Cách dạy cháu sai lầm của ông bà nội
Cứ mỗi lần có đứa trẻ con hàng xóm sang chơi là cu Bin lại vội vàng mang hết đồ chơi và đồ ăn cất đi.
Bin chỉ để lại vài thứ đồ chơi hỏng và vài loại quả mà mình không thích ăn. Bố Bin thấy vậy thì ngạc nhiên vô cùng. Chỉ sau chuyến công tác 2 tháng xa nhà, trở về bố thấy Bin hoàn toàn thay đổi.
Trước kia, bố Bin vẫn thường khen con trai có tính “quảng đại” vô cùng. Bin rất thích trẻ con, cứ có đồ ăn là chia hết cho đứa trẻ này lẫn đứa trẻ khác. Có lần, hai bố con đi dạo thì gặp một em bé ngồi vạ vật ở góc đường. Thằng bé lớn hơn Bin 1 - 2 tuổi, chắc là đang đứng chờ mẹ bán vài gói tăm bông cho khách. Thấy Bin ăn gói bim bim to, thằng bé nhìn chằm chặp và nuốt nước miếng ừng ực. Bố chưa kịp nói gì thì Bin đã nhanh nhảu: “Anh ăn không, cho anh này”. Nói rồi, Bin chạy ra bốc một nắm bim bim thật to đưa cho thằng bé kia. Bố Bin nhìn con mà thầm tự hào lắm.
Bin càng lớn càng lười ăn, cứ đến bữa là lảng tránh, ông bà cho Bin ăn cũng phát mệt. Bin ngậm rất lâu hoặc nhai mãi không nuốt. Mỗi lần như vậy, ông bà thường nhắc: “Bin nuốt đi, ăn nhanh lên không là các bạn sang ăn hết bây giờ. Các bạn ăn tham lắm nhé, không phần Bin đâu”. Thế là Bin nhai vội vã rồi nuốt để ăn miếng khác. Và miếng khác lại ngậm, ông bà lại nhắc…
Đồ chơi cũng thế, Bin có thói quen để đồ chơi bừa bãi và không bao giờ thu dọn dù ông bà có nhắc nhở bao nhiêu lần. Thế là ông bà lại nghĩ là một “chiêu”: Mỗi lần muốn Bin dọn đồ chơi, ông bà lại nói: “Kìa thằng cu Tí sang lấy đồ chơi của Bin kìa, Bin dọn nhanh lên, cất đi không nó lấy mất”. Hoặc “Úi các bạn sang xin đồ chơi của Bin kìa, các bạn chơi phá lắm, hỏng hết đồ chơi, phí tiền của bố mẹ Bin mua lắm, cất đi mau”. Thế là Bin sợ bạn lấy hoặc chơi mất đồ chơi liền vội vàng cất đi thật nhanh.
Dần dần, Bin trở thành đứa trẻ ki bo.
Thực ra, nếu không có sự “nhồi nhét” liên tiếp của ông bà nội về chuyện “các bạn ăn hết cơm hoặc chơi hết đồ chơi của Bin” thì Bin đã không phải là đứa trẻ keo kiệt đến vậy. Vì Bin chưa ý thức được đâu là đúng, đâu là sai, Bin chỉ biết nghe theo lời người lớn và tin rằng người lớn nói đúng.
Ông bà nội nói những câu mang tính “đe dọa” đến quyền lợi của Bin làm cho Bin cứ nghĩ rằng các bạn đang tranh những gì thuộc về mình nên Bin lo sợ. Chính tâm lý sợ hãi đó đã tạo cho Bin suy nghĩ phải “giữ của”, không được để các bạn tiếp xúc những thứ thuộc về mình. Và Bin trở nên ích kỉ từ lúc nào mà không biết.
Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm với Bin nói riêng cũng như với trẻ em nói chung. Ngay từ nhỏ, trẻ đã được “huấn luyện” để hình thành thói ích kỉ thì thói quen này sẽ theo trẻ tới tận khi lớn lên và từ đó trẻ sẽ có ít bạn bè, phải sống cuộc sống chỉ biết làm sao để bảo toàn mọi thứ thuộc về mình… Vô tình nó cũng làm ảnh hưởng nhân cách của trẻ, khiến trẻ không bao giờ có được tính bao dung và biết giúp đỡ người khác.