Bé trai 8 tháng ngã từ giường cao 60cm xuống đất, mẹ mải xoa đầu nhưng bàng hoàng hay tin một bộ phận khác bị thương nghiêm trọng

San San,
Chia sẻ

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các mẹ nuôi con nhỏ khi gặp phải sự cố tương tự.

Trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 6-12 tháng rất hiếu động, thích trườn bò, tập đi nên cần sự chú ý sát sao từ cha mẹ. Trong giai đoạn này, các bộ phận trên cơ thể bé còn yếu, dễ gặp tổn thương nên khi xảy ra sự cố hay va chạm, bố mẹ cũng cần phải chú ý quan sát con. Đôi khi chỉ một sự lơ là có thể khiến bé rơi vào tình huống nguy hiểm. Và câu chuyện sau đây cũng là bài học cho các ông bố bà mẹ đang nuôi con nhỏ. 

Mới đây, chị Trần Thị Thu Trúc (sống tại Ninh Thuận) đã chia sẻ câu chuyện con trai là bé Trần Minh Khánh (8 tháng tuổi) gặp phải sự cố khá nghiêm trọng. Cụ thể, trong lúc 2 mẹ con đang ngủ, bé tỉnh dậy trước và nằm chơi một mình. 

"Thường ngày con chơi có tiếng động và hay kêu nhưng hôm đó bé lại im lặng nên mình vừa ngủ vừa mở mắt trông con. Trong lúc không để ý, bé lật vài vòng và rơi xuống đất. Từ trên nệm cách nền gạch khoảng 60cm", chị Trúc chia sẻ. 

Thông thường, ngay sau khi bé ngã, điều đầu tiên các mẹ để ý sẽ là phần đầu của con vì đây là bộ phận dễ gặp phải tổn thương. Chị Trúc cũng như vậy, sau khi con trai ngã, chị dùng dầu xoa đầu và liên tục theo dõi con xem bé có bất thường nào không.

Bé trai 8 tháng ngã từ giường cao 60cm xuống đất, mẹ mải xoa đầu nhưng bàng hoàng hay tin một bộ phận khác bị thương nghiêm trọng - Ảnh 1.

Bé Minh Khánh bị gãy đôi xương vai đòn. Đây là bộ phận ít mẹ nghĩ đến nhất khi con bị ngã. Tuy nhiên ngoài phần đầu thì các bộ phận khác trên cơ thể đều có thể gặp phải nguy cơ bị tổn thương. Bố mẹ có con nhỏ rơi vào tình huống tương tự cần chú ý.

Tuy nhiên, tới sáng hôm sau, bà mẹ 1 con phát hiện một bên vai của bé bị sưng phù lên, đụng vào là bé khóc vì đau. Cậu bé tỏ ra khó chịu, bình thường con rất quậy nhưng nay tay phải của bé không nhúc nhích. Ngay lập tức, chị Trúc đưa con tới bệnh viện, vừa đi chị vừa khóc vì lo không biết con trai làm sao. 

Kết quả bác sĩ nói bé Khánh bị gãy đôi xương vai đòn do cú ngã quá mạnh. Lúc này, chị Trúc không kìm được mà rơi nước mắt, tự trách bản thân vì một phút bất cẩn mà con mới bị như vậy. 

"Do mẹ mà em phải đeo đai chỉnh xương như thế này, tội con trai nhỏ của mẹ quá, ráng mau khỏi để còn quậy phá nữa nha, chứ chơi mà 1 tay nằm im, 1 tay quơ đồ chơi tội không chịu nổi", bà mẹ 1 con xót xa tâm sự. 

Bé trai 8 tháng ngã từ giường cao 60cm xuống đất, mẹ mải xoa đầu nhưng bàng hoàng hay tin một bộ phận khác bị thương nghiêm trọng - Ảnh 2.

Cậu bé vẫn chơi đùa, ăn uống bình thường. Theo bệnh viện, phải mất 1,5 - 2 tháng xương bé mới tự lành lại và đi tái khám chụp X-Quang.

Chia sẻ thêm về câu chuyện của con trai, chị Trúc cho biết hiện tại bé vẫn ăn uống, vui chơi, hoạt động bình thường. Bác sĩ thông tin con phải đeo đai khoảng 7-10 ngày là có thể tháo ra. Phải mất 1,5 - 2 tháng xương bé mới tự lành lại và đi tái khám chụp X-Quang. 

"Bé còn quá nhỏ nên con chưa biết sợ, thế nhưng con khó chịu đau đớn khi ai đó đụng nhẹ vào vai hoặc gần ngay chỗ bé bị thương. Thông qua việc này, mình muốn gửi lời khuyên cho các mẹ có bé rồi thì không nên cho bé nằm ở giường cao mà thay vào đó nằm sàn cho yên tâm. 

Hoặc có thể mua thanh chắn, nhưng tốt nhất là để bé nằm dưới đất cho an toàn, vừa giúp mẹ nhàn mà con có thể hoạt động thoải mái, sau dễ biết đi hơn. Bên cạnh đó, việc các bé còn nhỏ tuổi bị ngã xảy ra khá nhiều nên khi rơi vào trường hợp như vậy, các mẹ cần phải kiểm tra toàn thân bé thật kỹ, đừng như mình cứ mãi lo phần đầu của bé mà không để ý tới phần vai (xương vai đòn) va chạm dễ bị gãy nhất", chị Trúc nói.

Chia sẻ