này.
Tâm lý trẻ có thể lo lắng rằng những người thân trong gia đình và bạn bè sẽ qua đời. Trẻ có thể bắt đầu đặt ra thêm nhiều câu hỏi và muốn hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Trẻ có thể thể hiện nỗi đau buồn bằng sự tức giận và cảm thấy đau nhức về thể chất.
Thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên hiểu rằng cái chết là điều không thể thay đổi và xảy ra với tất cả mọi người, bao gồm cả chính các em. Các em thường muốn tìm hiểu lý do của sự việc. Phản ứng của các em đa dạng và có thể bao gồm thờ ơ, tức giận, buồn bã tột độ và kém tập trung.
Theo UNICEF Việt Nam, tùy thuộc vào độ tuổi, khả năng nhận thức, mối quan hệ của trẻ với người mới mất, mà phản ứng của trẻ rất khác nhau.
Cách các thành viên khác trong gia đình phản ứng, cũng như văn hóa và xã hội nơi trẻ sinh sống cũng tác động đến tâm lý trẻ khi có người thân qua đời.
Hãy tìm một nơi an toàn và yên tĩnh để nói chuyện với trẻ và cân nhắc về những điều bạn sẽ nói.
Nếu là trẻ nhỏ có vật yêu thích, đồ chơi, hay vật khiến con cảm thấy thoải mái và thích mang theo, hãy để trẻ cầm vật đó.
Hãy nói chậm và ngắt nghỉ thường xuyên để trẻ có thời gian hiểu và bạn cũng có thời gian để kiểm soát cảm xúc của chính mình.
Hãy đồng cảm và thành thật với trẻ ở mọi độ tuổi, đảm bảo rằng bạn nói rõ ràng với trẻ nhỏ và không dùng ngôn từ phức tạp. Sử dụng từ ngữ như “chúng ta "mất" ai đó” sẽ làm trẻ nhỏ bối rối hơn vì trẻ không hiểu điều đó nghĩa là gì.
Kiên nhẫn với cảm xúc của trẻ
Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Lisa Damour đưa ra lời khuyên như sau: "Người lớn nên sử dụng giọng nói ấm áp và dịu dàng: "Bố/mẹ có tin rất buồn. Ông của con đã qua đời. Điều đó có nghĩa là cơ thể ông dừng hoạt động và chúng ta sẽ không thể gặp lại ông được nữa.
Việc sử dụng ngôn từ trực tiếp như vậy có thể khó khăn đối với bậc cha mẹ, nhưng nói thật và rõ ràng là điều quan trọng".
Tổ chức Hỗ trợ Sức khỏe Tâm thần và Tâm lý Xã hội khuyên rằng, người lớn cần cho trẻ thời gian để tiếp thu thông tin.
Trẻ nhỏ có thể phản ứng bằng cách tỏ ra là không nghe. Hãy kiên nhẫn và đợi trẻ chú ý.
Hãy chuẩn bị với việc trẻ có thể lặp lại các câu hỏi, ngay tại lúc đó và trong nhiều ngày, nhiều tuần tiếp theo.
Hãy kiểm tra xem trẻ có lối suy nghĩ “lạ kỳ” nào hay không. Một số trẻ có thể lo lắng rằng lời nói hoặc hành động của trẻ gây ra cái chết đó. Ở mọi độ tuổi, trẻ đều có thể cảm thấy có lỗi.
Vì vậy, hãy kiểm tra xem trẻ có cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về điều đó theo bất kỳ cách nào hay không.
Nhiều người cố tỏ ra cứng rắn để con cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, việc thể hiện nỗi buồn trước mặt con là hoàn toàn tự nhiên.
Nếu bạn buồn và khóc, hãy nói với trẻ về cảm xúc của bạn và trấn an trẻ rằng không có điều gì sai với việc thể hiện cảm xúc của bản thân và cho người khác thấy. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu, trải nghiệm, và thể hiện cảm xúc của trẻ tốt hơn.
Hãy tìm cách tổ chức buổi lễ để kỷ niệm, tưởng nhớ, và thể hiện tầm quan trọng của người đã mất với tất cả mọi người.
Tìm cách để trẻ kết nối với người đã mất, thể hiện tình yêu và tầm quan trọng của người đó trong cuộc đời của trẻ.
Trẻ có thể muốn vẽ một bức tranh, đọc một bài thơ, hoặc đọc những điều trẻ đã viết về người đã mất, hay hát một bài hát.
Để giúp trẻ vượt qua cú sốc sau khi người thân đã qua đời, người lớn cần tiếp tục chăm sóc và yêu thương con.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ cảm thấy an tâm và được yêu thương thông qua tương tác thể chất như ôm ấp, thể hiện tình cảm yêu thương, ấm áp.
Cố gắng duy trì lịch hàng ngày như thường lệ, với thời gian dành cho các hoạt động như dọn dẹp, học tập, tập thể dục và vui chơi.
Nếu trẻ thể hiện hành vi thách thức hoặc né tránh, hãy hiểu đó là cách trẻ thể hiện những gì mà các em không thể nói ra thành lời và không phạt trẻ.
Đảm bảo rằng những người bạn khác của trẻ được giáo viên hoặc cha mẹ các em thông báo về những gì đã xảy ra để có thể hỗ trợ trẻ khi trở lại trường học.
Cần lưu ý rằng, người lớn không thể giúp trẻ nếu chính bạn không khỏe. Hãy ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, tập thể dục, dành thời gian để thư giãn và gặp người có thể hỗ trợ bạn về mặt cảm xúc…
Để trẻ vượt qua cú sốc khi người thân qua đời, điều quan trọng nhất là không che giấu và trì hoãn việc nói sự thật với trẻ.
Muốn bảo vệ trẻ là hành vi tự nhiên, nhưng điều tốt nhất là hãy thành thực.
Nói với trẻ về điều đã xảy ra cũng sẽ khiến trẻ tin tưởng bạn hơn và giúp trẻ đối mặt tốt hơn khi người thân qua đời.