Bé trai 13 tuổi tự tử vì mẹ lắp camera theo dõi, dân mạng bùng nổ tranh cãi: ''Ranh giới giữa quan tâm và áp bức rất mong manh''
Sự quan tâm một cách thái quá của các bậc phụ huynh đôi khi sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường.
Giận mẹ vì lắp camera theo dõi
Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mới đây, tại khoa Hồi sức cấp cứu đã tiếp nhận một trẻ nam 13 tuổi, được phát hiện đã thắt cổ tự tử bằng khăn quàng đỏ trong nhà tắm.
Gia đình cho biết, trong đợt dịch Covid-19 nghỉ ở nhà, bé trai hay chơi điện tử trên mạng. Vì thế mẹ bé đã lắp camera trong phòng để theo dõi con. Bé trai cảm thấy không thoải mái và đã tâm sự với bạn bè về chuyện này. Ngày hôm ấy, khi camera được lắp xong thì bé trai xin phép đi vào phòng tắm.
"Hơn 20 phút không thấy cháu ra, gọi không trả lời nên tôi đã mở cửa phòng và phát hiện sự việc đau lòng này. Các bạn thân của cháu cho biết cách đây 2 hôm bạn ấy có nhắn tin lớp nhóm nói rằng đây có thể là lần cuối cùng mình nói chuyện với các bạn'', người nhà chia sẻ.
Có nên lắp camera để theo dõi con?
Dưới phần bình luận, 2 ý kiến trái chiều đã nổ ra. Một số phụ huynh cho rằng trẻ đang trong độ tuổi mới lớn sẽ có tính cách và tâm lý khác thường, việc theo dõi sát sao sẽ giúp bố mẹ hiểu con thêm. Tuy nhiên, do công việc bận bịu, phải đi làm mỗi ngày nên việc theo dõi bé gặp khó khăn. Hơn nữa dịch dã nên các bé học online suốt một thời gian dài nên không tránh khỏi việc phụ huynh lơ là con cái.
Bởi thế, việc nhiều phụ huynh lựa chọn việc lắp camera trong nhà không có gì là xấu. Họ mong muốn sẽ theo dõi được con và tránh trẻ chểnh mảng học hành hay chơi điện tử quên giờ học.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đa số cho rằng việc quản lý con bằng việc theo dõi hay can thiệp quá sâu vào chuyện riêng sẽ khiến bé cảm thấy khó chịu, mất tự do và ngại với bạn bè. Đồng thời, con sẽ hình thành tính cách che giấu, không muốn bố mẹ biết được và lén lút làm chuyện không hay ở một nơi khác.
Việc sát sao trẻ có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác và theo dõi con từng giây từng phút, đặc biệt là ở không gian phòng riêng của con không được đánh giá cao. Chưa kể đến việc bố mẹ không tôn trọng và tin tưởng con, nó còn cho thấy sự không khéo léo và cách nuôi dạy con có phần áp đặt, dồn ép.
Ranh giới giữa quan tâm và áp bức rất mong manh
Rất nhiều người cho rằng việc quan tâm đến con là cần thiết nhưng phương pháp quan tâm cũng là điều quan trọng.
- Mình cũng đang làm mẹ, nhưng không đồng tình. Bố mẹ thay vì giám sát thì nên chia sẻ tâm sự với con, bởi cho dù cha mẹ có giám sát kỹ đến đâu, thì cũng không thể trông coi 24/24 được. Nên tốt nhất là nên tâm sự, để có vấn đề gì con có thể thoải mái chia sẻ, thay vì lúc nào cũng mang tâm lý sợ hãi không dám nói.
- Quản lý con cái bằng việc giám sát và áp đặt lên con trẻ kiểu này không ổn, hãy thử đặt mình vào vị trí của con để hiểu con hơn. Dạy con cũng như uốn cây vậy phải vừa mềm dẻo vừa cứng rắn tùy trường hợp.
- Trẻ con cũng là con người, chúng cũng có cảm xúc và có quyền được tôn trọng. Đã đến lúc người lớn hãy học cách đừng xem con cái là tài sản riêng của bố mẹ. Bằng chứng là câu chuyện ngay trên bài, đứa trẻ đã muốn "không ngoan" thì có lắp chip vào não, nó vẫn có cách để bất tuân.
- Không nên, mẹ có thể kiểm soát hành vi của con nhưng không thể kiểm soát suy nghĩ của con. Cách giáo dục bằng tình thương không phải bằng nỗi sợ hãi và sự cấm đoán.
Bên cạnh đó, nhiều người đưa ra độ tuổi và thời gian bố mẹ nên lắp camera trong phòng theo dõi con.
- Với con dưới 7 tuổi thì lắp camera để theo dõi phòng khi con ốm. Còn trên 7 tuổi rồi thì không nên. Đừng kiểm soát con quá mức, con cũng có thế giới riêng, có không gian riêng tư mà. Lắp camera trong phòng con thì khác nào con là tù nhân bị giam lỏng và theo dõi không.
Hãy tôn trọng con
Để tránh áp lực cho con dẫn đến các rối loạn tâm lý và hành vi tự tử nhất là lứa tuổi vị thành niên, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phán xét đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ.
Ngoài ra, việc hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm được cách giải quyết và ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, nếu bố, mẹ lo lắng về con mình hãy tìm sự hỗ trợ của các bác sĩ và nhà tâm lý.
Ngoài ra, bố mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lí. Cha mẹ nên dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.