Bé trai bị kẹt chặt tay vào cửa kính: Tai nạn khi đưa trẻ đi siêu thị bố mẹ nên cẩn trọng
Cùng mẹ đi siêu thị, bé trai gần 1 tuổi đã bị mắc kẹt tay vào cửa kính siêu thị khiến bé đau đớn, hoảng loạn khóc lặng hàng giờ đồng hồ.
Mới đây trên mạng xã hội có chia sẻ đoạn clip một bé trai gần 1 tuổi theo mẹ đi siêu thị. Do nghịch ngợm, cậu bé đã đưa ngón tay vào cửa kính rồi bị kẹt tay vào cửa kính khiến bé hoảng sợ, khóc nức nở mãi không nín. Những người có mặt tại đó vội xúm lại nghĩ cách giải cứu cho bé.
Bé 1 tuổi bị kẹt tay vào cửa kính.
Theo như nội dung đoạn clip ghi lại, một bé trai khoảng 1 tuổi được mẹ bế trên tay với nét mặt vô cùng hoảng sợ, miệng không ngừng gào khóc vì 4 ngón tay của bé đang bị kẹt cứng ở cửa kính ra vào của siêu thị.
Mẹ bé vừa bế con vừa dỗ dành cho bé đỡ sợ để mọi người xung quanh giải cứu con trai. Tất cả nhân viên siêu thị, bảo vệ cũng như khách hàng đều tập trung lại hỗ trợ nghĩ cách giải thoát cho bé. Thậm chí, có người nôn nóng còn định đập vỡ cửa kính để gỡ tay bé ra. Tuy nhiên, bảo vệ siêu thị đã kịp thời can ngăn vì sợ làm thế những mảnh vụn cửa kính bắn ra sẽ làm 2 mẹ con bé bị thương.
Cũng may một lát sau có thợ đến tháo cửa, em bé mới được giải cứu sau khi bị kẹt 15 phút. Lúc rút được ra, tay của cậu bé bị tím bầm khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Được biết, vụ việc xảy ra vào sáng ngày 27/10, tại một siêu thị ở phường 12, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Tai nạn của bé trai trong đoạn clip cũng chính là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ luôn phải theo sát trẻ, đặc biệt mỗi khi đưa con đi chơi ở nơi công cộng, cha mẹ không được phép lơ là dù chỉ một phút để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.
Các bước sơ cứu khi trẻ bị kẹt tay vào cửa
Nếu chẳng may con bị kẹt ngón tay hoặc cả bàn tay trong khi đóng cửa, hoặc bị vật nặng rơi vào ngón tay bé sẽ vô cùng đau đớn, hoảng sợ bởi đầu ngón tay là nơi tập trung rất nhiều đầu mút dây thần kinh và các cơ quan cảm thụ. Do đó, mỗi chúng ta cần phải biết cách sơ cứu kịp thời các trường hợp này để giảm thiểu đau đớn, cũng như hoảng loạn cho con.
- Trước tiên người lớn phải thật bình tĩnh để tìm biện pháp xử lý thích hợp. Đồng thời giúp bé bình tĩnh hoặc xoa dịu cơn hoảng sợ của bé bởi nếu để trẻ bị kích động quá mức có thể làm tăng quá trình lưu thông máu và dẫn đến tình trạng sưng tấy nguy hiểm hơn.
- Trong khi tìm cách xử lý sự cố, cha mẹ nên đánh lạc hướng sự chú ý của bé để giảm bớt sự hoảng sợ, đau đớn.
- Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình huống để xem xét có cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế chuyên nghiệp nhằm ngăn ngừa cơn đau hoặc chấn thương lâu dài hay không. Nếu vết thương nhẹ, cha mẹ có thể sơ cứu tại nhà cho con như chườm đá tại khu vực vết thương để giảm đau, tránh sưng tấy cho con. Nếu thấy nặng hơn, phụ huynh lập tức phải đưa con tới bệnh viện.