Các chuyên gia lên tiếng cảnh báo nguy hiểm khi trẻ chơi bạt nhún: Nhảy trên bạt nhún như lấy búa đập vào đầu
Tuy bạt nhún là một trò chơi thú vị giúp trẻ tiêu hao năng lượng và đổ mồ hôi, nhưng nó lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số trẻ em bị thương do té ngã.
Ngày nay, với sự nở rộ của các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em ở khắp mọi nơi, các ông bố bà mẹ không cần phải lo lắng nắng mưa khi cho con đi chơi nữa. Đặc biệt là trong những năm gần đây, trẻ em rất yêu thích một kiểu khu vui chơi giải trí mới. Đó là khu vui chơi bạt nhún.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH) ở Singapore, tuy bạt nhún là một trò chơi thú vị giúp trẻ tiêu hao năng lượng và đổ mồ hôi, nhưng nó lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số trẻ em bị thương do té ngã.
Theo đó, vào năm 2013, chỉ có 17 trẻ em dưới 16 tuổi đã được đưa vào khoa cấp cứu tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH) vì chấn thương do té ngã có liên quan đến bạt nhún. Nhưng con số này đã tăng lên 38 trường hợp trong năm 2014 và 49 trường hợp trong năm 2015. Trong tổng số 137 trường hợp được đưa vào khoa cấp cứu của bệnh viện KKH trong khoảng thời gian từ tháng 3/2012 đến tháng 6/2016, thì sẽ có hơn 6/10 trường hợp xảy ra tại các công viên bạt nhún, còn lại là xảy ra ở nhà hoặc ở trường.
Không chỉ vậy, bác sĩ Christopher Mulligan, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình làm việc tại Bệnh viện nhi Sydney ở Randwick (Úc) cũng đã đưa ra cảnh báo về những nguy hiểm khi các khu vui chơi bạt nhún mọc lên trên khắp nước Úc: "Vào năm 2014, với việc ra mắt một công viên bạt nhún đầu tiên ở Randwick, chúng tôi đã quan sát thấy số lượng trẻ em đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng Sydney gia tăng với thương tích do té ngã trên bạt nhún xuống".
Vì sao chơi trên bạt nhún lại gây nguy hiểm cho trẻ?
Theo bà Nicole Haynes, thành viên của Hiệp hội Vật lý trị liệu Úc, thì nguy cơ chấn thương ở trẻ em do chơi trên bạt nhún rất cao và có thể trẻ sẽ phải mang thương tật suốt đời nếu bị thương nặng. Cụ thể, các chấn thương mô mềm: trầy xước, rách da, căng dây chằng và bong gân khớp là những chấn thương phổ biến nhất, sau đó là gãy xương, trật khớp, và cuối cùng là chấn thương nghiêm trọng ở cổ và đầu.
Nguyên nhân của những tai nạn này là do trong khi chơi, trẻ sẽ ít kiểm soát cũng như không tuân theo các quy tắc an toàn. Nhiều đứa trẻ chơi chung với nhau trên 1 tấm bạt nhún thì chỉ cần một đứa mất thăng bằng té ngã thì những đứa trẻ khác cũng sẽ ngã đè lên. Chưa kể, nếu trẻ từ bạt nhún nhảy cao lên và điểm đáp của việc rơi tự do này là mặt sàn thì sẽ rất nguy hiểm, trẻ có thể bị chấn thương đầu, cổ, gãy xương…
Chưa hết, đầu năm nay, một kỹ sư người Mỹ - người đã dành nhiều năm nghiên cứu thiết kế khu vui chơi bạt nhún, đã chia sẻ phát hiện của mình. Rằng sàn nhún, nơi có nhiều bạt nhún liên kết với nhau, trong các khu vui chơi có thể tạo ra sự chuyển hóa năng lượng không an toàn cho trẻ, và ông so sánh việc nhảy trên sàn nhún giống như lấy búa đập vào đầu. Đây cũng được xem như là một lời giải thích hợp lý cho gần 18.000 ca cấp cứu do chấn thương có liên quan đến bạt nhún xảy ra trong năm 2017 xảy ra ở Hoa Kỳ.
Làm thế nào để an toàn khi cho trẻ chơi trên bạt nhún?
Nếu trẻ thích nhảy trên tấm bạt lò xo, bà Nicole khuyên các bậc cha mẹ nên làm theo các hướng dẫn dưới đây để ngăn ngừa các thương tích nghiêm trọng.
NÊN:
- Người lớn cần giám sát khi cho trẻ chơi trên bạt nhún.
- Mỗi lần chỉ cho 1 đứa trẻ nhảy trên bạt.
- Trẻ em dưới 6 tuổi không nên chơi trò này.
- Đảm bảo tấm bạt lò xo trong tình trạng tốt.
KHÔNG NÊN:
- Không nhảy hoặc trèo lên lưới bảo vệ xung quanh bạt nhún.
- Không nhảy bằng chân trần, mà nên mang vớ chống trượt.
- Không được đứng từ trên bạt nhún nhảy xuống đất, thay vào đó trẻ nên ngồi xuống rồi thả người xuống từ từ.
- Không nên lộn nhào trên bạt nhún.
Nguồn: Straitstimes, Kidspot