Bí quyết của bà mẹ vắt được đầy tủ lạnh sữa cho con
Để có được nguồn sữa mẹ dồi dào như hiện nay, chị Ánh Tuyết có rất nhiều bí quyết.
Profile: Tên mẹ: Trần Ánh Tuyết Nghề nghiệp: Kinh doanh Tên bé: Nguyễn Hoàng Yến Ngày sinh: 9/7/2013 Tên gọi ở nhà: Yenny |
Sữa mẹ là nguồn thức ăn hoàn hảo nhất dành cho trẻ. Không cần phải nói về lợi ích của sữa mẹ thì ai cũng biết tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều bà mẹ bị mất sữa hoặc không có sữa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có nhiều cách để mẹ tạo nhiều sữa hoặc tiết sữa lại. Mời các bạn hãy cùng chúng tôi gặp bà mẹ "siêu phàm" khi có một "ngân hàng" sữa cho con. Hàng ngày chị Ánh Tuyết ( TP HCM) có thể vắt được trung bình 1,5 lít sữa.
Ánh Tuyết là một cô nàng cao ráo, xinh xắn, chị kể quá trình mang bầu, sinh nở đã khiến chị gầy đi nhiều. Chị cao 1m70, trước khi mang bầu nặng 75 cân, sau khi sinh con xong chị sụt xuống còn 70 cân.
Gia đình nhỏ ấm áp của chị Ánh Tuyết.
Chào Ánh Tuyết, bạn có thể bật mí cho độc giả được biết bí quyết giúp bạn có thể “sản xuất” 1,5 lít sữa/ ngày không?
Theo mình nghĩ, bà mẹ nào cũng có đủ sữa cho con, và cơ địa chỉ là 1 phần nào đó mà thôi. Có thể do các bà mẹ chưa được hướng dẫn cho con bú đúng cách hay kích thích gọi sữa về.
Bản thân mình sinh mổ, những ngày đầu sữa về rất chậm, thậm chí không có sữa, bé phải bú thêm sữa ngoài. Tâm lý của mình lúc đó căng thẳng, lo lắng vô cùng. Nhưng sau 1 thời gian kiên trì hút sữa đều đặn hàng ngày thì bây giờ mình đã có đủ sữa cho con và có thể tặng thêm cho 1 số bé khác.
Tủ sữa đáng ghen tị của bé Yenny.
Mình rút ra một kinh nghiệm là tinh thần của bà mẹ thật sự quan trọng, tinh thần càng thoải mái bao nhiêu thì sữa sẽ về nhanh, đúng giờ và dồi dào bấy nhiêu. Các mẹ cần phải có niềm tin là mình đủ sữa cho con bú, không nên quá lo âu mà ảnh hưởng đến tinh thần. Mẹ nên nghỉ ngơi và thư giãn trong khi cho con bú. Nếu các mẹ căng thẳng, chắc chắn sẽ mất sữa hoặc sữa về rất ít.
Nếu thấy bé bú mẹ không hiệu quả, các mẹ có thể đầu tư máy hút sữa về để hút, và tốt nhất là máy đôi. Các mẹ hãy hút sữa đều đặn hàng ngày. Lúc đầu thì 2 – 3 giờ vắt 1 lần, từ từ giãn ra 3 – 4 giờ vắt 1 lần. Hiện nay 4 giờ mình mới vắt 1 lần, tổng lượng sữa cả ngày dao động trên dưới 1,5 lít.
Chị Tuyết cho rằng nhiều mẹ thấy ngực mềm, nghĩ là không có sữa nên không vắt, quan niệm đó là sai lầm!
Ngoài việc vắt sữa đều đặn, bạn còn bí quyết gì nữa không?
Chắc chắn để nguồn sữa dồi dào thì mình không thể thiếu được một thực đơn ăn uống hoàn hảo. Hoàn hảo không có nghĩa là gì cũng ăn, ăn cho hai người. Hoàn hảo ở đây đó là đủ chất, không kiêng khem, vậy mới đảm bảo sức khỏe bản thân và chất lượng sữa được.
Thêm vào đó, trước khi vắt sữa các mẹ có thể uống 1 ly nước hoặc 1 ly sữa ấm, tắm nước nóng dưới vòi hoa sen để sữa nhanh về hơn. Trong khi vắt sữa, các mẹ đừng tập trung vào bình sữa mà hãy thư giãn với một bản nhạc nhẹ yêu thích hoặc xem một chương trình tivi vui nhộn.
Tuyết chia sẻ với chị em rằng nên hút sữa thường xuyên thì sữa mới về nhiều.
Nhiều mẹ thấy ngực mềm, nghĩ là không có sữa nên không vắt, quan niệm đó là sai lầm! Khi đến giờ, dù ngực mềm các mẹ vẫn phải vắt, như thế sữa mới xuống, và tạo thói quen cho sữa về đúng giờ. Đồng thời các mẹ không nên để ngực căng tức quá lâu, gây nên áp xe và dễ bị mất sữa dần.
Mẹ nên ở gần và bế bé nhiều hơn để có thể cho bé bú ít nhất 10 lần trong ngày và cho bú bất kỳ khi nào bé muốn. Bí quyết quan trọng nhất để có nhiều sữa là cho bé ngậm ti mẹ càng nhiều càng tốt. Mẹ cần đảm bảo bé được bú mẹ ở tư thế đúng và bú thường xuyên, cả ngày lẫn đêm. Nên cho bé bú lâu ở mỗi ngực, hết sữa ở bên này mới chuyển sang bên kia.
Bé Yenny bụ bẫm khi 2 tháng tuổi nhờ sữa mẹ.
3 tháng, bé được 7kg. Đây là kết quả của việc chịu khó ti mẹ hay sự ép con ăn của mẹ vậy?
Mình chưa bao giờ ép con ăn và chắc chắn tương lai mình cũng sẽ cố gắng không ép con trong chuyện này. Mình chỉ cho bé ăn theo nhu cầu (hiện tại, bé ăn có 700ml sữa một ngày), khi bé từ chối mình sẽ hợp tác với con. Nếu bé ngủ say sưa quá 4 tiếng đồng hồ mình mới đánh thức để cho bé ăn sữa. Thời điểm này, mình quan trọng cho bé ngủ sâu, ngủ ngon bởi bé phát triển trí óc và chiều cao trong lúc ngủ.
Mẹ vắt được trung bình 1,5 lít sữa trong khi một ngày bé chỉ ăn có 700ml, bí quyết để con ăn được sữa chất lượng nhất của Tuyết là gì?
Theo mình được biết, sữa mẹ khác với sữa bột ở chỗ chất lượng sữa đầu và sữa cuối không giống nhau. Sữa đầu trong, nhiều nước, sữa giữa và cuối dòng đục, nhiều dinh dưỡng. Nếu mẹ có quá nhiều sữa mà con bú không hết thì nên vắt bỏ sữa đầu để tránh việc dạ dày của bé nhỏ, vừa bú đã no thì không thể bú đến sữa cuối. Tuy nhiên, vắt bỏ ra và cất đi để dành sau này nấu bột ăn dặm cho bé. Với mình, giọt sữa nào cũng đáng trân trọng và bảo quản tốt để sử dụng.
Nhiều sữa như vậy, ngoài việc cho bé ăn, bạn cũng cho các bé khác sữa, việc vắt và bảo quản sữa sẽ vô cùng quan trọng cho sức khỏe của bé, bạn tiến hành việc này ra sao?
Vắt và bảo quản sữa là hai việc làm mình vô cùng cẩn thận. Đầu tiên là vắt sữa. Trước khi tiến hành làm, mình thường rửa dụng cụ đựng sữa bằng xà phòng và nước sạch. Rót nước sôi vào dụng cụ đựng sữa, để trong vài phút rồi đổ đi. Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng. Cách bảo quản sữa mẹ được vắt ra cũng quan trọng. Mình luôn sử dụng túi bảo quản sữa chuyên dụng cho mỗi lần vắt. Sữa chưa dùng tới mình để ở nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20 độ C, sữa mẹ có thể bảo quản được 6 tháng. Và mỗi túi sữa được đánh số ngày tháng rõ ràng.
Bé Yenny 2 tháng tuổi.
Các mẹ nên nhớ khi cho bé uống sữa ngay sau khi rã đông. Trước khi cho bé uống, nên ngâm bình sữa trong nước ấm 40 độ C để tăng nhiệt độ sữa bằng nhiệt độ cơ thể thì cho bé uống. Không nên ngâm sữa ở nước trên 40 độ C vì sẽ làm mất hết những kháng thể có trong sữa mẹ. Nếu bé uống không hết thì bỏ đi, không cho bé sử dụng lại.
Chất béo trong sữa sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt. Do đó, khi làm ấm sữa, các mẹ nên lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo này. Lò vi sóng có thể làm hủy hoại đi các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ. Vì vậy, mẹ không nên sử dụng lò vi sóng để làm ấm sữa.
Một số mẹ có hàm lượng lipase (một loại men tiêu hóa chất béo) trong sữa cao, khi rã đông sẽ khiến sữa có mùi vị của xà phòng, nhiều bé không muốn uống. Trong trường hợp này, mẹ có thể đun nhẹ sữa ở 80 đến 82 độ C để làm mất lipase nhé!
Trộm vía tuy nhiều sữa nhưng mình chưa bao giờ bị “dính” tình trạng thừa, hoặc Yenny giải quyết hoặc bé khác giải quyết giúp. Để tránh tình trạng sữa quá hạn phải đổ đi rất lãng phí, mình đã góp sữa của mình vào "ngân hàng" sữa để giúp đỡ những mẹ có ít sữa cho con bú hoặc những bé sinh non trong bệnh viện.
Cảm ơn Ánh Tuyết rất nhiều về cuộc nói chuyện vô cùng thú vị này! Chúc Yenny hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh!
Không ăn kiêng sau sinh, chườm ấm bụng là những cách giữ dáng tuyệt vời của bà mẹ xinh đẹp này.