"Bố mẹ cho phép con mới được... làm người!" - Đây là cách mà nhiều bố mẹ đang nuôi dạy con
Để nhận diện các ông bố, bà mẹ trong một đám đông thật dễ dàng, bởi họ dường như có rất nhiều điểm chung: Cáu kỉnh, ra lệnh cho con cái, thiếu sự kết nối với con và phát điên lên với con vì chúng… hành xử như những đứa trẻ.
Thật dễ dàng để nhận ra điều này ở bất cứ nơi nào có sự xuất hiện của các gia đình có trẻ nhỏ, đó là, dường như lũ trẻ cần có sự cho phép của rất nhiều người lớn để có thể là chính mình – một con người.
Để khóc. Để mắc lỗi. Để đi vệ sinh. Để mệt mỏi. Để được lắng nghe. Để phấn khích. Để sợ hãi. Để cảm thấy an toàn. Để gặp khó khăn. Để làm chủ cơ thể mình. Để không bị dọa nạt. Và nhiều điều tương tự như thế nữa. Thực tế là, bằng cách này hay cách khác, người lớn chúng ta liên tục khiến trẻ cảm thấy rằng, chúng cần có được sự cho phép của người lớn thì mới được tôn trọng và được đối xử như những con người thực sự.
Đây là những gì bạn và tôi thường xuyên nghe thấy hàng ngày trong các cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái:
"Có thế mà con cũng khóc!"
"Nào! Con phải kiên nhẫn chứ!"
"Con bị làm sao thế?"
"Bình tĩnh nào"
"Có gì quan trọng đâu, con thôi đi"
"Sao con phải sợ rúm người vào thế!"
"Ăn nhanh lên!"
"Giữ trật tự nào!"
"Con có thể ngồi yên một chỗ được không?"
"Vì bố/mẹ bảo thế"
"Con có thôi lèo lèo ngay đi không"
"Đừng ngốc thế"
"Bố/mẹ cấm con cãi lại!"
"Nhanh lên, ra thơm bà đi"
"Nếu không "ạ" thì mẹ không cho đâu"
"Nếu con không làm việc X này, bố/mẹ sẽ phạt con/ không cho con làm điều Y/ bắt con ở nhà…"
Trên đây là phần mở đầu bài viết của Rachel, một người mẹ 3 con (8 tuổi, 5 tuổi rưỡi và 1 tuổi rưỡi) hiện đang sống ở Úc. Là một bà mẹ am hiểu việc dạy con theo phương pháp giáo dục Montessori, qua các bài viết của mình, Rachel khích lệ các bố mẹ nuôi dạy con bằng sự tôn trọng, gắn kết với thiên nhiên và ủng hộ cho sự thay đổi của cha mẹ để dành thời gian chất lượng cho con nhiều hơn. Cả ba con của Rachel hiện nay đều học tại nhà.
Những điều một bà mẹ ở Úc chia sẻ dường như tái hiện lại toàn bộ những hình ảnh mà tôi nhìn thấy ở các ông bố, bà mẹ và những đứa trẻ xung quanh mình. Những bố mẹ bận rộn, luôn thiếu thời gian cho con nhưng lúc nào cũng kiệt sức với các kế hoạch đã lên khung cho con và loay hoay nghĩ cách kiểm soát chúng sao cho tốt. Và những em bé bận rộn với lịch hoạt động kín mít, sinh hoạt hàng ngày từ sáng đến tối theo lịch trình như một người lớn và… luôn bị từ chối hay mắng mỏ và dán nhãn "em bé hư" khi có những hành xử của một… đứa trẻ như mè nheo, ăn vạ, phá phách, bị điểm kém.
Một người mẹ đã hỏi "Liệu có bố mẹ nào không nói với con chỉ 1, 2 câu trong những câu mà tác giả tạm liệt kê ra trên kia không?" – Và đó trở thành một câu hỏi không bao giờ có câu trả lời. Bởi vì chúng ta còn nói vô số những câu như thế!
"Con mà hư là bố/mẹ sẽ không yêu con nữa!"
"Phải biết nhường bạn/em chứ!"
"Nhanh lên nếu không bố/mẹ sẽ nhốt con ở nhà đấy!"
"Hoặc là con tập đàn, hoặc là bố/mẹ sẽ không bao giờ mua đồ chơi cho con nữa"
Lũ trẻ còn cần cả sự cho phép của người lớn để được yêu thương!
Trong bài viết của mình, Rachel mạnh mẽ đưa ra thông điệp về việc các bố mẹ đang tước bỏ quyền được là một con người của con cái mình như thế nào. Cô cho rằng, ai cũng có quyền được lắng nghe và tôn trọng. Vì sao trẻ em lại không có quyền lên tiếng trong những quyết định có ảnh hưởng tới chúng mà phải "nghe lời" của bố mẹ? Cũng giống như tất cả chúng ta – những con người tồn tại trên trái đất này, lũ trẻ không thích bị kiểm soát và điều khiển. Chúng sẽ luôn nghĩ cách để chống lại sự kìm kẹp và định hướng của cha mẹ. Vì thế, nếu bố mẹ luôn đối đầu với con cái, thì sẽ chẳng có chút niềm vui nào cả trong hành trình làm cha mẹ của chúng ta.
Bởi vì trẻ em không cần phải bị kiểm soát, điều khiển, ép buộc và trừng phạt thì mới HỌC HỎI. Trẻ em học hỏi từ những trải nghiệm trong cuộc sống của chúng. Chúng học cách đương đầu với những cảm xúc phức tạp, xung đột, khó khăn, tất cả mọi thứ – bằng việc quan sát cha mẹ. Vì thế, một trong những cách hiệu quả nhất bạn có thể làm khi nuôi dạy con cái là bản thân bạn trở thành hình mẫu, tấm gương cho những giá trị mà bạn mong muốn nhìn thấy ở con mình.
Theo một cách vô thức, người lớn thường xuyên mặc định hành vi của một đứa trẻ chính là bản chất con người của đứa trẻ đó. Khi bạn không thích hành vi nào đó của trẻ, bạn không thích cả đứa trẻ đó. Hệ quả sau đó là sự thiếu tôn trọng của bạn đối với chúng.
Nhiều hành vi của trẻ có thể khiến bạn khó chịu, bực bội, lo lắng; nhưng lắng nghe cảm xúc của trẻ để hiểu vì sao trẻ có hành vi đó mới là điều quan trọng nhất. Đừng lờ đi cảm xúc của trẻ và coi nhẹ những trải nghiệm của chúng. Bởi vì, sự cảm thông và thấu hiểu sẽ luôn luôn giúp bạn tìm được câu trả lời.
Hoặc đơn giản hơn, chỉ cần bạn luôn nhớ rằng, trẻ em không cần sự cho phép của người lớn để làm NGƯỜI. Chúng không cần tới sự nhào nặn hay một quá trình đào tạo của cha mẹ để trở thành một con người, bản thân chúng sinh ra đã là con người và không phải đợi đến "một lúc nào đó" mới được sống cuộc đời mình.