Bức thư cha gửi con nhân ngày đầu đi học khiến nhiều người giật mình
Những chia sẻ của người cha khiến nhiều người giật mình, nhưng sau khi ngẫm kỹ thì lại gật gù tán thưởng.
Mới đây, một ông bố có tài khoản là Phạm Dương Ngọc đăng tải bài viết gửi cậu con trai nhân ngày đầu đến lớp.
Nội dung xoanh quanh người bạn của ông bố này. Đó là một người đàn ông rất thành công trong cuộc sống, đồng thời là ông chủ một doanh nghiệp công nghệ rất lớn. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cuộc sống đói nghèo mà mình từng trải qua, người đàn ông này quyết định nâng đỡ cho tất cả người thân, anh chị em, họ hàng của mình để họ có một công việc ổn định và cuộc sống nhàn hạ, sung sướng.
Tuy nhiên, điều mà người cha muốn gửi gắm cho con trai sau khi đọc hết câu chuyện lại khiến nhiều người bất ngờ. Thay vì hành xử giống như người bạn của mình, đó là giúp cho cậu con trai nhỏ tuổi sau này có một chỗ đứng vững chãi trong xã hội thì ông bố lại quyết định sẽ... mặc kệ tất cả và để cho cậu con trai tự lo cuộc sống.
Những chia sẻ chân thật và thú vị của người cha khiến nhiều người thích thú và đồng thuận. Câu chuyện về người bạn do người cha kể lại cũng chính là tấm gương để nhiều người thấy rằng, điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể mang lại cho người thân đó là giúp họ tự đứng vững và đi trên chính đôi chân của mình, chứ không phải nhờ vả vào bất kỳ ai.
VTC News xin trích bức thư của ông bố Phạm Dương Ngọc (Hà Nội) nhắn nhủ cậu con trai:
Cậu con trai được người cha gửi bức thư đầy ý nghĩa trong ngày đầu nhập học. (Ảnh: FBNV)
"Gửi con trai ngày đầu đến lớp
Dù con mới học lớp 2, nhưng bố vẫn phải nói trước thế này. Rằng, cuộc đời con tự con quyết. Con có làm xe ôm, grab, bốc vác, công nhân... bố cũng mặc kệ.
Bố kể câu chuyện ngắn gọn thế này thôi:
Bạn bố, là một đại gia, tiền bạc chắc có ngàn tỷ, nhưng cuộc đời đâu chỉ có mỗi niềm vui. Bạn bố đi lên từ nghèo khó, nhọc nhằn, xây dựng được doanh nghiệp công nghệ cực khủng. Vì từng đói khổ quá nên thương người thân lắm, ko muốn ai phải khổ như mình nữa.
Cuộc sống của mấy người chị, anh, một đàn em ruột, em họ, cháu họ nội ngoại, cứ lớn lên, đi học, rồi nghiễm nhiên có việc làm, có thu nhập, có nhà cửa, có xe cộ. Bạn bố định hướng cuộc đời và tương lai cho cả họ.
Bạn bố từng tự hào lắm. Làm thằng đàn ông, mà gánh vác cả họ. Đàn ông như cây lim, cây nghiến, cho cả họ dựa vào, thì còn gì tốt hơn.
Nhưng rồi, cuộc sống không mãi thuận buồm xuôi gió. Chính sách thay đổi, kinh doanh xuống dốc.
Dù, bây giờ, đóng cửa doanh nghiệp, cũng sống giàu sang hết đời. Nhưng, mấy chục cái tàu há mồm trông vào đâu? Rồi đàn con nhỏ của những cái tàu há mồm nữa. Những con người vốn đâu phải kém cỏi, nhưng cuộc đời êm đềm được bạn bố sắp đặt, nên cứ thế nương theo, dựa dẫm, rồi mất hết ý chí.
Từng ấy con người, giờ vứt ra đời, làm lại từ đầu, thật không dễ dàng gì.
Con người sinh ra vốn lười biếng và thích dựa dẫm. Nếu không có chỗ dựa, thì mới có ý chí vươn lên. Còn có chỗ dựa rồi, thì phấn đấu làm gì nữa.
Đến lúc lâm vào cảnh này, bạn bố mới nhận ra, lỗi là của bạn bố, đã cướp đi toàn bộ bản năng sống của mấy chục con người trong gia đình, dòng họ. Tội này, có thể phải trả giá đến mấy đời sau mới hết được.
Vậy nên, dù con ăn vụng đái dầm, bố cũng tuyên ngôn luôn rằng, đời cua cua máy đời cáy cáy đào. Không bao giờ bố lo lắng, định hướng bất cứ điều gì cho cuộc đời của con. Thậm chí, sau này có đi thực tập, xin việc cũng tự mà lo. Làm việc gì bố cũng kệ. Còn lâu bố mới nhờ vả".