Các con tự giác, cha mẹ nhàn nhã nhờ 5 quy tắc gia đình do mẹ thiết lập
Để nuôi dạy những đứa con hiểu chuyện, nghe lời, cha mẹ cần có phương pháp đúng đắn.
Nuôi dạy và chăm sóc con cái là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi cha mẹ cần học hỏi kỹ năng, quan sát, lắng nghe và thấu hiểu con mình. Mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng, bởi vậy bố mẹ càng cần đồng hành cùng con trong từng giai đoạn trưởng thành.
Gia đình cậu bé Ajin (sống tại Trung Quốc) luôn được khen là hòa thuận, hạnh phúc. Các con lúc nào cũng tự giác, đạt thành tích cao trong học tập. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, mẹ của Ajin đã thiết lập ra 5 quy tắc và yêu cầu các thành viên trong gia đình phải cùng nhau thực hiện. Đó cũng là tiền đề giúp các con tự lập, tự giác, bố mẹ nhàn nhã hơn trong việc dạy con.
5 quy tắc đó là:
1. Hãy tự làm việc nhà trong khả năng cho phép
Trẻ biết làm việc nhà không chỉ giúp con được sống trong không gian gọn gàng, sạch sẽ mà còn để bé rèn luyện thêm nhiều kỹ năng. Vậy làm thế nào để trẻ tự giác làm việc nhà, dưới đây là một số bí kíp dành cho cha mẹ:
- Dạy con làm việc nhà từ sớm: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, bé hoàn toàn có thể tự làm mọi việc trong khả năng của con. Ví dụ khi con còn nhỏ nhưng nếu được bố mẹ hướng dẫn cất đồ chơi sau khi chơi xong, hoặc thấy bố mẹ làm như vậy thì con có thể làm theo ngay.
- Dù con làm chưa tốt cũng không chê bai: Vì bé còn nhỏ nên chắc chắn không thể khéo léo như người lớn. Chính vì vậy, bố mẹ dạy con cách sắp xếp gọn gàng chứ không phải là bắt ép con dọn dẹp chuyên nghiệp.
- Không ra điều kiện, trả tiền công: Việc nhà là công việc chung, là trách nhiệm, cha mẹ nên dạy bảo chứ không đưa nó trở thành điều kiện. Một số cha mẹ có xu hướng làm như vậy vì nghĩ con sẽ dọn dẹp nhanh hơn, thế nhưng nhiều khi nó lại gây tác dụng ngược.
- Đảm bảo tính công bằng trong khi giao việc: Bọn trẻ chẳng thích cái cảnh bị giao việc nhiều hơn so với anh chị em của mình. Vì thế khi giao việc cho con, tốt nhất nên đặt ra các công việc, yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình lựa chọn. Cho con chọn trước, sau đó yêu cầu tất cả mọi người thực hiện cho đúng.
2. Không mang bực dọc của công việc về nhà
Những nỗi bực dọc ở cơ quan, những stress khi gặp phải những khó khăn trong công việc, những mâu thuẫn vợ chồng... tất cả những thứ đó thường được mang về nhà để trút, không đâu dễ bằng những đứa bé trong nhà, không chống đỡ, không nói lại… nhưng người lớn lại không nghĩ đến sau đó trong tâm hồn trẻ như thế nào, hậu quả sau này trong quá trình phát triển của trẻ ra sao.
Khi các bố mẹ không lưu ý đến điều này đã gián tiếp làm tổn thương đến tâm hồn non nớt của trẻ. Trong suy nghĩ của trẻ, bố mẹ luôn là người gần gũi nhất, che chở, chăm sóc và cũng là thần tượng với con. Khi không kiềm chế được cảm xúc lúc bực tức, bố mẹ đã vô tình làm ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc của trẻ. Một cảm xúc sợ hãi khi bố hoặc mẹ xuất hiện, điều này làm ảnh hưởng rất lớn cả về sau này trong quá trình phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Nếu tình trạng này kéo dài, sau này trẻ sẽ trở thành người nhút nhát, ngại tiếp xúc, không mạnh dạn và thiếu tính sáng tạo trong học tập.
Trong những lúc cáu giận bất kể nguyên nhân gì đã không kìm chế được và trút giận lên đầu con trẻ, sau đó đều cảm thấy mình đã sai. Điều quan trọng là nếu đã trót lỡ làm con cái bị tổn thương, thì hãy biết cách trao đổi chân thành cùng với con và nhận lỗi, không sợ điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín của mình đối với con. Như vậy, bố mẹ sẽ làm gương cho con cái nhận thức được sai, đúng để biết lỗi của bản thân và sửa lỗi.
3. Không mang thiết bị điện tử vào phòng ngủ
Nếu bạn thiết lập thời gian con được dùng các đồ công nghệ, xem tivi vào các thời điểm trong ngày thì cần chuẩn bị hoạt động tiếp theo sau khi con hết thời gian chơi. Các hoạt động này phải khiến con bạn thích thú như: đọc sách, đi chơi hay ăn một bữa nhẹ...
Nếu con bạn dừng chơi đồ công nghệ hay xem tivi vào đúng thời gian quy định mà không tỏ ra mè nheo, cáu giận thì cha mẹ nên khen ngợi con. Ví dụ, bạn có thể nói: "Cảm ơn con đã tắt máy tính bảng và ngồi xuống ăn tối". Sau khi được khen, ở lần tiếp theo, trẻ cũng sẽ dừng chơi đúng thời điểm quy định mà không hề cáu gắt hay mè nheo.
Nếu cha mẹ không làm gương thì rất khó để đặt giới hạn thời gian tiếp xúc màn hình cho con. Nếu phụ huynh nói với con là sử dụng các đồ công nghệ, xem tivi quá nhiều sẽ không tốt nhưng bạn lại làm ngược lại thì rất khó để con tuân theo quy tắc do cha mẹ đặt ra. Cha mẹ hãy thực hiện việc giảm thời gian sử dụng đồ công nghệ, xem tivi để con cái học tập.
4. Cùng nhau tập thể dục mỗi ngày ít nhất 15 phút - 30 phút
Trẻ nhỏ cần nhất là chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Các con được vận động, chạy nhảy nhiều thì ăn uống cũng ngon miệng, ngủ ngon hơn. Dịp nghỉ lễ cha mẹ nên khuyến khích con chơi vài môn thể thao đơn giản, hoặc cả nhà cùng nhau đi bộ, đi dạo cuối tuần cũng là một ý kiến hay.
Trong những ngày nghỉ kéo dài, trẻ thường có xu hướng ăn uống, thư giãn, lười vận động hơn bình thường. Chính vì vậy, trẻ thường dễ lâm vào trạng thái ù lì, chậm chạp, không bắt kịp nhịp độ và thời gian biểu ở trường học sau kỳ nghỉ.
Chỉ cần 15-30 phút mỗi ngày là trẻ đã được tiếp thêm năng lượng. Trẻ vừa được tăng sức đề kháng, vừa ăn uống ngon miệng hơn, tránh tình trạng ù lì, mệt mỏi, nằm một chỗ. Cha mẹ đặt ra nội quy này trong gia đình vừa giúp cả nhà rèn luyện thể thao, vừa gắn kết cha mẹ và con cái.
5. Họp gia đình mỗi tuần 1 lần
Mỗi cuối tuần, cả nhà sẽ cùng ngồi lại, trò chuyện về những điều đã làm được và cần khắc phục. Trẻ rất thích lời khen ngợi, bởi vậy cha mẹ hãy dành cho con những lời khen chân thành khi bé đã hoàn thành tốt một việc nào đó. Bên cạnh đó, nếu con chưa làm tốt cũng không nên chì chiết mà hãy động viên con "mẹ biết con sẽ làm tốt hơn", "mẹ rất vui khi biết con đã cố gắng".
Không chỉ con cái, bố mẹ cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại những điều mình làm chưa tốt để tìm cách khắc phục. Muốn trở thành những phụ huynh tốt cũng cần phải rèn luyện, học hỏi thêm mỗi ngày. Cha mẹ đôi khi cũng học được nhiều bài học thú vị từ những đứa con của mình.
Theo Aboluowang.com