Bí quyết giúp vợ chồng trẻ cân bằng sau khi sinh con
Sau khi sinh con, cuộc sống hôn nhân bị đảo lộn khiến vợ chồng dễ bực bội với nhau, từ đó nảy sinh mâu thuẫn khó hàn gắn.
Bài viết này chia sẻ lời khuyên từ các chuyên gia và trải nghiệm của các cặp vợ chồng, họ cùng giải thích lý do tại sao quá trình chuyển đổi này lại khó khăn đến vậy và bạn có thể làm gì để mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Nhiệm vụ gia đình tăng gấp đôi, và những cuộc cãi vã của bạn cũng vậy
Trước khi có con, bạn phải làm việc nhà: Giặt giũ, rửa bát đĩa và những công việc nhàm chán khác. Nhưng sau khi sinh em bé, bạn phải làm những việc này với tốc độ gấp đôi, gấp ba. Bạn không thể trì hoãn bất cứ công việc nào khi đã có con nhỏ. Bạn rất dễ rơi vào cảm giác chán nản vì nghĩ rằng đối tác không chia sẻ gánh nặng với mình.
Brooke Patrick, một mẹ bỉm ở Seattle (Hoa Kỳ) nói: “Quần áo của trẻ cần phải được giặt nếu không chúng sẽ bốc mùi và trẻ cần được cho ăn ngay lập tức nếu không chúng sẽ khóc inh ỏi.
Ngay từ đầu, tôi và chồng đã phân chia công việc rõ ràng: Anh làm việc này, em làm việc kia. Sau đó chúng tôi chỉ cần duy trì nguyên tắc. Giải pháp này giúp chúng tôi không tranh cãi và công việc luôn được hoàn thành”.
Patrick chia sẻ thêm một chiến lược để giảm xung đột vợ chồng sau khi sinh con: Dán danh sách các công việc hàng ngày lên tủ lạnh và chuyển đổi trách nhiệm mỗi tuần. Mỗi người sẽ biết mình cần phải làm gì.
Tiến sĩ ngành tâm lý học Carol Ummel Lindquist (Hoa Kỳ) cho biết: “Nếu bạn cảm thấy như mình đang mang cả gánh nặng trên vai, hãy yêu cầu những gì bạn cần thay vì lao vào để tự giải quyết. Hãy yêu cầu trực tiếp thay vì chỉ nêu rõ những gì bạn cần được quan tâm và hy vọng đối tác của bạn sẽ tình nguyện tham gia.
Ngoài ra, hãy tạo thói quen cảm ơn đối tác của bạn sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ. Sự thừa nhận và lòng biết ơn có thể khiến đối tác của bạn dễ tiếp thu các yêu cầu trong tương lai. Những điều tốt đẹp sẽ tạo ra bầu không khí ít gây chiến hơn”.
Xung đột phong cách nuôi dạy con
Thật tuyệt khi nghĩ rằng, hai bạn sẽ chia sẻ với nhau những triết lý nuôi dạy con cái, nhưng đây chính là giai đoạn nhạy cảm và dễ nảy sinh xung đột chỉ vì hai người không có cùng quan điểm.
Rất có thể bạn là người ủng hộ phương pháp huấn luyện tự ngủ ngay cả khi con đang khóc, trong khi đối tác của bạn dễ đầu hàng trước những giọt nước mắt của con.
Tina và Tim Anson (Hoa Kỳ) phát hiện ra rằng họ khác nhau về mọi thứ liên quan đến đứa bé. Tina nói: “Tim thoải mái hơn nhiều so với tôi. Thằng bé nằm trên sàn và chơi ở bất cứ nơi nào nó thích. Nó cũng có thể ngủ ngon lành ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, tôi muốn thiết lập một số nguyên tắc, chẳng hạn con không được để đồ chơi vương vãi khắp nhà. Vì khác nhau về phương pháp dạy con nên chúng tôi bực bội và cáu gắt với nhau mọi lúc.
Đối với các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như cho con ngủ hoặc ăn, chúng tôi phải nghĩ ra nhiều cách để thỏa hiệp. Thời điểm con bắt đầu ăn dặm, chúng tôi đồng ý tuân theo các nguyên tắc của bác sĩ nhi khoa. Chúng tôi cùng nhau xem sách và bài viết về nuôi dạy con cái nhằm hỗ trợ các khía cạnh khác trong cuộc sống. Sau đó thảo luận về những gì tốt nhất cho cả gia đình”.
Thời gian của cặp đôi là thời gian dành cho gia đình
Cho dù bạn đã ở bên nhau nhiều năm hay chỉ mới kết hôn và muốn nhanh chóng có con, thì việc chuyển từ một cặp đôi thông thường sang một gia đình là cả một thách thức.
Andrea Frank đang sống tại thành phố New York, cho biết: “Khi chúng tôi hẹn hò và kết hôn, mỗi người vẫn có cuộc sống khá riêng biệt. Chồng tôi đi chơi với nhóm bạn của anh ấy, còn tôi thì tụ tập với những cô bạn thân. Cả hai chúng tôi đều làm việc rất nhiều và đến phòng tập thể dục một mình.
Bây giờ chúng tôi gắn bó với nhau hơn vì đã có con, nhưng chúng tôi không cảm thấy mình có đủ thời gian cho nhau.
Có hai giải pháp cho vấn đề này. Lindquist nói: “Đầu tiên, bạn cần sắp xếp thời gian cho nhau. Nhưng bên cạnh những cuộc hẹn hò, hãy lên kế hoạch cho những cuộc gặp ngắn để bạn có thể thảo luận về các vấn đề gia đình và chăm sóc em bé, chẳng hạn như cuộc hẹn với bác sĩ hoặc nên mua loại xe đẩy nào.
Phần thứ hai của giải pháp là cho phép bản thân có thời gian một mình. Đừng coi thời gian xa gia đình là một điều gì đó tồi tệ. Hãy coi đó như một món quà dành cho họ vì bạn đang trở lại cảm giác sảng khoái và hạnh phúc.”