Bị nhà nội chê vì không biết chăm con

T. H,
Chia sẻ

Nhìn mặt con trai dài thuỗn ra, chị Lanh không thể không gật đầu cho con về quê cùng ông nội trong mấy ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nghĩ đến những ngày phải về quê mà chị nản vô cùng.

Ngay từ hồi cu Bốp mới sinh, chị Lanh đã gặp không ít những khó chịu vì sự khác biệt trong cách nuôi và dạy trẻ con của chị với ông bà nội. Nghĩ phận mình làm dâu trưởng nên chị cố gắng tỏ ra "gương mẫu" để "các em nó còn biết mà tôn trọng, mà học theo" như lời ông bà nội cu Bốp vẫn nói. Cũng vì nghĩ mình sinh con đầu lòng ít kinh nghiệm, ông bà nuôi đến 4 đứa con, đứa nào cũng khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thành đạt thì ắt hẳn ông bà giỏi chăm cháu hơn mình nên thời gian đầu chị Lành cũng nghe theo cho dù đôi lúc chị thấy ông bà thật... lạc hậu. Càng về sau, chị càng không thể chịu nổi sự cứng nhắc của ông bà.

Bà nội ở lại trông cháu cho vợ chồng anh chị đi làm, vậy là bà đương nhiên coi như mọi việc liên quan đến đứa cháu đích tôn phải do bà quyết định. Quần áo của cháu phải là màu xanh vì bà bảo: "Đàn ông con trai là phải mặc màu xanh mới đứng đắn, màu vàng hay đỏ chỉ tổ lòe loẹt chứ làm gì". Cu Bốp mới được 1 tuổi, bà giảm hẳn 1 bữa cháo, thay bằng một bữa cơm vì "bà thấy cu Bốp có 8 rằng rồi, ăn cơm tốt rồi, ăn cơm cho chắc dạ chứ ăn cháo mãi đói vèo". Vợ chồng chị Lành có ý kiến là bà đây đẩy gạt đi: "Tôi nuôi đến 4 đứa con mà còn không biết hơn anh chị à. Chị xem 4 đứa con của tôi có đứa nào gầy gò ốm yếu đâu. Không ưng tôi chăm cháu thì thôi, mai tôi về". Vậy là, vợ chồng chị đành ngậm ngùi bảo bà cho cháu ăn cơm nát thôi để cháu dễ ăn.


Chẳng biết có phải do bà cho cu Bốp ăn cơm sớm không mà cu Bốp rất lười ăn, cứ nhìn thấy bát cơm là cu cậu khóc thét. Lười ăn, cu Bốp chẳng lên cân là mấy. Xót con, chị Lành mua sữa ngoại cho con uống mong kéo lại tí chút dinh dưỡng thì bà nội bảo: "Uống sữa làm gì ăn, đi tè vèo một cái là hết, ăn cơm mới no lâu và nhiều chất chứ". Thế là hàng ngày, lúc vợ chồng chị đi làm, dù chị có dặn bà cho cháu uống ngày 2 lần sữa thì bà cũng chỉ ậm ừ và cho uống một lần mà thôi.

Đã vậy, hai bà cháu chỉ ở nhà cả ngày. Cu Bốp không được tiếp xúc nhiều với bên ngoài nên có biểu hiện không mấy nhanh nhẹn. Nhiều khi thấy các bạn chơi, cu cậu chỉ ngồi nhìn chứ không dám ra chơi cùng.

Giận bà, thương con, chị Lành cố gắng chịu đựng đến khi cu Bốp lên 2 tuổi thì chị cho con đi nhà trẻ. Bà nội nhất định đòi trông cháu đến năm 3 tuổi mới cho đi gửi trẻ, nhưng vợ chồng chị Lành nhất quyết gửi con đi trẻ sớm cũng là để con dạn dĩ hơn. Bà nội dỗi và bỏ về quê.

Tưởng chừng mọi chuyện đến thế là xong, nhưng những lần sau đưa con về thăm ông bà nội ở quê, chị Lành không biết giấu mặt đi đâu khi bị mọi người trách cứ là không biết chăm con. Con không ăn thì bảo cho con ăn thế thôi, không cần phải ép, mua sữa nội cho con dễ uống không mua, cứ mua sữa ngoại làm thằng bé không thích uống nên uống ít. Rồi thì con mới 2 tuổi đã đưa đi trẻ, không biết thương con... Chị Lành biết, tất cả những thứ đó đều là do bà nội về quê đã thổi phồng lên. Mọi người ở quê, không biết sự thực là thế nào nên cứ ra sức trách cứ chị không biết cách nuôi con, không chăm sóc cháu đích tôn của họ một cách chu đáo.


Dù rất ấm ức, nhưng cũng vì cái mác dâu trưởng và muốn giữ thể diện cho chồng mà chị Lành cố kìm nén. Chị bảo chồng: "Thôi không chấp các cụ, con hư bao giờ cũng tại mẹ mà". Thế là những ngày ở quê, mỗi người một miệng "dạy" chị phải làm thế này, thế kia, cho con ăn thứ này, thứ kia... như thể... chị không biết gì.

Lại sắp đến ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thực lòng nghĩ đến những ngày về quê mà chị thấy nản, nhưng nghỉ lễ dài ngày mà không cho con về quê cũng không được. Đã vậy, ông bà nội còn đánh tiếng từ sớm, trước đó vài ngày, bà nội cất công ra Hà Nội, nói là thăm cháu nhưng thực chất là đón cháu về quê trước để vợ chồng chị phải về sau. Nhìn mặt con trai dài thuỗn ra, chị Lanh không thể không cho con đi cùng bà nội về quê. Chị chép miệng: "Thôi thì cũng may là một năm có đôi lần. Coi như mình chưa có kinh nghiệm dạy con vậy".
Chia sẻ