Ông bà vô tình "dạy" cháu nói hỗn với mẹ

Minh Thủy ,
Chia sẻ

Chị Chi ngồi phịch xuống ghế rồi xổ ra một tràng: “Chị chán lắm rồi em ạ. Cứ kiểu này chị không biết dạy con kiểu gì nữa đây. Con mình đẻ ra mà không được dạy mới ức chứ...".

Hôm nay chủ nhật được nghỉ, đang lụi hụi nấu cơm trong bếp, thấy chị Chi sang, biết ngay thế nào chị cũng lại sắp “kể tội” bố mẹ chồng, tôi vội vàng hỏi trước: “Chị nấu cơm chưa mà sang đây? Thế hôm nay có chuyện gì nào?”.

Được lời như cởi tấm lòng, chỉ chờ có vậy, chị Chi ngồi phịch xuống ghế rồi xổ ra một tràng: “Chị chán lắm rồi em ạ. Cứ kiểu này chị không biết dạy con kiểu gì nữa đây. Con mình đẻ ra mà cứ hễ mắng nó một câu là ông bà nội lại bênh chằm chặp, nói mình không biết thương con mới ức chứ. Mà ông bà cứ bảo dạy con từ thuở còn thơ, chẳng hiểu ông bà nội định dạy cháu kiểu gì nữa…”.

Hóa ra chuyện cũng cũ rích như mọi ngày, quanh đi quanh lại vẫn là chuyện ông bà chiều cháu. Rót cho chị cốc nước, tôi hỏi thêm: “Thế chính xác thì hôm nay ông bà ‘dạy’ cháu cái gì mà chị nóng giận thế, phải sang đây buôn ngay cơ mà?”.

Thở một hơi dài, chị Chi mới kể lể.

Chẳng là hôm qua đi làm về, thấy cả hai ông bà và Chip đang chơi đùa vui vẻ chị Chi vui lắm. Vì vừa mua được mấy cái bánh bao, định đem vào nhà cho ông bà và cháu ăn, chị Chi sững người khi con gái chạy ra đứng trước mặt mẹ gào lên: “Mẹ xấu như con ma điên”. Trong lúc chị còn chưa hiểu gì thì ông bà đã cười phá lên, bà còn hùa theo Chip: “Mẹ xấu như ma điên, Chip cũng xấu như ma điên”. Thế rồi ngay lập tức Chip quay lại vừa cười vừa hét: “Bà xấu như ma điên, ông xấu như ma điên”. Rồi cả ba cùng cười như nắc nẻ.
 

Đợi con cười chán rồi chị Chi mới nghiêm mặt gọi con lại. Chị định mắng mỏ con vài câu, thậm chí nếu cần thiết sẽ dọa đánh đón hoặc bắt đứng úp mặt vào tường, để lần sau chừa cái thói nói bậy như vậy đi. Nhưng chưa kịp nói gì thì bà nội đã vội “thanh minh”: “Nó trẻ con biết gì mà mắng nó. Mẹ nó không thấy con đang chơi vui vẻ cùng ông bà à”.

Dù rất bực mình nhưng thấy bà nội nói vậy, hơn nữa bà cũng tham gia nói những câu không hay ho đó, nên chị Chi không dám làm căng. Chị có mắng con hư thì chẳng hóa ra cũng mắng ông bà hư hay sao. Chị định bụng để tối lên phòng đi ngủ chị sẽ nhắc nhở con.

Đến giờ đi ngủ, Chip khoanh tay chào ông bà để lên phòng: “Cháu chào ông bà đầu đất sét cháu đi ngủ ạ”. Bà làm động tác giả vờ chạy theo Chip, vừa chạy vừa nói: “Á à, Chip nói bà ăn hại này, Chip đầu đất thì có, bà đuổi theo, đuổi theo”. Thấy bà làm vậy, nghĩ là hay, Chip vừa cười rất to vừa bò vội lên cầu thang, mồm không ngớt nói “ông bà ăn hại, Chip ăn hại”. Chị Chi bắt Chip quay lại, khoanh tay xin lỗi ông bà nếu không sẽ bị đánh đòn. Thế nhưng cháu chưa kịp khoanh tay thì bà đã vội vàng ra bế cháu rồi còn mắng chị: “Con nó bé đã biết gì đâu. Lớn lên tự khắc nó biết nói sao cho đúng. Trẻ con đứa nào chả bắt chước kiểu vậy. Đến bố nó ngày xưa còn nói thế nữa là. Cứ suốt ngày maawsnng với dọa đánh con thì bảo sao nó không yêu. Thôi hôm nay Chip ngủ với ông bà nhé…”. Thế là một lần nữa chị Chi đành bất lực trước cả ông bà, cả con gái. Bức xúc cả đêm, vậy là sáng nay chị phải sang đây để “giải tỏa” với tôi.

Chẳng gì thì tôi cũng là giáo viên mầm non, tôi không dám nói mình giỏi giang trong việc dạy dỗ trẻ con. Nhưng tôi cũng đưa ra một vài ý kiến để chị tham khảo.
 

Thường thì, ông bà nào cũng yêu quý và chiều cháu. Ông bà thường có tâm lý nghĩ rằng cháu con nhỏ, chưa nhận thức được sự việc, vì vậy mà ông bà sẽ làm tất cả những gì có thể miễn là để cháu vui vẻ và cười nói. Tuy nhiên, thái độ đó vô tình lại khiến cho trẻ có tính ỷ lại vào ông bà và thậm chí bị rối loạn hành vi, không phân biệt được những gì nên nói và những gì không nên nói.

Việc dạy dỗ con cháu là việc của cả gia đình, vì vậy cha mẹ không nên ngại khi góp ý cách dạy cháu với ông bà. Vì là sống chung nên có nhiều chuyện tế nhị cần tránh, nhưng với việc dạy con thì cha mẹ nên trao đổi trước để thống nhất cách dạy dỗ cùng ông bà. Nếu có sự thống nhất này thì hiệu quả giáo dục sẽ nhanh hơn và cao hơn rất nhiều.

Khi con có thái độ hay lời nói hỗn hào, cha mẹ hoặc ông bà nên tỏ thái độ nghiêm nghị. Ví dụ khi con nói: “Mẹ như con lợn ỉn” thì người mẹ cần nghiêm mặt nói: “Con nói thế là hư. Lần sau không được nói như vậy”. Với thái độ nghiêm túc khi nói, trẻ sẽ biết câu nói đó là không thích hợp, lần sau sẽ không được nhắc lại. Còn nếu như khi con nói vậy mà cha mẹ hoặc ông bà cười tán đồng thì lập tức trẻ sẽ hiểu câu đó có thể “dùng” được ở những lần sau.

Việc dạy con không phải một sớm một chiều, nhất là khi vấp phải sự phản đối của ông bà. Vì lý do này mà cha mẹ cần kiên nhẫn, dạy con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chứ đừng vì cả nể ông bà mà bỏ qua. Các biện pháp dạy con cần được kết hợp cả nhắc nhở lẫn quát nạt, thậm chí khi cần thiết có khi còn phải phạt con với các hình thức phù hợp. Ngoài ra, quan trọng nhất là cha mẹ phải giải thích cho con hiểu rằng con nói như vậy là hư, tại sao lại là hư và điều đó làm bố mẹ không bằng lòng để con biết mà không tái phạm lần sau.
 
Nghe tôi nói một hồi, chị Chi gật gù rồi đi về. Hy vọng lần này chị sẽ thành công trong việc vượt qua "rào cản" ông bà để dạy con.
Chia sẻ