Bị chỉ trích vô cảm, đứng nhìn con sợ hãi, gào thét khi học bơi mà không phản ứng, người mẹ nói gì?

V.V.,
Chia sẻ

Trước những chỉ trích từ phía cộng đồng mạng, chị Tuyết Minh - mẹ bé Tin trong clip học bơi đã có những lời tâm sự về câu chuyện của mình.

Hai ngày qua, những đoạn clip ghi lại cảnh một em bé nhỏ tuổi đang vùng vẫy, gào thét dưới nước để học bơi đã lan truyền với tốc độ chóng mặt và nhận được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Bên cạnh việc chỉ trích phương pháp dạy bơi của thầy giáo trong đoạn clip thì mẹ của em bé này cũng phải nhận không ít những lời chỉ trích.

Số đông cho rằng chị quá vô tâm, tàn nhẫn khi chứng kiến con gào khóc, liên tục tìm về phía mẹ để cầu cứu nhưng mẹ không có phản ứng giúp đỡ bé. Rất nhiều bà mẹ bình luận, họ nghĩ rằng họ sẽ không đủ dũng cảm đứng nhìn con gào thét cầu cứu mà không làm gì giống như người mẹ trong clip.

Hình ảnh người mẹ đứng im nhìn còn gào thét, vùng vẫy dưới nước khiến nhiều người phẫn nộ và lên tiếng chỉ trích chị Minh.

Liên hệ với chị Đỗ Tuyết Minh là mẹ của em bé trong những đoạn clip nói trên, chị Minh chia sẻ: "Mình muốn cho con đi học bơi từ sớm vì hiểu được những lợi ích của việc biết bơi, bé nhà mình cũng rất thích nước, bé được 11 tháng hai mẹ con đã đi bể bơi và mình cũng cho con làm quen với các động tác như ngụp, đạp nước... Hơn nữa trong cuộc sống có những điều mình không muốn nhưng đôi khi nó vẫn xảy ra, chẳng hạn như việc các bé vui chơi rồi không may ngã xuống nước, đuối nước chẳng hạn.

Chính vì vậy nên mình muốn cho bé học bơi để bé có được khả năng sinh tồn. Nếu lỡ không may có ngã xuống nước thì bé có thể nổi trên mặt nước trong một thời gian nhất định và mọi người chạy đến cứu bé".

Nói về lý do lựa chọn cho con học bơi theo phương pháp này, chị Minh cho hay: "Mình đã tìm hiểu rất nhiều về các trung tâm dạy bơi thông qua Fanpage và trang cá nhân và sau cùng mình quyết định cho con học tại trung tâm của thầy Tùng (thầy giáo dạy bơi trong clip - PV). 

Trước đó thì mình và con đã được đến trung tâm học thử một buổi. Trong buổi học thử đó hai mẹ con cứ chơi dưới nước bình thường và thầy sẽ quan sát để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp cho bé. Trong buổi học thử thầy cũng nói cho mình nghe về phương pháp dạy bơi của thầy, tuỳ từng bạn sẽ có những cách dạy khác khau. Thầy nhìn con mình khá bạo nước nên cũng nói về định hướng sẽ dạy cho bé như thế nào. Trong quá trình bé học, mình cũng quan sát và thấy rằng thầy biết cách chọn từng thời điểm phù hợp để hướng dẫn cho bé những bước cơ bản theo từng bài". 

Chị Minh chia sẻ đoạn clip chị cùng con trai cùng tập bơi ở bể bơi sau khi bé Tin đã hoàn thành khoá học tại trung tâm được 3 tuần.

Đồng hành cùng con suốt 10 buổi học, chị Minh nhận xét chị thấy bé có sự tiến bộ qua từng buổi: "Những buổi cuối tập bài khó nhất như úp xuống mặt nước, mô phỏng như bị ngã xuống nước thì con tự đạp rồi nổi lên. Đến khi ra bể lớn, không gian rộng, con chưa quen thì phản ứng của bé có gay gắt hơn những buổi tập trước. Nhưng khi thả xuống nước thì con cũng có phản xạ để nổi lên, kể cả mẹ có cho con xuống sâu hơn thì bé cũng có thể đạp và nổi lên được.

Đó là những bài khó nhất và mẹ cũng phải có tinh thần thép thì mới tập cùng con được. Cứ mỗi khi mình lại gần con thì con lại giơ chân, giơ tay, khua khoắng, gồng người lên tìm mọi cách để ôm mẹ nên thầy yêu cầu phải tách mẹ ra chỗ khác, và chỉ đứng theo dõi con thôi.

Mấy buổi đầu mình cũng thấy xót con lắm, nhưng về kể với ông xã thì anh bảo phải cố gắng để làm những điều tốt nhất cho con. Mất khoảng 3 buổi thì mình mới quen được cảm giác nhìn con vùng vẫy, gào thét".

Chị Minh cho biết, khi phải nhận những lời chỉ trích từ phía cộng đồng mạng, bản thân chị không tránh được việc có chút cảm xúc buồn. Tuy nhiên, chị cũng muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: "Cuộc sống của mình thì mình sống tốt, con mình mình nuôi. Quan điểm nuôi dạy con của mỗi người là khác nhau và bố mẹ nào cũng muốn trang bị những điều tốt nhất cho con. Vì vậy mọi người không nên chỉ trích cách nuôi con của người khác". 

Để có góc nhìn đa chiều hơn về phương pháp dạy bơi này, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các thầy cô dạy bơi khác để tìm hiểu thêm.

Chia sẻ