Ca sỹ Mỹ Linh: Mẹ không thể sống thay con
Nuôi dạy con, ngoài việc nhìn, nghe, mình còn phải cảm nhận bằng trái tim.
Cho dù là một diva thì khi trở về với gia đình, Mỹ Linh vẫn là bà mẹ tận tụy của 3 đứa con, mỗi con một tính khác nhau. Người mẹ nhạy cảm nghĩ gì, khi một ngày chứng kiến con gái yêu trở thành cô thiếu nữ 18 tuổi, háo hức muốn rời tổ ấm để bay tới những giấc mơ ở vùng trời xa lạ mà mẹ không còn bên cạnh?
Dù đã chạy marathon cả ngày với việc tập Nhạc, trả lời truyền thông về liveshow xuyên Việt Và em sẽ hát... Mỹ Linh trông vẫn tươi trẻ và đầy đặn. Mái tóc ngắn ôm gọn khuôn mặt khiến chị như trở về Hà Nội đêm trở gió ngày nào. Khi được hỏi về mái tóc, chị nói “made in Mỹ Linh đấy” chứ không phải của nhà tạo mẫu tóc nào đâu.
Nụ cười tươi hồn hậu, đôi mắt tròn to mơ màng lấn át cả tuổi thật, Mỹ Linh vui vẻ chia sẻ về gia đình của mình.
Nụ cười tươi hồn hậu, đôi mắt tròn to mơ màng lấn át cả tuổi thật của Mỹ Linh.
Thật may, tôi là người mẹ nhạy cảm
Gần đây báo chí có đưa tin về 3 em gái học lớp 7 ở Đắk Nông rủ nhau tự tử ngay trong lớp học. Những đứa trẻ ấy đều ngoan ngoãn, học giỏi và được gia đình thương yêu, quan tâm. Làm bậc cha mẹ bây giờ thật khó, chỉ cần lơi mắt một chút thôi, con mình đã gặp nguy hiểm rồi?
Tôi có biết chuyện này. Tôi thấy đó là sự dại dột, nông nổi của con trẻ nhưng đúng là ở lứa tuổi này, tâm lý của trẻ rất phức tạp.
Bản thân tôi đi hát, bận rộn như thế, có lần đi lưu diễn đến 10 ngày, khi trở về tôi nghe thái độ của các con có thể đoán chúng đang nghĩ gì, có vấn đề gì và mình phải kịp thời cởi mở để các con tâm sự. Thật may, tôi là người mẹ nhạy cảm!
Không phải người mẹ, người cha nào cũng có sự tinh tế, còn tôi rất tế nhị trong tất cả những câu chuyện của các con. Tuy nhiên, tôi rất cảnh giác vì lứa tuổi chúng bồng bột lắm, có thể nghe bạn làm trò dại dột, nên tốt nhất là để ý tới chúng.
Gia đình tôi có thói quen từ rất nhiều năm nay trong bữa cơm chiều sẽ hỏi thăm các con ở trường hôm nay thế nào.
Thường câu trả lời bao giờ cũng là: “Tốt ạ! Bình thường ạ!”. Nhưng nếu chúng chỉ ngập ngừng đôi ba giây thôi, tôi cũng sẽ tìm hiểu xem có vấn đề gì đang xảy ra.
Nuôi dạy con, ngoài việc nhìn, nghe, mình còn phải cảm nhận bằng trái tim. Như lúc con nhỏ, mình sờ đầu con để cảm nhận nó sốt bao nhiêu độ thì lúc con lớn, mình phải cảm nhận xem nó có gì khác trong giọng điệu, câu nói hàng ngày không.
Cha mẹ có quan tâm tới con, nhưng con có những thay đổi mà không biết, sự việc khi đã diễn ra đáng tiếc rồi thì rất đau xót.
Nhưng đối với những đứa trẻ được học trường quốc tế như con chị, tự lập từ nhỏ, có quan điểm rõ ràng, sự quan tâm của chị có khiến chúng khó chịu không?
Anh Duy và Mỹ Anh bắt đầu lớn nên không thích sự quan tâm quá mức của bố mẹ, thế nên mình phải thay đổi “chiến lược” để các con không khó chịu. Và tôi luôn tôn trọng chúng, không bao giờ nghĩ rằng là cha mẹ thì có quyền làm mọi thứ. Mình nói chuyện với chúng bằng thái độ tôn trọng chứ không phải theo cách của bề trên đối với bề dưới, như vậy mới có thể trở thành bạn, không gây khó chịu cho con.
Tôi luôn cố gắng chọn những từ ngữ ngọt ngào để nói chuyện với con, vì tôi muốn các con cũng ứng xử như vậy với mình. Ví dụ như tôi không bao giờ nói: “Duy ơi, sao con cẩu thả thế?”mà sẽ nói rằng: “Hôm nay mẹ thấy Duy không làm cẩn thận như hôm qua”, mình chọn từ làm sao để nó ít gây tổn thương đến con.
Tôi nhớ hồi nhỏ ăn để rơi ra ngoài, bị bố mẹ mắng: “Mồm con bị mẻ hay sao mà để cơm vương hết ra ngoài vậy?”. Tôi không bao giờ nói những câu như thế với con, mà sẽ nói:
“Duy ơi, Duy nhìn cái bàn của con kìa, ăn như thế xấu hổ chết đi được” hay chuyện con làm sai, tôi hỏi: “Con có thích việc này không?”, Duy bảo: “Con không”. “Vậy tại sao con lại bắt những người con yêu thương làm thế?”.
Nhiều người cứ tự cho mình quyền bắt con làm cái này, cái kia, mặc dù họ rất thương yêu chúng. Nhưng rõ ràng có nhiều cách trò chuyện, dạy bảo để đứa trẻ thấy được tôn trọng.
Nhà có đến ba đứa trẻ đang tuổi mau khôn, mau lớn, chị có bao giờ tức giận con đến mức không thể kiềm chế được mình chưa?
Những lúc đó tôi nói: “Mẹ đang nổi giận đấy, đừng để mẹ không kiểm soát được, tốt nhất là con đi ra và suy nghĩ về việc của mình và tí nữa quay lại nói tiếp về chuyện này.
Con đã làm những việc mà mẹ không thể nghĩ rằng con cóthể làm như thế. Con gây một sự ngạc nhiên lớn đấy”. Chỉ như thế chúng đã rất sợ rồi chứ không cần phải quát nạt, mắng mỏ. Thế nên nhiều lúc chúng vẫn trêu tôi: “Mẹ bắt đầu nổi giận đấy!” (cười).
Có lý do gì để Anna nông nổi đây?
Anna đang ở tuổi khẳng định cái tôi mới lớn, chị có buồn không nếu một ngày Anna có thể cãi mẹ?
Anna chưa bao giờ cãi! Anna giống tôi ở cách chia sẻ quan điểm của mình, như là: Con đang nghĩ thế này, con cảm thấy cần phải thế kia. Anna ứng xử như một người lớn.
Gia đình tôi chỉ đối thoại, ít khi đương đầu lắm. Tôi là người không mắng mỏ nên con cũng không có thói quen cãi lại.
Có thể mình chưa bao giờ đẩy sự việc nào đó tới mức các con phải cãi.
Đôi lúc trong đám trẻ, chúng cũng có thái độ vùng vằng, ngay khi đó mình không nói nhưng sau đó chúng bình tĩnh lại, tôi mới trò chuyện. Thường sau đó các con biết rằng chúng sai. Riêng Anna dễ thương lắm! Con sẽ nhắn tin cho tôi ngay: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Lúc đó con không cố ý như vậy đâu, mẹ đừng hiểu sai ý con” (mỉm cười).
Người ta nói làm mẹ kế không dễ, nhưng dường như chị rất thành công trong việc dạy con!
Cũng được! Câu khen này mình không từ chối (cười).
Những con chim bắt đầu trưởng thành sẽ tung cánh đi tìm vùng trời mới cho mình, chị cảm thấy thế nào khi từng đứa con sẽ lớn, rời xa mình và có cuộc sống riêng?
Đương nhiên khi con đủ lông đủ cánh, phải để cho nó bay chứ, cho nó tự đi, tự ngã và tự học. Yêu thương con nhưng không thể ôm ấp con mãi trong vòng tay mình được, như ngày xưa khi mình đã đủ lớn, cũng đâu ở bên cạnh cha mẹ mãi được.
Tôi sẽ không buồn vì ở nhà còn ông xã và nhiều công việc khác nữa. Tôi nghĩ niềm vui của mình sau này là dạy học, như vậy cũng khiến mình bận rộn rồi.
Khi bước chân ra đời, chúng có thể vấp ngã, thất bại. Chị sẽ làm gì để giúp con bớt ngã đau hơn?
Với những đứa trẻ khi xa nhà, chúng cần tình cảm ấm áp từ gia đình. Khi mình luôn dành cho con sự ấm áp ấy, chúng sẽ hướng về nơi chúng từng sinh ra và lớn lên, chúng luôn nhận được tình cảm, lời khuyên từ cha mẹ thì sự vấp ngã sẽ bớt đi nhiều.
Nhưng tốt hơn là trước khi để con sống bên ngoài, mình sẽ trang bị cho chúng kiến thức, kỹ năng sống. Và khi cảm thấy tin tưởng chúng, mình sẽ để cho chúng đi, khi ấy sự lo lắng cũng không còn nhiều nữa.