Hãy nhớ, nỗi đau luôn thuộc về... con trẻ!

Vũ Lương,
Chia sẻ

Sống trong một gia đình không trọn vẹn, trẻ hình thành tâm lý sợ hôn nhân, lo lắng gia đình tương lai của mình có thể bị đổ vỡ như hôn nhân của cha mẹ.

Trong nhật ký 4 năm trước, T.T (17 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) viết: "Con đau và dằn vặt khi nghĩ về ba mẹ. Con thật sự rất sợ và mất ngủ mỗi lần cả hai cãi nhau rồi dùng đến bạo lực. Rốt cuộc, không biết con đã làm gì sai".

Con về nhà ai?

T.T là đứa trẻ ngoan, học giỏi nhưng ít nói, dễ khóc. Nhiều năm sau ngày cha mẹ ly hôn, T. thừa nhận chưa quên được những trận chửi bới, đụng tay đụng chân của cha mẹ. "Gần 4 năm không có mẹ đi cùng, con thấy nay mình đã trưởng thành hơn. Hôm trước, con bị trật cổ chân phải đi viện, giá mà có mẹ thì chắc con sẽ đỡ đau hơn. Ở đây, vợ mới của ba không thương con nhiều, nhưng mẹ đừng quá lo lắng vì con đã là học sinh cấp 3" - ở một trang nhật ký khác, T.T viết.

T. kể dù cha mẹ hay cãi nhau, cũng có lúc em nghĩ họ nên chia tay nhưng khi cả hai ly hôn, em rất đau và giận. Đau nhất là từ lúc đó, em đã mất một gia đình trọn vẹn khi cha và em sống một nơi, mẹ và em gái ở một nơi khác.

"Ngày xưa, nghe bạn bè kể chuyện ba mẹ ly hôn, em nghe thì biết vậy. Đến khi mình gặp, em mới hiểu ly hôn là sao, thấy thương mình, thương em gái và thương cả những bạn có hoàn cảnh như mình. Theo thời gian, em chấp nhận hiện thực và quen với cảm giác thiếu mẹ, dù nhớ nhiều" - T.T tâm sự.

Hãy nhớ, nỗi đau luôn thuộc về... con trẻ! - Ảnh 1.

Gần cuối năm 2022, khi N.N.M.A (học lớp 7) đang thi học kỳ I thì cha mẹ chia tay. Em về sống với cô ruột để tiện cho việc đi học. Mẹ và em gái dọn đi nơi khác ở. "Lúc đó, con cố gắng để không nghĩ tới chuyện buồn của gia đình nhưng không sao thoát ra được. Con giận cả ba và mẹ. Con khó tập trung, hay quên nên ảnh hưởng đến điểm kiểm tra. Con không quen với việc mỗi cuối tuần ba mẹ hỏi: "Tuần này, con về nhà ba hay nhà mẹ?". Từ bao giờ từ "nhà mình" đã không còn. Cái Tết vừa rồi với con rất lạ, cả nhà không quây quần bên nhau đón giao thừa, mùng 1 qua nhà nội chúc Tết, mùng 2 về nhà ngoại ở quê. Năm nay, con và em về nhà ngoại ăn Tết, ba qua nhà nội. Cứ như vậy cho đến hết Tết" - M.A kể mà mắt rưng rưng.

Từng có gia đình hạnh phúc cho đến năm 10 tuổi, ngày cha mẹ chia tay, chị Trúc Nhã (35 tuổi, ngụ Bình Định) sống với mẹ nhưng chuyện ly hôn gây ra vết thương và nỗi đau âm ỉ đến tận hôm nay.

"Ngày ông nội mất và bà nội dọn về sống với gia đình, ba yêu cầu mẹ phải nghỉ việc hẳn để chăm lo cho gia đình dù thích công việc hiện tại. Nhưng bà không thích mẹ, gây khó dễ vì không sinh được con trai. Trong khi ba thương bà nên chẳng cần xét đúng sai đã vội trách mắng mẹ, nhiều lần tôi chứng kiến mẹ khóc. Sau đó, ba có người khác rồi họ quyết định ly hôn. Đã hơn 20 năm nhưng những ký ức ngày đó vẫn còn như mới hôm qua. Nó ám ảnh đến nỗi trước ngày kết hôn, tôi bắt chồng phải ký cam kết một số điều vì sợ mình rơi vào tình cảnh giống mẹ" - chị Nhã kể.

Chuẩn bị kỹ tâm lý cho con

Theo chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy (Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight), khi hôn nhân đổ vỡ, người lớn thường biết cách kiểm soát cảm xúc và vực dậy nhưng con trẻ không hiểu và không chấp nhận được nên tổn thương tâm lý lâu dài.

"Khi quyết định ly hôn, vợ chồng cần chuẩn bị thật kỹ về mặt tâm lý cho con. Trong đó, lựa chọn thời điểm ly hôn phù hợp; tránh thay đổi môi trường sống đột ngột; trò chuyện thẳng thắn và lắng nghe con là rất quan trọng. Đồng thời, xoa dịu tâm lý của con bằng hành động nhẹ nhàng và câu nói chữa lành: "Từ nay, con có hai ngôi nhà để trở về", "Ly hôn không phải là cha mẹ không còn thương con nữa" - bà Mai Thanh Thủy chia sẻ.

Bà Mai Thanh Thủy lưu ý trẻ chịu nhiều tổn thương cảm xúc nên cần thời gian để bình ổn. Nhiều trẻ đổ lỗi cho việc ly hôn của cha mẹ là do mình nên sẽ đau khổ, mệt mỏi, có thể đối mặt với các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu… Trẻ sẽ khó tránh khỏi cảm giác cô đơn, bất lực dù được cha/mẹ bù đắp. Chưa kể, với trẻ nhạy cảm, cha mẹ ly hôn là đả kích lớn, có thể thay đổi hoàn toàn tính cách trẻ theo hướng trầm lặng, khép kín. Đáng nói, một số trẻ còn xuất hiện tâm lý chống đối cha hoặc mẹ sau khi họ ly hôn.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An cũng cho rằng sống trong gia đình không trọn vẹn, trẻ hình thành tâm lý sợ hôn nhân, lo lắng gia đình tương lai của mình có thể bị đổ vỡ như cuộc hôn nhân của cha mẹ.

"Gia đình mà trẻ được quan tâm, chiều chuộng từ nhỏ, không có dấu hiệu báo trước đổ vỡ, trẻ sẽ bị sốc tâm lý trước quyết định ly hôn của cha mẹ. Ngược lại, trong gia đình mà cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn, trẻ dễ dàng chấp nhận chuyện ly hôn nhưng chứng kiến sự thù hằn của cha mẹ sẽ tạo cho trẻ cách cư xử không đúng, trong khi lứa tuổi này cần được học về cách sống. Nên sự ổn định về nếp sống và kỷ cương trong gia đình là rất quan trọng" - ông Nguyễn Hải An nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Nguyễn Hải An, khi ly hôn, hãy cố gắng giữ nguyên vai trò làm cha mẹ; không đặt con vào câu chuyện của cha mẹ vì trẻ chưa đủ chín chắn để xử lý. Cảm xúc nuối tiếc của trẻ là hoàn toàn tự nhiên nhưng theo thời gian, trẻ sẽ chấp nhận ở mức độ nào đó.

Giải pháp giúp trẻ mạnh mẽ, sống lành mạnh hơn phụ thuộc vào sự khôn khéo của người cha, người mẹ.
Chia sẻ