Bùng nổ trend túi hiệu vintage: Khi những item cũ kĩ lại được hội sành mặc săn lùng còn hơn cả hàng mới ra
Ngoài việc có giá thành hợp lý hơn thì những chiếc túi hiệu vintage còn mang nhiều giá trị hơn thế, khiến các tín đồ thời trang khó mà cưỡng lại được.
Đều đặn mỗi năm, khi một chiếc điện thoại X ra đời thì đồng nghĩa với việc chiếc Y tiền nhiệm sẽ "về vườn". Sự "auto" thất sủng này vốn là điều dễ dàng đoán trước. Tương tự với các đời laptop, TV hay các thiết bị điện tử nói chung. Nhưng ở thế giới thời trang phù phiếm thì khác, câu chuyện có thể bẻ hướng 180 độ. Túi mới, đôi khi lại chưa hot hay được săn đón ráo riết như những item có tuổi thọ tới vài chục năm tuổi. Vì sao? Vì thời của những chiếc túi vintage đã thực sự đến.
Theo thống kê của WWD thì trên thực tế, xu hướng sử dụng túi vintage đã bắt đầu nhen nhóm "bung lụa" từ năm 2015, khi mà người ta thấy rằng giới trẻ bắt đầu "sục sạo" các thrift shop để lùng mua chiếc túi yên ngựa trứ danh. Dần dà, bóng hình của những chiếc Prada Nylon Bag, Prada Chain Bag, Chanel Belt Bag... bắt đầu xuất hiện với các cô It Girl với tần suất dày đặc hơn. Thị trường túi vintage ở Mỹ, ở các nước châu Âu hay đặc biệt là Nhật thì náo nhiệt như một lễ hội âm nhạc với đủ thứ âm thanh sôi động vậy. Còn ở Việt Nam, xu hướng "chơi" túi cổ phải tới năm nay mới thực sự bùng nổ một cách choáng váng.
Chưa bao giờ như bây giờ, từ các fashionista, KOLs như Khánh Linh, Quỳnh Anh Shyn, Hạt Mít, Mai B... tới lứa ca sĩ, diễn viên như Chi Pu, Bích Phương, Tóc Tiên, Hiền Hồ... thay vì đua nhau mua một chiếc túi vừa "ra lò" lại hết sức tranh cướp sắm một chiếc túi "cũ rích" có niên đại nên đến cả chục hay hàng chục năm trời. Chuyện nghe vô lý nhưng thực ra lại hợp lý vô cùng.
Kỳ tình, dân tình bây giờ giàu lắm, chưa kể tới các KOLs hay người nổi tiếng mà chỉ khoanh vùng các cô chủ shop bây giờ cũng thấy, họ dư dả vô cùng. Đối với họ mà nói, bỏ ra tới 115 triệu (hoặc hơn) để rinh một chiếc Chanel Classic Flap Bag phiên bản 2019 nói thực chẳng khó khi mà doanh thu hàng tháng qua việc bán quần áo hay mở tiệm nail đã có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng nếu được chọn lựa, sẽ có rất nhiều trong số họ muốn mua chiếc túi ấy phiên bản những năm 80s, tức là 33 năm tuổi đời với giá 56 triệu. Làm một phép so sánh nhẹ, 56 triệu với 115 triệu tất nhiên là đẹp ví hơn nhưng 56 cho một chiếc túi "cũ" có phải là con số mát tai vừa mắt không? Câu trả lời là có, nếu bạn đánh giá nó là một siêu phẩm để đời và bạn là một trong số ít có thể săn được nó.
Giá trị của một chiếc túi vintage, không chỉ nằm ở cách nó giải quyết cho bài toán kinh tế mà còn nằm ở sự hay ho, tính độc lạ và "phương thức" nó khiến người ta thỏa mãn sau khi mua.
Vẫn biết rằng, túi hiệu sinh ra là để bán cho nhiều người xài (trừ khi bạn là Lisa, là Victoria Beckham, là Kylie Jenner... hay ti tỉ cô có tầm ảnh hướng khác được các nhà mốt thiết kế riêng) nhưng chính bản thân chúng ta đôi khi cũng không mấy thuận mắt khi thấy có người sắm đồ y chang mình. Chính cái tâm lý muốn "độc quyền", muốn trở thành duy nhất lại thành một nguồn cơn nữa thôi thúc dân tình mua túi vintage nhiều hơn.
Rõ ràng là, túi hiệu mới tinh thì ai mà chẳng mua được, cái chính là đủ hầu bao. Còn túi vintage lại khác, đôi khi bạn có tiền cũng chưa chắc là bạn đã dư khả năng "săn hàng" vì số lượng thì quá ít ỏi còn người mua thì nhiều vô số.
Chính Quỳnh Anh Shyn, tín đồ trung thành của đồ vintage cũng phải công nhận rằng một trong những lí do khiến họ mê những item này là là bởi sự độc nhất. "Túi vintage rất hiếm, có những mẫu chỉ có 1, 2 chiếc thôi nên cảm giác khi xách được chúng, mình cũng tự thấy mình thật đặc biệt. Đó là chưa kể đến việc kiểu túi này rất cool, rất xinh và giá cả thì phải chăng nữa, mua 3 chiếc túi vintage mới bằng một chiếc túi mới. Đặc biệt, nó còn có mối liên kết mạnh mẽ với phong cách retro vintage mà mình theo đuổi: cổ điển và cực kỳ thu hút".
Ví von chẳng ngoa nhưng túi hiệu vintage giống như một bình rượu mơ, càng để lâu thì càng khiến người ta mê mệt.
An Toe - một trong những tín đồ trung thành của túi vintage luôn khẳng định chắc nịch: "Đối với mình thì thời trang không có giới hạn về thời gian, món đồ đó mới hay đã có cả chục năm tuổi với mình không phải là mối quan tâm chính. Điều quan trọng nhất vẫn là mình cảm thấy nó phù hợp với bản thân, thì mình sẽ đầu tư không ngần ngại. Cái thú vị nữa là những chiếc túi mà mình săn được không phải là hàng đại trà, lại mang lại một câu chuyện riêng, một cột mốc thời gian đánh dấu sự ra đời, đó mới là những giá trị đáng để mình bỏ tiền."
Mai B - một trong các Hot Instagramers cũng đồng tình: "Với mình mà nói mua túi vintage khá thú vị, nếu bạn biết cách lựa chọn và phối trang phục thì sẽ trở thành món đồ độc cho tủ đồ của mình. Hơn thế, khi may mắn săn được những chiếc túi đến từ brand lớn mà tình trạng còn rất mới thì mình thấy cũng rất kinh tế. Độc, lạ, giá phải trả thấp hơn rất nhiều một chiếc túi hàng hiệu mới tinh là những điểm cộng của túi vintage."
Sâu xa hơn thì như Diep Nguyen, chủ shop "Tủ Đồ Của Veo" từng giãi bày trên mạng rằng: càng yêu thời trang, càng yêu túi hiệu thì bạn sẽ càng thích túi vintage vì ẩn sau nó là những "điển tích", những câu chuyện cực kỳ thú vị. Tưởng tượng mình đang cầm trên tay một chiếc Celine Box Bag hai chục năm trước với những kiểu khóa ngựa, khóa tròn khó kiếm phải nói là phấn khích, hay thậm chí là xúc động hơn rất nhiều với khóa chữ nhật tối giản như bây giờ.
Hay như Dung Nguyen, chủ xị của "Vintage by Cohai" chia sẻ: "Mình cực kỳ thích sự độc lạ của túi vintage và những câu chuyện lịch sử đằng sau. Hay nói đúng hơn mình bị nghiện chúng, nghiện tới độ cứ rảnh là đi mày mò những chỗ bán đồ vintage, thậm chí còn bay sang hẳn nước ngoài để săn cho tiện. Sau vì thích quá nên quyết định bán luôn, coi như một cách lan truyền văn hóa này, kết nối các bạn cùng đam mê và góp phần nhỏ để giúp thời trang luôn bền vững."
Đó là còn chưa kể, mua túi hiệu vintage còn khiến người ta cảm thấy mình rất... hời.
Túi hiệu thì ai cũng thích, xin khẳng định là như thế nhưng chẳng hạn với mức lương 20 triệu, người ta sẽ thấy câu chuyện mua Dior Saddle mới cứng với giá hơn 60 triệu từ tiệm rước ra thật khó. Đổi lại, vẫn là Dior Saddle nhưng nếu là phiên bản vintage 25 - 30 triệu thì bài toán kinh tế lại dễ giải hơn rất nhiều.
Hoặc thay vì, đau đáu về một chiếc Louis Vuitton Twist Bucket Bag 2019 mới "tinh tình tình" tận 50 triệu trở lên thì việc săn tìm phiên bản tiền nhiệm của nó là Louis Vuitton Depaul với giá loanh quanh 14 triệu sẽ giúp bạn nhẹ lòng hơn nhiều. Câu chuyện tương tự với Celine phiên bản cổ truyền với phiên bản hiện đại. Một chiếc Celine Triomphe Bag 2019 hiện được bán đâu đó hơn 70 triệu còn version vintage của nó, với phom dáng lẫn chi tiết khóa y chang lại từng chỉ trên dưới 25 triệu (tất nhiên sau đó giá đã được thị trường vintage đẩy lên chút đỉnh do sự xuất hiện của Triomphe).
Đấy, mua được một chiếc túi có quá nhiều điều hay ho đã vui rồi, lại còn mua được với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với đồ cứng cựa trong store thì hẳn phải là niềm vui nhân đôi. Thành thử, sau cái sự hân hoan độc lạ thì người ta còn thấy mình rất hời, ở cả khía cạnh tinh thần lẫn kinh tế.