"Bỏ con để cứu mẹ" - câu hỏi khiến bác sĩ căng não khi thai mới 23 tuần nhưng sản phụ đã vỡ ối

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Thai nhi mới 23 tuần nhưng thai phụ đã bị vỡ ối. "Có giữ đứa bé hay không, giữ bằng cách nào không làm nguy hiểm tính mạng người mẹ" là câu hỏi hóc búa khiến các bác sĩ căng não tìm cách trả lời.

Bác sĩ Lê Văn Hiền, Cố vấn Cấp cao Sản - Phụ khoa, Bệnh viện Hạnh Phúc cho biết, vừa qua ông cùng các cộng sự đã thành công trong việc đưa một thai nhi ra đời an toàn khi chỉ mới 26 tuần tuổi.

Đặc biệt hơn khi trước đó đến 3 tuần, chị Lại Thị H. (mẹ bệnh nhi) đã rơi vào tình trạng vỡ ối phải nhập viện khẩn cấp.

Bác sĩ Hiền nhớ lại, thời điểm tiếp nhận trường hợp trên ông vô cùng đắn đo bởi thai nhi còn rất nhỏ, nếu để chào đời ngay khả năng sống sót là không thể. Tuy nhiên nếu cố dưỡng thai thêm, tính mạng người mẹ có thể gặp nguy nếu xảy ra biến chứng.

DSCF3904

Bác sĩ Lê Văn Hiền kể lại quá trình nuôi bé 23 tuần tuổi.

"Khi nghe có thể phải chấm dứt thai kỳ, sản phụ vô cùng hoảng loạn. Trong suốt quá trình dưỡng thai, chúng tôi cũng sẵn sàng tâm lý nếu có gì bất thường xảy ra buộc lòng phải bỏ con cứu mẹ.

Thai dưỡng đến tuần thứ 26 thì đã cạn nước ối, nếu còn để thêm khả năng thai nhi nhiễm trùng và ngưng tim thai có thể xảy đến bất cứ lúc nào" - bác sĩ Hiền nhớ lại.

TS.BS Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh chia sẻ, ở Việt Nam trước giờ không nhiều trường hợp thai dưới 24 tuần được cứu sống, và thế giới cũng không khuyến khích việc nuôi dưỡng thai bởi có rất nhiều rủi ro.

Do đó khi nghe thông tin ekip bác sĩ đã giữ được thai đến 3 tuần, bà biết đó là sự kỳ công nên bằng mọi giá phải cứu được đứa trẻ.

DSCF3895

Bác sĩ Cam Ngọc Phượng cho biết nếu không xử trí ngay trong 2 giờ đầu, bé sinh quá non có nguy cơ gặp nhiều biến chứng.

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ quyết định sẽ can thiệp cho bệnh nhi bằng phác đồ Giờ vàng.

Khi con chị H. vừa được đưa ra khỏi bụng mẹ, các bác sĩ lập tức giúp bé không bị hạ thân nhiệt bằng cách cho vào túi nhựa giữ ấm ngay tại phòng sinh.

DSCF6071

Bệnh nhi được điều trị tích cực tại phòng Hồi sức.

Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp và thở áp lực dương liên tục tại phòng sinh trước khi được đưa về khoa Hồi sức sơ sinh.

Để điều trị suy hô hấp, các bác sĩ bơm surfactant liên tục vào người bé, đặt đường truyền và truyền dung dịch đường, đảm bảo trẻ không bị hạ đường huyết.

DSCF6075

Bé đã hồi phục sau nhiều ngày nuôi dưỡng.

Sau can thiệp, sức khỏe đứa bé dần ổn định. Gần 50 ngày chăm sóc tại khoa hồi sức sơ sinh, hiện nay bé đạt cân nặng 2.235 gram, các cơ quan không bị tổn thương và đã có thể nhận dinh dưỡng qua đường tiêu hóa.

Bác sĩ Phượng cho biết, phương pháp Giờ vàng nói nôm na là các xử trí chuẩn được thực hiện sớm trong giờ đầu sau sinh.

a2

Các bác sĩ cho biết việc cứu thành công trẻ sinh non khi đã vỡ ối từ 23 tuần tuổi thực sự là một kỳ tích.

"Trẻ sinh non dễ bị hạ thân nhiệt nhanh và mất nước. Nếu không được xử trí ngay trẻ dễ bị hạ đường huyết, xuất huyết não, suy hô hấp, nhiễm trùng sau sinh. Dù sau đó có cứu được thì bé cũng không như những trẻ bình thường vì tế bào não phát triển rất chậm.

Trẻ cũng dễ bị các bệnh lý võng mạc (mù lòa) và các vấn đề ở phổi do thiếu oxy lúc sinh" - bác sĩ giải thích tầm quan trọng của phác đồ Giờ vàng.

DSCF3887

Một trường hợp bé sinh non khác được cứu sống và nay đã lớn.

Trước trường hợp con của chị H., bé Hoàng Chí Việt cũng đã chào đời vào tuần thứ 26 tại Bệnh viện Hạnh Phúc với cân nặng chỉ 950gr. Sau 66 ngày điều trị thành công, bé đạt cân nặng 2.540gr và bây giờ là một cậu bé bụ bẫm gần 9kg.

Đặc biệt hơn trong quá trình nuôi dưỡng bé, các bác sĩ không sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào và bệnh nhi cũng không gặp biến chứng thường có ở trẻ sinh non.

Chia sẻ