Các bà mẹ, hãy luôn mỉm cười!
“Loại… mẹ gì ngu thế, làm như thế khác gì hại chết con!”, “Con mẹ này chẳng biết nuôi con gì cả!”, “Đấy, mẹ nó cứ chiều thế, nó hư là phải”, “Mẹ nó đâu, sao để con nhếch nhác thế này”… Bạn có thể nhìn, đọc và nghe thấy rất nhiều “kết luận”bắt đầu bằng chủ ngữ “Mẹ” như thế!
“Truyền thuyết” con hư tại mẹ
Có một câu nói nổi tiếng như thế này: “Quyết định có con là một quyết định quan trọng. Nó là quyết định để cho trái tim bạn vĩnh viễn lang thang bên ngoài cơ thể”. (Elizabeth Stone) – Câu nói đơn giản nhưng hàm chứa tất cả nỗi niềm của những bà mẹ, những người phụ nữ mà từ khi trở thành mẹ đã chẳng thể nào bảo vệ trái tim mình được nữa. Một đứa trẻ sinh ra, trở thành trung tâm của mọi điều tốt đẹp, yêu thương nhất thì đương nhiên mẹ của chúng cũng sẽ trở thành “trung tâm” của mọi điều áp lực, thậm chí là cay nghiệt nhất.
Nếu bạn làm một thống kê nho nhỏ về tên các bài báo viết về chuyện nuôi dạy, chăm sóc con cái thì bạn sẽ thấy rằng 99% chủ ngữ, chủ thể và đối tượng trong các tít bài đó đều là “Mẹ”, tốt hay xấu, đơn giản hay phức tạp, cay đắng hay ngọt ngào thì cứ phải là “Mẹ”. Đến truyền thông cũng “áp đặt trách nhiệm” lên những bà mẹ như vậy thì đâu có gì khó hiểu khi bà nội của đứa trẻ thường xuyên đánh giá “Mẹ nó dạy dỗ con như thế thì nó không hư mới lạ”, khi bố của đứa trẻ động một cái là hoảng hốt “Mẹ đâu, sao để con thế này?”, khi bất kì ai xung quanh đứa trẻ có thể phát biểu bất cứ lúc nào “Đấy! Con hư tại mẹ!”….
Các bà mẹ, hãy luôn mỉm cười. Bản năng làm mẹ có sẵn trong mỗi chúng ta. Chúng rất tuyệt vời và hãy tin tưởng vào điều đó! (Ảnh minh họa)
Làm mẹ, cần nhất là thư giãn
Cách đây ít lâu, khi theo dõi loạt bài về vụ việc các mẹ ở Hải Phòng đua nhau mua trên mạng một loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ về cho con uống để tăng cân, tôi đọc được các bình luận bên dưới các bài viết những lời lẽ phê phán, phẫn nộ về hành động “dại dột, ngu si, mông muội” của các bà mẹ trẻ mà tôi nghĩ đa phần là từ những người mẹ khác. Thực ra, trong câu chuyện trẻ biếng ăn, trẻ nhẹ ký, người khổ có lẽ không chỉ mình con trẻ. Trẻ con là nạn nhận của những viên thuốc tăng cân rởm có tiềm năng gây hại, nhưng bản thân các bà mẹ cũng là nạn nhân của tâm lý sùng bái cân nặng của đám đông. “Con em được mấy cân rồi? Sao mà còi thế? Mẹ nuôi con kiểu gì mà con bé tí thế? Mẹ ăn hết phần con rồi! Mẹ béo thế mà sao con còi vậy”... là những câu mà có lẽ bất cứ bà mẹ nào ở Việt Nam đang nuôi con nhỏ cũng từng gặp phải. Con gầy, con lười ăn, con mình không béo bằng con hàng xóm, tất cả “tội lỗi” đều đổ xuống đầu các bà mẹ. Trẻ con “ăn nhiều”, “béo tốt”, “mũm mỉm” trở thành những tiêu chí hàng đầu đánh giá sự phát triển của một đứa trẻ lẫn “trình độ chăm con” của bà mẹ.
Trong rất nhiều các tình huống tương tự như câu chuyện mua thuốc tăng cân, lỗi lầm của những bà mẹ sẽ bị xoáy sâu, bị nhai đi nhai lại mà không ai hiểu rằng, vòng luẩn quẩn áp lực đầy định kiến đó sẽ chỉ đẩy những người mẹ vào “vùng tối” sâu hơn. Chăm con, nuôi dạy con trong quá nhiều áp lực chính là nguyên nhân khiến họ “mắc lỗi”, điều họ cần nhiều hơn là sự chia sẻ, gánh vác và đỡ đần từ những người gắn bó và thân yêu nhất, là chồng, là bố mẹ chồng, là anh em, bạn bè…
Khi nhắc đến chuyện “chia sẻ trách nhiệm” nuôi dạy, chăm sóc con cái, nhiều bà mẹ tôi gặp thở dài! Họ không tin là những ông bố thích nhậu sau giờ làm, say mê thể thao đến 11, 12 giờ đêm hay bận rộn với những chuyến công tác xuyên tuần, xuyên tháng có thể ngay lập tức sẵn sàng để “chia sẻ trách nhiệm”, họ không hi vọng thế hệ ông bà với rất nhiều định kiến và “quy chuẩn” khác biệt có thể lắng nghe và thích nghi với những quan điểm dạy con hiện đại và khoa học. Họ đều rất tự tin và chủ động nhận phần trách nhiệm đó về mình! Vì thế, tôi chỉ muốn nói với họ rằng: Các bà mẹ, hãy luôn mỉm cười. Bản năng làm mẹ có sẵn trong mỗi chúng ta. Chúng rất tuyệt vời và hãy tin tưởng vào điều đó!