Bức ảnh em bé lau sàn ở sân bay và những hành động đẹp mẹ Việt dạy con nơi công cộng

An Trà,
Chia sẻ

Những câu chuyện nhỏ xinh này sẽ khiến bạn phải dẹp bỏ suy nghĩ chỉ có người Nhật, người Mỹ... mới dạy con biết cư xử văn minh nơi công cộng như cô bé 3 tuổi gây sốt trên mạng những ngày qua vì tự cầm giấy lau nước mình đánh đổ ra sảnh chờ sân bay.

Mấy ngày qua, trong những lần lướt chuột nhoay nhoáy vào giờ điểm tin, cư dân mạng ít nhiều dừng lại ở bức ảnh cô bé 3 tuổi tự cầm giấy lau nước do mình đánh đổ ở sảnh chờ sân bay. Bên cạnh cô là người bố đang kiên nhẫn dõi theo những hành động của con. Anh cũng chính là người đã đưa cho cô một chiếc khăn giấy để lau khô chỗ nước bị đổ, và im lặng quan sát cách xử lí của con trước "hậu quả" mà cô bé đã gây ra ở nơi công cộng. 

Rất nhiều bình luận khen hành động của cô bé, và khen ông bố có cách dạy con thật đáng ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy có những ý kiến khác cho rằng hai bố con này chắc phải là người Hàn, người Nhật... - những con người đến từ những xứ sở văn minh và có một ý thức cư xử văn hoá ở nơi công cộng. Tuyệt nhiên không phải người Việt, họ khẳng định. Tôi thấy thật buồn khi những bình luận này cũng nhiều không kém. 

Văn minh công cộng
Rất nhiều bình luận khen ngợi hành động của bé gái và cách dạy con tuyệt vời của người cha.

Điều đó khiến tôi phải lục tung những câu chuyện nhỏ xinh đã từng được nghe kể, thậm chí là chứng kiến, từ những người bạn của mình. Không phải để biện hộ, mà là củng cố một niềm tin rằng, trẻ con Việt cũng có thể hành động được như em bé ở sân bay, bố mẹ Việt cũng có thể làm được điều mà bố cô bé đã làm.

Từ câu chuyện bé Táo 7 tuổi không tè bậy ở biển hay bể bơi...

Táo là một em bé lai gốc Việt, 7 tuổi, sống cùng mẹ và anh trai 13 tuổi ở quận 12, TP.HCM. Táo thích bơi và thường xuyên được mẹ cho đi bơi vào cuối tuần. Có một điều trẻ con nào cũng sẽ trải nghiệm khi xuống hồ, đó là trong một môi trường nước rất đầy đặn và ấm áp, thật hết sức tiện lợi để "tè" luôn vào hồ mà không bị ai phát hiện. Vì vậy Táo luôn được mẹ dặn dò cẩn thận rằng điều vô cùng mất vệ sinh đó sẽ làm nước bị bẩn, ảnh hưởng đến con và tất cả mọi người có mặt ở hồ bơi. 

Ý thức công cộng
Hai mẹ con bé Táo.

Táo gật gù đồng ý. Đến khi cả gia đình đi chơi biển, đang mải ngụp lặn với sóng biển thì cu cậu bị mắc tè. Nhớ lời mẹ dặn, Táo bèn chạy một mạch lên bờ đi tìm cái toilet mới chịu giải quyết bầu tâm sự. Mẹ dạy là đi tè phải ở toilet chứ không là bất cứ chỗ nào khác. Tè ngay dưới biển thì lại càng không! 

... Đến chuyện bé Nhím nhất định phải xếp hàng chờ tới lượt mình lấy đồ ăn

Như bao đứa trẻ khác, bạn Nhím 8 tuổi rất thích được mẹ Điệp (Q.GV, TPHCM) dắt đi ăn gà rán vào cuối tuần. Một lần nọ, đi cùng hai mẹ con là một người bạn đã lâu không gặp của gia đình. Mẹ bận tiếp khách nên đề nghị Nhím tự đặt thức ăn và mang về chỗ ngồi giúp mẹ. Cô nàng hớn hở đồng ý. Nhưng mãi đến 15 phút sau mẹ mới thấy Nhím quay trở lại, hai tay bưng một chiếc khay có món mà cả nhà đều thích. Mẹ chưa kịp hỏi Nhím đã chỉ tay ra chỗ rất đông người đang chen chúc gần đó: "Con phải đứng xếp hàng rất lâu mới đến lượt mình mẹ ạ. Có một chú kia đứng sau con mà cứ chen lên đòi mua trước. Nhưng cô nhân viên nhất quyết không bán mà chỉ giải quyết theo thứ tự từng người một thôi". 

dạy con ý thức nơi công cộng
Văn hóa xếp hàng là điều cô bé Nhím này đã được mẹ dạy từ khi còn rất nhỏ.

Hay sự lo lắng của một cô bé khi chứng kiến người lớn vứt rác ra đường

Chị Vân Anh (Hà Nội) kể có hôm chị và bé Gấu đang đứng ở lề đường, chợt có một chú taxi chạy ngang qua hai mẹ con. Mẹ không để ý, nhưng Gấu thì thấy rất rõ rằng chú đang nhai kẹo và tiện tay xoay kính xuống để vứt vỏ kẹo ra ngoài cửa sổ. Hành động đó của chú dĩ nhiên là chẳng đẹp một chút nào nên đã nhận lại "một ánh mắt nói lên rất nhiều điều" của Gấu. Khi bắt gặp ánh mắt ấy từ một em bé, còn rất nhỏ, chú có vẻ ngần ngại và phải cho xe chạy xa khỏi chỗ Gấu đứng tầm 500 mét mới dám thả giấy gói kẹo xuống đường. Gấu vẫn dõi theo chú cho đến khi "chuyện gì tới phải tới" rồi quay sang nhìn mẹ và lắc đầu. Rất may lúc đấy có một cô nhân viên vệ sinh đến cho giấy gói kẹo vào thùng rác, thì Gấu mới chịu thở phào nhẹ nhõm. 

Ý thức công cộng
Dù còn nhỏ nhưng Gấu đã phản ứng lại hành động thiếu văn minh nơi công cộng của chú taxi chạy qua đường.

Nghe qua những câu chuyện cô bé lau sàn ở sân bay, chuyện của Táo, của Gấu, hay Nhím..., ai cũng sẽ nhận ra rằng đây là những em bé được giáo dục cẩn thận từ những ông bố, bà mẹ tuyệt vời. Rằng họ, những ông bố bà mẹ ấy, phải có những phương pháp dạy con cực kì bài bản và văn minh. Chia sẻ về điều này, các bà mẹ đều cho rằng những hành động đó của con mình không phải là kết quả của những lời nói áp đặt kiểu "con phải làm thế này chứ đừng làm thế kia". Mà chính là thành quả của một quá trình rất dài cố gắng trở thành một tấm gương cho con - của chính bản thân họ. 

Tôi không ngạc nhiên khi đọc những bình luận mang tính phân biệt cách dạy con của người Việt với người ở bất cứ nước nào khác. Những câu chuyện tôi từng thấy của những bà mẹ Việt, của những đứa trẻ Việt cũng đẹp đẽ không kém gì hành động của em bé được cho là người Hàn hay Nhật tự tay lau nước đổ ra sàn ở sảnh chờ sân bay kia. Cho dù là người nước nào, hay ở bất cứ đâu thì cũng có rất nhiều các ông bố bà mẹ đang dạy con những điều tốt đẹp, văn mình, chỉ có thể là bạn chưa được gặp, hoặc chưa được biết quá nhiều mà thôi. 
Chia sẻ