10 quy tắc cha mẹ ước giá như mình dạy con sớm hơn
Quy tắc dạy dỗ con cái có thể thay đổi tùy theo gia đình và văn hóa nhưng có một số quy tắc chung mà nhiều gia đình áp dụng.
Khi trở thành cha mẹ, có rất nhiều thứ cần phải học nên rất khó tránh khỏi những sai sót. Cách tốt nhất để dạy con mình là học hỏi từ kinh nghiệm của người khác và thử áp dụng lên con mình. Tuỳ theo từng đứa trẻ sẽ có những cách dạy dỗ khác nhau nhưng nhìn chung đều nên có 10 quy tắc dưới đây:
1. Tôn trọng, lịch sự
Khi muốn điều gì từ ai đó, tốt hơn hết bạn nên lịch sự, tôn trọng và không đòi hỏi quá cao.
Trẻ em cần học cách tỏ ra lịch sự khi mong đợi điều gì đó từ cha mẹ, biết ơn những gì chúng nhận được và chấp nhận những gì chúng không thể có được. Trẻ không được phép nổi cơn thịnh nộ để đạt được điều mình muốn, đặc biệt với cha mẹ.
2. Hiểu giá trị của tiền bạc
Khi trẻ có được mọi thứ mình muốn trong cuộc sống, chúng thường không biết trân trọng. Đó cũng là lý do mà trẻ luôn mong đợi những điều tốt đẹp nhất từ mọi người dành cho mình.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em nên học tầm quan trọng của việc quản lý tiền bạc, chẳng hạn như tiết kiệm để mua những thứ chúng muốn có. Suy cho cùng, chẳng có bậc cha mẹ nào lại muốn con mình trưởng thành rồi vẫn phụ thuộc vào mình.
3. Nhận thức về việc học
Giáo dục rất quan trọng để giúp trẻ đạt được mục tiêu trong cuộc sống, bất kể chúng muốn làm gì. Dù vào đại học hay trường dạy nghề, trẻ em nên được khuyến khích tự làm bài tập về nhà, cư xử tốt trong lớp và chịu trách nhiệm khi học kém.
4. Luôn nói lời cảm ơn
Cha mẹ cần dạy con mình biết nói cảm ơn khi nhận được món quà hoặc sự giúp đỡ từ người khác. Điều này sẽ giúp chúng biết ơn và tôn trọng những người thân yêu của mình.
5. Đứng dậy từ thất bại
Mọi người đều mắc sai lầm và điều đó không sao cả. Trẻ cần biết điều quan trọng nhất khi mắc sai lầm là có thể học hỏi từ điều đó. Đôi khi điều quan trọng là cho con thoải mái phạm sai lầm, không phải lúc nào cũng bao bọc và dạy con cách vượt qua những thất bại.
Nếu trẻ quên làm bài tập về nhà, chúng sẽ tự học cách chịu trách nhiệm với điều đó chứ không phải là cha mẹ làm giúp.
6. Bày tỏ ý kiến riêng
Đây là một phần quan trọng trong việc phát triển sự tự tin, khả năng ra quyết định và sự độc lập của trẻ.
Khi trẻ có cơ hội thể hiện ý kiến của mình, chúng có thể phát triển kỹ năng giao tiếp, lập luận và thể hiện ý tưởng riêng. Điều này giúp trẻ hiểu rằng, ý kiến của chúng quan trọng và được đánh giá cao, tạo ra một môi trường khuyến khích sự sáng tạo và tư duy độc lập.
7. Ăn tối cùng với gia đình
Một bữa tối gia đình vui vẻ, nơi mọi người quây quần cùng nhau sẽ giúp gắn kết các thành viên. Thêm vào đó, bữa tối cũng là thời điểm hoàn hảo để dạy thói quen ăn uống lành mạnh và phép xã giao đúng mực.
8. Không phải lúc nào cũng có thứ mình muốn
Trong quá trình dạy dỗ con cái, điều quan trọng là giúp trẻ hiểu rằng không phải lúc nào cũng có thể có những gì chúng muốn và rằng đó không phải là điều tự động trong cuộc sống. Việc trẻ học cách đối mặt với những thất vọng và thực hiện những nỗ lực để đạt được mục tiêu là một phần quan trọng của quá trình phát triển và trưởng thành.
Trong khi đó, cha mẹ và người chăm sóc cần thể hiện sự lắng nghe và hiểu rõ mong muốn của con cái, nhưng cũng cần đặt ra những giới hạn và quy định hợp lý để giúp trẻ hiểu rằng không phải lúc nào cũng có thể được thỏa mãn ngay lập tức. Điều này giúp trẻ em học cách xử lý thất vọng, kiên nhẫn và tìm cách thích nghi với những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
9. Làm việc nhà
Trong khi việc học ở trường rất quan trọng, những bậc cha mẹ không mong đợi con mình làm việc nhà để chúng có thể dành toàn bộ thời gian cho việc học đang đẩy mọi thứ đi quá xa.
Trẻ em không chỉ cần học tầm quan trọng của trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ mà còn phải học cách tự chăm sóc bản thân khi lớn lên.
Trẻ em cần tham gia công việc nhà, nó giúp chúng phát triển kỹ năng tự lập, xây dựng trách nhiệm và sự đóng góp, hiểu được giá trị lao động.
10. Luôn ăn hết những gì trên đĩa
Trừ khi con bạn bị dị ứng nhất định, trẻ nên học cách ăn những gì được cho. Hãy cho trẻ biết rằng, chúng nên biết ơn khi có thứ gì đó để ăn, vì đó là điều không phải lúc nào cũng được đảm bảo trong cuộc sống. Điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ là khách ở nhà người khác.
Trẻ em cũng nên được khuyến khích tham gia chuẩn bị và nấu nướng để giúp học hỏi giá trị của những món ăn ngon.